Dịch vụ làm bánh dày "hốt bạc" dịp lễ giỗ tổ
Tin liên quan
Cứ đến cận dịp lễ giỗ tổ vua Hùng, xưởng sản xuất bánh handmade của chị Hương Giang (Thạch Thất, Hà Nội) lại hết sức nhộn nhịp, mọi người đều làm việc hết công suất để kịp làm ra những chiếc bánh dày trắng tinh, nóng hổi, thơm ngon trả cho khách đặt để kịp đi lễ đền vua Hùng ngày 10/3 Âm lịch.
Gạo nếp được thổi chín tới, cho vào cối giã thật nhỏ, thật mịn rồi đặt trịnh trọng, khéo léo lên mâm đĩa. Không chỉ cung cấp những chiếc bánh dày nhỏ nhắn bằng nắm tay hoặc bằng chiếc đĩa, xưởng bánh chị Giang còn làm cả những chiếc bánh to quá khổ, nặng gần chục kg đặt vừa cả mâm cơm cho những ai có nhu cầu.
"Những chiếc bánh dày nhỏ bằng nắm tay thường được mua về để đặt lên bàn thờ gia tiên, ăn sáng. Ngoài ra, còn có bánh dày cỡ lớn nặng khoảng nửa cân đến 1 cân, đặt vừa đĩa. Loại này là được nhiều người mua vào dịp giỗ tổ nhất. Vì loại này đặt bàn thờ tại nhà cũng được, mà mang đi lễ lạt tại các đền thờ vua Hùng cũng vừa khéo. Tuy nhiên, nhà mình cũng nhận làm cả những chiếc bánh cỡ đại, to bằng đĩa cái hoặc to bằng mâm. Loại này có trọng lượng từ 3 - 5kg, phải đặt trước 1 ngày mới có bánh giao khách" - chị Giang cho hay.
Giá 1 chiếc bánh dày đường kính 15cm có giá 65.000 đồng/đĩa, còn giá của bánh dày cỡ đại có giá từ 150.000 - 250.000 đồng/chiếc, tùy theo kích cỡ. Riêng bánh có độ lớn bằng mâm cơm có giá 300.000 đồng/chiếc.
"Khách đặt bánh cỡ đại không nhiều, nhưng hầu như năm nào cũng có. Khách hàng yêu cầu bánh phải làm mới, bánh đến tay khách phải còn nóng hổi, da bánh mềm mướt, không đanh khô nên cả gia đình tôi đều phải thức suốt đêm làm bánh để giao cho khách đúng chất lượng yêu cầu, mất nhiều công sức nên bánh dày cỡ đại có giá khá cao. Bánh dày nếu để lâu ngoài không khí chừng nửa ngày thôi cũng sẽ khiến da bánh bị dai cứng, ăn không ngon nữa" - chị Giang chia sẻ.
Làm bánh dày cỡ đại cũng không dễ, nhất là khâu chọn gạo, giã bánh.
"Năm nay, nhà mình nhận làm khoảng gần 1.000 bánh dày to nhỏ các loại, tính ra số lượng gạo nếp được dùng để đồ xôi đến cả tạ. Một ngày 24 tiếng mọi người thay phiên nhau nghỉ ngơi rồi lại lao đầu vào làm bánh để kịp trả khách" - chị Giang cho hay.
Chị chia sẻ, làm bánh dày có lẽ cực nhất là khoản chọn gạo nếp, gạo phải thật trắng, không bị dính đầu ruồi, vì khi dính đầu ruồi thì sau khi giã xong sẽ khiến bánh xấu đi. Khi đồ chín thành xôi phải canh chừng, gần chín thì rưới thêm chút nước lên trên cho xôi thật dẻo.
Xôi gỡ ra khỏi chõ thì dùng cối giã cho nhuyễn, trung bình cứ độ 30 phút lại giã xong một mẻ xôi, lúc này xôi trở thành bột bánh láng mịn, trắng tinh, dẻo quánh, thoạt nhìn như bột loãng, lúc này đã có thể nặn thành chiếc chiếc bánh dày tùy ý. Đặc biệt, bánh muốn nóng phải làm xong vào thời điểm 5h - 6h sáng để giao đến cho các cửa hàng, khách đặt khi bánh còn ấm.
Chị Ngọc Lan (Ba Đình, Hà Nội) muốn đặt 2 mâm bánh dày để đi lễ giỗ tổ vua Hùng cho hay: "Năm nào cũng vậy, cả gia đình bên nội nhà mình đều đi đến đền vua Hùng vào dịp nghỉ lễ 10/3, vừa để cúng bái, vừa để con cháu được dịp đi chơi, tìm hiểu lịch sử nước nhà. Đông người đi nên lần nào mình cũng chuẩn bị bánh dày cỡ lớn, 3 cặp bánh chưng để khi về chia cho mọi người thụ lộc".
Chị Lan cho hay, chị có từng làm bánh dày bằng bột nếp tại nhà để cúng, nhưng chỉ có thể làm những chiếc bánh nhỏ bằng bàn tay và không được đẹp: "Mình từng nghĩ làm bánh dày cỡ lớn tại nhà để mang đi lễ, nhưng bánh làm bằng bột nếp thì chỉ làm được cỡ nhỏ, không có chõ hấp nào đủ lớn để làm chiếc bánh to bằng cái mâm cả, thế nên mình đặt xưởng bánh làm giúp. Hai chiếc bánh dày to bằng cái mâm nhỡ đường kính 30cm có giá 500.000 đồng/cặp, trông rất ngon mắt, trắng trẻo và sạch sẽ, khi bày biện lên ban thờ cũng rất đẹp".
Không chỉ chị mà nhiều chị em khác cũng ráo riết đặt mua bánh dày cỡ lớn để thắp hương vào dịp 10/3.
Chị Vân Anh (Hoàn Kiếm) cho hay, theo chị thì những chiếc bánh dày cỡ nhỏ bằng nắm tay chỉ phù hợp để ăn sáng, còn để mang đến đền thờ thì phải dùng đến chiếc bánh to bằng chiếc đĩa, trông vừa thành tâm lại vừa sang.
"Bánh dày mình đặt đi lễ bao giờ cũng phải to bằng cái đĩa, nhìn lễ đặt lên không bị vụn vặt. Sau khi lễ xong, thụ lộc thì dùng dao xéo thành từng miếng, vợ chồng con cái chia nhau ăn cũng rất ấm cúng, ai ăn bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu, chỉ độ 50.000 - 60.000 đồng/chiếc, cũng không đắt đỏ hơn là bao" - chị Vân Anh chia sẻ.
Bà nội trợ này cũng cho biết, để đặt được bánh dày ngon, còn nóng hổi, chị đã phải đặt trước cả tuần lễ, càng sát ngày giỗ tổ thì càng khó đặt, do đơn đặt bánh khá nhiều. "Mình có thể đợi đến sáng ngày 10/3 đi mua bánh dày bán ở ngoài chợ cũng được, nhưng hầu như đều là bánh đã làm từ lâu, không còn nóng mới nữa, thậm chí có bánh còn bị cứng, pha gạo tẻ, ăn không ngon. Thế nên mình quyết định đặt mua bánh ở cửa hàng uy tín, lấy bánh từ sáng sớm lúc còn nóng hổi, cảm giác yên tâm hơn. Tuy nhiên, muốn đặt được bánh đúng ý phải liên hệ trước từ sớm, ít nhất là 4 ngày".
Lương Chi
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất