Hà Nội ra quân giành lại vỉa hè: Dân Hà Nội một tuần 'mất ăn, mất ngủ' lo chỗ gửi ô tô

Hà Nội ra quân giành lại vỉa hè: Dân Hà Nội một tuần 'mất ăn, mất ngủ' lo chỗ gửi ô tô

2017-03-16 08:49
- Vỉa hè, đường phố giờ không còn là nơi có thể đỗ ô tô bừa bãi, trong khi các điểm trông giữ xe lại không nhiều. Trong một tuần qua, khi Hà Nội thực hiện sắp xếp, dẹp lấn chiếm vỉa hè thì việc tìm chỗ gửi xe đang là nỗi lo với không ít người Hà Nội.

 Bỏ ô tô chuyển sang đi xe máy 

Nhà chức trách Hà Nội đang vào chiến dịch đòi lại vỉa hè cho người đi bộ. Hàng loạt con phố tại các quận nội thành đồng loạt ra quân, không chỉ xử lý những cơ sở kinh doanh lấn chiếm mà cả ô tô, xe máy đỗ trái phép trên vỉa hè, đường phố. Không ít chủ xe đã bị phạt, bị cẩu đi nơi khác do đỗ không đúng nơi quy định. 

Vì vậy, nhiều người đi ô tô cuống cuồng lo tìm một nơi để xe mới. Chị Nguyễn Thanh Hằng, nhà ở Kim Giang, quận Hoàng Mai, làm việc tại một văn phòng ở phố Ngô Tất Tố (quận Đống Đa) kể rằng, chị thường đi làm bằng ô tô, đến công ty để ngay vỉa hè phía trước. Đây là con phố cụt, mọi người vẫn để xe lâu nay mà không bị nhắc nhở gì. 

Hà Nội sẽ cấm các xe ô tô đỗ trái phép trên vỉa hè 

Tuy nhiên, từ 10/3, khi thành phố có chiến dịch giải phóng vỉa hè, thì tất cả ô tô không được để tại đây nữa. Tìm khắp các khu vực Cát Linh, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thái Học, Văn Miếu,... không có chỗ nào nhận trông ô tô, chị đành chuyển sang đi xe máy. 

Việc tìm bãi gửi ô tô gần chỗ làm với nhiều người trong mấy ngày vừa qua là câu chuyện thời sự, bởi việc tìm được một chỗ để xe gần nơi làm việc giờ là việc không hề dễ dàng. 

Công ty anh Lê Đức Thuận làm việc có trụ sở ở phố Láng Hạ trước vẫn được để ô tô trên vỉa hè, gần văn phòng, nay thì đừng mơ. Anh Thuận đành mang gửi tạm ở một ngõ nhỏ trong khu tập thể Thành Công, nhưng cũng chỉ đến 4 giờ chiều là phải đánh đi do có xe khác về đây đỗ qua đêm.

Do đó, cứ đến giờ này anh lại phải đứng dậy, chạy xe tìm chỗ khác gửi, thậm chí phải mang về nhà rồi đi xe máy quay lại công ty làm việc tiếp. Được mấy ngày, cực chẳng đã, anh đành chuyển hẳn sang đi xe máy. 

Với nhiều người nhà ở trong ngõ nhỏ, vốn hay gửi ô tô ở trường học, trụ sở UBND phường hay nhà văn hóa phường,... cũng đang lo ngay ngáy. 

Các bãi gửi xe trái phép sẽ khó tồn tại (ảnh minh họa) 

Anh Nguyễn Đình Tiến nhà ở đường Nguyễn Khánh Toàn (Cầu Giấy) cho biết, từ 1/3, khi Phòng Giáo dục quận nghiêm cấm các trường học trực thuộc giữ ô tô trong sân, bất kể ngày hay đêm, anh đành phải tìm nơi khác thay vì gửi ở một trường học cùng phố.

Các nhà văn hóa và UBND phường gần nhà thì đều kín chỗ, anh đành phải gửi tận chân cầu vượt Mai Dịch, tuy xa nhưng may là vẫn còn chỗ. Buổi sáng đi làm anh chạy xe máy ra đó gửi, rồi lái ô tô đi làm ở thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng - nơi vẫn có chỗ để xe. 

Mất ăn mất ngủ lo chỗ gửi xe 

Vì tìm một chỗ gửi xe tại các quận nội thành giờ “khó như lên giời”, anh Hoàng Minh Tuấn, sống tại tòa nhà Sông Hồng, phố Thái Hà, cho biết, nhà có 2 ô tô nhưng tầng hầm chung cư chỉ được 1 suất gửi, chiếc còn lại đêm gửi ở một trường học bên phố Thái Thịnh, ban ngày không đi thì để vạ vật đâu đó. Song, tình hình hiện nay khiến anh thực sự lo ngại. Nếu thời gian tới thành phố cấm tất cả các trường học không được trông giữ ô tô, giống như quận Cầu Giấy đã làm, không biết anh phải tìm chỗ nào để gửi xe. 

“Tôi đã vào tận mấy khu đô thị ở Thượng Đình, Thanh Xuân dò hỏi, muốn tìm một chỗ gửi xe yên ổn lâu dài dù cho phải đi xa hơn, nhưng khu nào cũng chật kín, không còn chỗ”, anh Tuấn kể. 

Trên thực tế, việc các nhà văn hóa phường cho gửi xe cũng gây ra nhiều bức xúc. Quận Nam Từ Liêm, kể cả khi có nhiều khu đô thị được quy hoạch đồng bộ với chỗ để ô tô thì sân các nhà văn hóa tại phường Mễ Trì, Trung Văn,... vẫn chật kín xe.

Còn nhà văn hóa tại những khu dân cư đông đúc như phường Khương Đình, Thanh Xuân, Kim Giang Hoàng Mai,... có nơi số ô tô gửi đến gần 100 chiếc. Xe chiếm hết sân, khuôn viên, người dân không có chỗ vui chơi, hội họp. Nhiều người từ lâu đã đặt vấn đề: nhà văn hóa liệu có làm sai chức năng? 

Nhiều người cuống cuồng đi tìm chỗ để xe mới 

Nếu sắp tới các nhà văn hóa, UBND phường, trường học,... trên địa bàn thủ đô bị cấm trông giữ ô tô, ra đường không được để xe ở các vỉa hè, đường phố,... thì một lượng lớn ô tô không biết sẽ ra sao? Những ai dùng ô tô làm phương tiện đi lại hàng ngày sẽ mất ăn mất ngủ, lo tìm chỗ gửi, anh Tuấn lo lắng nói. 

Trong khi đó, ô tô ngày càng rẻ do thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt giảm. Nhiều gia đình đang tích tiền và nuôi mơ ước lên đời xế hộp vào năm 2018, số lượng xe chắc chắn sẽ tăng lên. Hà Nội hiện mới chỉ có khoảng 800.000 ô tô các loại. Trong vòng 5 năm nữa con số này có thể tăng gấp đôi, hạ tầng dành cho ô tô chắc chắn không đáp ứng kịp. Có xe mà không có chỗ gửi quả là vấn đề nan giải với nhiều người. 

TP. Hà Nội cũng đẩy mạnh việc xây dựng bãi đỗ xe. Song, việc này không hề đơn giản với các quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng,... quỹ đất hạn hẹp, dân cư đông đúc. 

Do đó, ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia về thiết ô tô, giám đốc Công ty công nghệ ô tô Đức Việt, nhận định, nhiều người sẽ phải tính toán kỹ càng: liệu có nên sở hữu ô tô hay không. Nên cố thủ ở trung tâm chật hẹp, hay dời nhà ra ngoại ô có hạ tầng tốt hơn để sử dụng được ô tô? 

Theo Trần Thủy/Vietnamnet 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Đừng bao giờ tự tin về vị trí của mình trong trái tim ai đó

Đọc nhiều nhất