Chuyện trĩu lòng ở xóm chài chạy ăn mùa nước nổi ven đô
2014-08-29 09:36
- (Em đẹp) - Một “ngôi nhà” rộng chừng 12 m2 với ít nhất 5, 6 nhân khẩu lênh đênh trên mặt nước.
Tin liên quan
Cứ mỗi độ tháng Bảy, tháng Tám âm lịch, khi dòng sông Hồng gầm gừ hung dữ cũng là lúc hơn chục hộ dân tại xóm chài Phúc Xá (Ba Đình, Hà Nội) lại gồng mình chèo thuyền, buộc dây giữ cho nhà khỏi trôi đi nơi khác.
Mong có đủ cái ăn, cái mặc
Lần theo con ngõ nhỏ và sâu, chúng tôi có mặt tại xóm chài bãi giữa sông Hồng (Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội), xung quanh bốn bề đều là nước. Muốn ghé thăm bất cứ một hộ gia đình nào, khách phải liên lạc qua điện thoại hoặc gọi to để chủ nhà biết ra đón. Cả xóm có khoảng 10 hộ, chủ yếu là dân các tỉnh khác lên Thủ đô kiếm sống. Do không có tiền thuê trọ nên đành phải “ngụ cư” dọc sông Hồng.
Nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội chưa đầy 10 km, xóm chài bãi giữa sông Hồng (Phúc Xá, Ba Đình) là nơi sinh sống của hơn 10 hộ dân. Mùa nước lũ về, xung quanh bốn bề đều là nước.
Những đứa trẻ mới 2, 3 tuổi vô tư chơi đùa quanh mạn thuyền không chút sợ hãi.
Gọi là xóm chài vì các hộ dân đều làm nhà trên sông. Họ kiếm sống trên bờ bằng đủ các thứ nghề như nhặt ve chai, khuôn vác thuê, bán hàng rong… Nghèo đói, không nhà cửa nhưng nhà nào cũng có 3, 4 đứa trẻ. Nhiều đứa đã đến tuổi đi học nhưng hầu như chưa từng biết đến… mặt chữ.
Sau một hồi chật vật tìm đường, chúng tôi cũng có mặt tại nhà chị Vũ Thị Xuyến, 52 tuổi (quê Hưng Yên). Chị Xuyến cho biết, những ngày nước cạn, mỗi hộ gia đình đều có một chiếc cầu lên, xuống. Mùa lũ, phương tiện di chuyển chủ yếu là thuyền tôn hoặc phao tự chế.
Phương tiện di chuyển của họ chủ yếu là những miếng phao lớn ghép tạm vào nhau.
Những gia đình có điều kiện hơn một chút "sắm" thuyền tôn đi lại.
Chị nói, mùa nước cạn còn đỡ, mùa mưa cả nhà thật sự vất vả. Nhà có trẻ nhỏ phải cắt cử người lớn ở nhà trông. Chị Xuyến kể: “Mỗi đêm đi bốc vác ở chợ Long Biên cũng chỉ kiếm được 100.000 đồng - 150.000 đồng để nuôi 5 miệng ăn. Những ngày mưa gió, chợ ế thì bọn trẻ chỉ có nhịn đói. Tôi chỉ hi vọng có đủ sức khỏe, kiếm được đủ cái ăn, cái mặc là hạnh phúc rồi”.
Bé Tâm Anh (2 tuổi) sau vài lần bị ngã xuống nước nên hiện tại bé không còn sợ... nước.
Những ánh mắt thơ ngây của trẻ nhỏ khiến nhiều người cảm thấy nhói lòng.
Cách nhà chị Xuyến không xa là nơi ở của gia đình chị Phạm Thị Lĩnh, 57 tuổi (quê Bắc Giang). Nhà có hai đứa cháu còn nhỏ nên gia đình chị luôn phải cắt cử người lớn ở nhà. “Mùa nước lũ, ít việc, muốn đi làm thêm ban ngày nhưng không có ai trông nhà và coi sóc bọn trẻ. Lần trước đi làm, để hai đứa trẻ ở nhà, không hiểu chơi kiểu gì, một đứa ngã xuống sông. May mà có hàng xóm nhảy xuống cứu nếu không tôi ân hận lắm. Muốn gửi bọn chúng đi nhà trẻ cho bằng bạn bằng bè nhưng tiền ăn không đủ, hộ khẩu không có, lấy tiền đâu ra”, chị Lĩnh xót xa.
Trẻ nhỏ ước mơ được tới trường
Cuộc sống của người dân xóm chài vô cùng vất vả. Miếng ăn phải chạy vạy từng bữa nên những đứa trẻ ở đây hầu như không được đến trường hoặc được đi học khi đã quá… tuổi. Ở xóm này, đứa trẻ nào may mắn được học hết lớp 12, còn lại chủ yếu vừa làm "bạn" được với mặt chữ đã phải nghỉ học vì gia đình không đủ điều kiện.
Việc học hành của những đứa trẻ nơi đây bấp bênh như chính cuộc sống của chúng trên căn nhà nổi.
Gặp Nguyễn Thị Hà (16 tuổi), con chị Lĩnh vừa đi học về trên xe đạp cũ, chiếc ba lô sờn rách. Sắp tới trường phải mua đồng phục, tiền sách vở, tiền đóng quỹ đầu năm, hàng trăm thứ tiền không biết chị Lĩnh xoay sở ra sao. "Em thương mẹ lắm. Mùa lũ ít việc lại đúng thời điểm em bước vào năm học mới, nhiều khoản đóng góp như vậy không biết mẹ thu xếp thế nào. Một đứa cháu sắp đến tuổi đi học, mẹ đứa nhỏ lại không có việc làm ổn định. Một mình mẹ em làm sao cáng đáng nổi. Nhiều lúc em chỉ muốn nghỉ học phụ giúp gia đình", Hà nói.
Bé Việt Anh (5 tuổi) nhưng chưa một lần được đến trường hay đi nhà trẻ. Cuộc sống của em từ khi sinh ra chỉ gắn bó với sông nước.
Chị Phạm Thị Lĩnh (57 tuổi, quê Bắc Giang) luôn trăn trở về việc học hành của con gái và cháu ngoại.
Chị Lê Thị Mai, mẹ của 5 đứa con nhỏ, cho biết: “Khổ lắm, biết đẻ nhiều sẽ khổ nhưng toàn "nhỡ" nên đành chịu. Đời vợ chồng tôi lênh đênh trên sông nước chỉ mong con cái được học hành đàng hoàng nhưng cố lắm cũng chỉ cho chúng học hết cấp hai. Đứa thứ hai nhà tôi học giỏi nhất nên hai vợ chồng đang bảo nhau cố gắng cho nó học hành đến nới đến chốn. Đời ông bà, bố mẹ đã không lên được bờ rồi, đời chúng nó phải thoát khỏi... nước”.
Ước mơ giản dị của những đứa trẻ xóm chài là có đủ cơm ăn, áo mặc và học hành đầy đủ.
Những đứa trẻ như Tâm Anh, Việt Anh, Tuyết Anh,... con của người dân xóm chài đang tụ tập trước mạn thuyền hồn nhiên chơi đùa với "hà bá". Bản thân chúng chưa ý thức được cái nghèo, cái đói vây quanh. Nét hồn nhiên ấy khiến người lớn phải nhói lòng. Chúng tôi bước lên thuyền ra về mà trong lòng nặng trĩu. Con thuyền chênh vênh trên mặt nước mênh mông như tương lai của những đứa trẻ tội nghiệp.
Có thể bạn quan tâm: Rơi nước mắt chuyện những em bé đón Trung thu bên hóa chất Những cái chết xót xa trong lặng lẽ và bị xa lánh vì Ebola Thuê trọ chữa bệnh: Nhà dột, giá cao, chủ nhà "chảnh" |
Bài, ảnh: Hoàng Sa
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
Phụ nữ càng mạnh mẽ càng đáng thương