Con dâu bị mẹ chồng đánh đến nhập viện ở Bắc Ninh: 'Cô Hoàn là người sống rất tử tế'
Tin liên quan
Bi kịch hôn nhân chóng vánh và người chồng nghiện rượu
Năm 29 tuổi, đang làm công nhân trong khu Công nghiệp Bắc Thăng Long, qua vài lời mai mối của hai bà mẹ, chị Nguyễn Thị Hoàn và anh Nguyễn Văn Thành (SN 1972) đã gặp mặt nhau. Sau hai lần gặp mặt và chưa đầy 1 tháng sau ngày quen biết, chị Hoàn và anh Thành đã quyết định tiến đến hôn nhân.
Vì thời gian tìm hiểu quá nhanh nên chị Hoàn cũng không biết nhiều về chồng và gia đình chồng. Chị chỉ biết mang máng, chồng sắp cưới uống rượu do buồn phiền chuyện gia đình.
Theo người vợ này kể: "Về nhà chồng, chị mới biết chồng chị thực chất là người đàn ông hiền lành và ngoan ngoãn trong nhà. Tuy nhiên do gia đình chồng quá phức tạp, các anh chị em không quan tâm đến nhau. Các anh chồng đều là dân xã hội, cho vay nặng lãi, cầm đồ… Đó cũng là lý do khiến chồng chị chán nản lao đầu vào rượu chè".
Nhưng khi ấy, chị Hoàn lại nghĩ, đàn ông nào chẳng uống rượu mà không biết rằng anh Thành uống rượu nhiều đến nỗi thần kinh không bình thường. Mỗi lần anh lên cơn động kinh co giật, gia đình lại phải đưa vào viện tâm thần.
Vợ chồng chị Hoàn, anh Thành cùng 2 cô con gái đáng yêu.
"Ngày 20/11/2007, đám cưới của chúng tôi diễn ra. Lúc đưa dâu, anh yếu đến mức bước đi không nổi, phải có hai người đi hai bên xốc nách. Cám cảnh này, chị đã muốn hủy đám cưới ngay. Nhưng vì gia đình thuyết phục động viên nên chị nhắm mắt bước tiếp", người phụ nữ này tâm sự.
Sau đám cưới, chị Hoàn đón chồng xuống phòng trọ ở cùng để tiện đi làm (Chị làm cho công ty của Nhật). Nhìn thấy chồng suốt ngày say khướt, ai cũng khuyên chị Hoàn nên bỏ chồng. Nhưng chị quyết tâm không bỏ: “Đã là vợ chồng, một ngày cũng nên nghĩa. Anh chị là duyên số, nên chị chấp nhận và sẽ yêu thương, chăm sóc anh”.
Chồng như vậy, nên chị Hoàn phải làm trụ cột gia đình bất đắc dĩ. Hàng ngày chị đi làm nuôi chồng, chăm sóc chồng khi ở viện. Tằn tiện chi tiêu, mỗi tháng chị cũng tiết kiệm được chút tiền. Nhưng tiền thuốc men, viện phí, chi tiêu trang trải trong gia đình, tất cả trông vào những đồng tiền tiết kiệm của chị mãi rồi cũng hết.
3 tháng sau đám cưới, mẹ chồng khuyên vợ chồng chị Hoàn nên về quê, tận dụng mặt tiền của gia đình để kinh doanh. Nghe cũng xuôi nên chị bỏ việc, theo chồng về quê lập nghiệp.
Về quê, vợ chồng chị Hoàn mở quán sửa xe, chị bán hàng nước: "Thấy anh bệnh tật, lại hay say xỉn nên chẳng ai dám sửa xe, chẳng ai dám uống nước. Ngoài những lúc rượu vào say và tật bệnh xơ gan nặng, anh rất thương chị".
"Những lúc chồng nhập viện, chị toàn một mình đưa anh đi. Khi nào quá mệt mỏi chị lại nhờ nhà ngoại hỗ trợ. Tuyệt nhiên, phía nhà nội có 5 anh chị em nhưng không ai đoái hoài hỏi han. Nhất là những tháng ngày anh ra bệnh viện Bạch Mai cấp cứu vì bị xơ gan. Chị gọi báo cho các anh chị họ nội nhưng tuyệt nhiên, họ không hề ngó ngàng quan tâm".
Căn nhà hai mặt tiền, lợi thế để kinh doanh nhưng chị Hoàn vẫn chật vật.
Nỗi đau của người con dâu bị mẹ chồng đánh đến nhập viện
Suốt những tháng ngày chị Hoàn đưa chồng đi viện, thuốc thang, điều trị, bên nhà chồng không một câu quan tâm hỏi han, kể cả mẹ chồng.
Tuy nhiên, thấy con dâu tần tảo chăm sóc, đưa chồng đi viện thì mẹ chồng chị Hoàn khen ngợi hết lời. Hoặc khi nhà ngoại mang tiền đến cho con rể chữa bệnh thì bà niềm nở đón tiếp. Nhưng khi con trai bà khỏe mạnh, xuất viện là bà lại mỉa mai, soi mói, nói xấu con dâu.
"Những tháng ngày làm dâu ở đây không biết bao lần bà gây khó dễ cho chị hết chuyện này đến chuyện khác. Tuy nhiên, nhờ có chồng ở bên, chồng thương và hiểu chị nên chị không chấp nhặt mấy chuyện này", chị Hoàn kể.
Nhưng từ sau ngày chồng mất (tháng 4/2016), chị nhoài người kiếm tiền từ bán hàng, chạy xe ôm để có tiền lo lắng cho mẹ chồng và hai đứa con (cháu Nguyễn Thị Hồng Anh, 7 tuổi và cháu Nguyễn Như Ý, 4 tuổi). Song bù lại, mẹ chồng luôn không để chị yên thân. Bà đưa ra đủ thứ chuyện để chửi bới, nhiếc móc con dâu.
"Căn nhà là tài sản ông bà đã chia cho chồng chị. Nhưng vì ngày chia tài sản, chồng chị chưa có gia đình nên tên chủ hộ trong sổ hộ khẩu vẫn đứng tên bà. Trước khi bố chồng mất, ông có để lại bản di chúc khẳng định chủ hộ là tên anh. Nhưng giờ chồng chị mất rồi, ngoài việc nhiếc móc con dâu, suốt ngày bà mỉa mai mấy mẹ con chị ăn bám nhà bà. Trong khi không việc gì không đến tay chị. Đi khỏi nhà thì thôi, về đến nhà là bà lại mắng chửi chị. Bà còn tìm mọi lý do để đánh đập hai con chị".
Chị Hoàn đang phải nằm điều trị tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh.
Đỉnh điểm của vụ việc là ngày giáp Tết, khi chị đang bán hàng hoa ở cửa nhà thì mẹ chồng nhất định không cho bán: "Bà bảo 30 Tết rồi, không lo dọn dẹp còn bán hàng nữa thì tao đổ đi hết. Thích bán thì đi chỗ khác bán, đây là nhà tao”.
Dù chị không thể dọn dẹp nhà cửa nhưng các chị em nhà ngoại đều thay nhau lên dọn nhà, mua sắm đồ Tết giúp chị không thiếu thứ gì. Vậy nhưng chị Hoàn vẫn bị bà mắng chửi thậm tệ.
"Buổi tối, khi chị lả đi vì bị tụt huyết áp sau một ngày làm việc mệt mỏi. Vừa bước chân đến nhà, bà mắng té tát chị về tội không lo cơm nước cho bà. Giọt nước đã tràn ly, chị nói lại rằng con đang ốm thế này, bà còn khỏe, bà không thể nấu được bữa cơm mấy bà cháu ăn ư. Chị vừa nói xong thì bà quát lên bảo, bà ở đây thì chị phải có trách nhiệm lo cho bà ngày 2 bữa cơm đầy đủ”.
Nói rồi mẹ chồng chị Hoàn cầm chiếc bát đập ngay trước mặt con dâu. Chiếc ô để gần đó bà quơ lấy đánh chị. Quá mệt mỏi trước người mẹ chồng quái đản, chị nằm đó chịu trận mà không thể chống cự lại được nữa.
Cuối cùng, người chị dâu đưa chị lên viện. Phía bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh yêu cầu chị phải nhập viện tâm thần vì bị rối loạn thần kinh. Song chị Hoàn nhất quyết không đi. Bởi chị sợ, nếu đi điều trị sẽ không ai chăm sóc 2 đứa con nhỏ.
"Kể từ hôm chị nằm điều trị tại đây, ở nhà mẹ chồng chị và tất cả mấy người con trai cũng không quan tâm hỏi han chị một lời", chị chua chát nói.
"Cô Hoàn là người sống rất tử tế", "Gia đình chồng không nề nếp"
Đây là những nhận của những người hàng xóm sống xung quanh gia đình nhà chị Hoàn.
Một chủ quán phở, cũng là hàng xóm gần nhà chị Hoàn cho biết: “Cô Hoàn là người sống rất tử tế và biết điều. Cô ấy sống không ai chê vào đâu được. Với bản thân, cô ấy tằn tiện từng đồng. Nhưng với chồng, con, mẹ chồng, cô ấy không tiếc gì".
Người hàng xóm này cũng tỏ ý xót xa cho chị Hoàn khi phải sống cùng mẹ chồng cay nghiệt sau khi chồng mất: "Anh Thành chồng cô ấy, chỉ còn nước gan trời là chưa được ăn thôi. Nhưng vớ phải hoàn cảnh gia đình họ như vậy thì phải chịu, biết làm thế nào. Giờ phải sống khỏe mạnh để chăm sóc hai đứa con nhỏ thôi. Tự bản thân cô ấy phải cố gắng thôi”.
Trước hoàn cảnh gia đình éo le nhà chị Hoàn, vị hội trưởng Hội phụ nữ phường Tiền An, tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Tôi không ở cạnh nhà bà Dung (mẹ chồng chị Hoàn) nhưng một vài lần chị Hoàn có qua nhà tôi thông báo và cho tôi xem mấy đoạn clip thì tôi mới thấy sự việc xảy ra là có thật”.
Hội trưởng Hội phụ nữ phường cũng cho biết: "Sự việc ồn ào này mới xảy ra gần đây nên đại diện phía chính quyền địa phương chưa lần nào gặp mặt gia đình để hòa giải”.
Đánh giá về gia đình nhà bà Dung, vị hội trưởng hội phụ nữ cho hay, đây là một gia đình không nề nếp và có tiếng ứng xử thiếu văn minh trong khu vực. Vì thế, không ai muốn động chạm đến nhà họ. Tuy nhiên, sự việc này sớm muộn phía cơ quan chức năng cũng sẽ vào cuộc để làm rõ.
Khánh Ly
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất