Chu cấp tiền nuôi con sau ly hôn: Mẹ vật vã “đòi như đòi nợ” mà còn bị chồng cũ mắng nhiếc thậm tệ
Tin liên quan
“Nợ khó đòi”
Cho đến giờ phút này, chị Hạnh Nguyên (Hà Nội) cảm thấy lựa chọn ly hôn của mình là đúng đắn. Ly hôn đã giúp mẹ con chị có cuộc sống “dễ thở” hơn rất nhiều.
Suốt 6 năm qua, người chồng bất tài, nhu nhược và sự kìm kẹp quá đáng của bố mẹ chồng đã khiến chị Nguyên sống mà như đã chết. Kể về hành trình đã qua, có lúc chị phải cố kìm nén để ngăn giọt nước mắt chực trào ra nơi khóe mắt.
Mới lấy chồng, chị có bầu, hai vợ chồng chị quyết định chuyển về quê chồng sinh sống. Vì chị nghĩ “đằng nào cũng nghỉ ở nhà dưỡng thai” nên chấp nhận theo chồng về quê.
Trái với tưởng tượng của chị, không những không được dưỡng thai, chị Nguyên trở thành “ô sin không công” đúng nghĩa. Có bao nhiêu việc không tên trong nhà, chị phải làm tất. Chi tiêu trong nhà đều phụ thuộc vào đồng lương của chồng. Nhưng ngặt nỗi, đi làm được bao nhiêu tiền, chồng chị đưa cả cho mẹ đẻ. Thành thử, vợ chồng muốn tiêu gì đều phải ngửa tay xin mẹ.
Trong khi mẹ chồng chị Nguyên lại mê mải lô đề. Tiền lương con trai đưa, bà đều nướng sạch vào những trận đỏ đen và trả nợ. Vì thế, cả nhà lâm vào tình cảnh lần ăn từng bữa. “Bữa cơm có thịt” với chị Nguyên là điều xa xỉ.
Hôn nhân rạn nứt đau "tập 1". Nhưng đòi tiền chu cấp nuôi con sau ly hôn khiến phụ nữ phải đau "tập 2". Ảnh minh họa.
Khi chị Nguyên sinh nở, mẹ chồng gần như không cho chị quyền chăm con. Chị Nguyên chỉ được bế ẵm con khi cho con bú mà thôi. Sinh được nửa tháng, chị phải dậy làm việc nhà. Bởi không làm ra tiền nên chị không được quyền lên tiếng để bảo vệ chính mình và đứa con đỏ hỏn. Oái oăm ở chỗ, chị xin đi làm để có tiền chi tiêu thì bố mẹ chồng lại ra sức ngăn cản.
Chịu đựng đến khi con được 8 tháng, chị quyết định ôm con bỏ trốn lên Hà Nội để kiếm việc làm. Sau một thời gian dài, vợ chồng chị cũng dắt nhau lên Hà Nội, mặc dù bị cả gia đình nhà chồng từ mặt. Chị Nguyên chấp nhận vì chị nghĩ: “Mình sống cả đời với chồng chứ không sống với gia đình nhà chồng”.
Tuy nhiên, đến lúc này, chị Nguyên mới nhận ra con người thật của chồng mình. Anh hiện nguyên hình là một người đàn ông lười nhác, nhu nhược, không quan tâm đến con cái nhưng cũng không chịu lo lắng kinh tế. Từ một người phụ nữ cam chịu, chị phải đứng lên gánh vác mọi thứ.
Chị Nguyên cho biết, cuộc hôn nhân của chị rạn nứt dần vì lý do đó. Chị muốn ly hôn nhưng chị sợ liệu mình có nuôi nổi con hay không? Rồi bố mẹ chị có thể chịu đựng được những lời đàm tiếu của thiên hạ? Ban đầu, chị đã nghĩ mình sẽ sống với tình yêu đã chết. Nhưng đến khi không thể chịu đựng được nữa và có sự chuẩn bị rất dài về mặt tinh thần cho con, chị đã đi đến quyết định ly hôn.
Sau ly hôn, chị vừa làm mẹ, vừa làm cha. Thế nhưng điều khiến chị thấy bức xúc nhất là việc người chồng cũ trốn tránh nghĩa vụ chu cấp nuôi con.
“Hai tháng đầu sau ly hôn, bố cháu chuyển tiền chu cấp đúng hẹn. Nhưng những tháng sau đó, số tiền chu cấp bắt đầu hụt dần, tháng có tháng không, nhắc mãi mới trả. Cảm giác mình phải đòi tiền như đòi nợ”, chị Nguyên nói.
Bố mẹ đẻ chị đã động viên: “Đòi được đồng nào hay đồng đó. Đòi tiền này là đòi cho con chứ không phải cho mình”. Chị dằn cái tôi, sự tự ái lại, nhiều lần đòi tiền chu cấp nhưng kết quả không mấy khả quan. Quá mệt mỏi trong hành trình đòi tiền chu cấp, chị Nguyên đành bỏ cuộc cho đỡ phiền hà.
Dường như con hiểu những gì đang diễn ra và sự lạnh nhạt của bố đẻ nên đã có lần, con nói với chị Nguyên rằng: “Mẹ ơi, con chỉ có mẹ thôi! Con không gọi bố là bố đâu”. Nghe con nói câu đó, nước mắt chị chảy trào ra vì thương con.
Bố trốn chu cấp tiền, đứa trẻ bị tổn thương tinh thần nặng nề
Nhiều năm hỗ trợ pháp lý cho gia đình trẻ trong việc ly hôn, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM) đã gặp rất nhiều trường hợp người bố trốn tránh tiền cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn dù Luật Hôn nhân gia đình đã quy định rõ “cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con” khi con chưa thành niên hoặc con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Theo nhận định của luật sư Ngọc Nữ, số người mẹ trốn tránh nghĩa vụ này rất hiếm hoi, chỉ là thiểu số. Nhưng có đến đến 90% là người bố trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn.
“Đa số người mẹ rất mệt mỏi, tự ái vì cảm giác như đi ăn xin, muốn bỏ cuộc. Nhưng mặt khác nếu người mẹ bỏ cuộc, không lấy tiền chu cấp thì sẽ thiệt thòi cho con. Hơn nữa, họ đòi tiền còn để người bố phải có trách nhiệm với đứa con. Số tiền đó là để cho đứa trẻ ăn học chứ không vào túi người mẹ”, Luật sư Ngọc Nữ cho biết.
Đứa trẻ chịu thiệt thòi nhiều nhất khi cha hoặc mẹ trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng. Vì lúc này, trẻ thực sự cảm nhận sự thờ ơ, lạnh nhạt của người đã sinh ra mình. Ảnh minh họa.
Nữ luật sư đã từng gặp trường hợp người cha trốn nghĩa vụ cấp dưỡng bằng cách chuyển chỗ ở dù đã có cưỡng chế thi hành của tòa án.
Có người mẹ mất hàng triệu tiền xe để đi gặp người bố lấy tiền cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn. Chị ẵm theo đứa con nhỏ để người bố rủ lòng thương, nhưng không ngờ anh ta chửi bới, đánh đập người mẹ rồi quẳng ra 1 triệu đồng như đang “cúng cô hồn”.
“Chứng kiến cảnh tượng đó, đứa trẻ sẽ bị tổn thương tinh thần. Đây không đơn thuần là câu chuyện tiền bạc giữa hai bên mà cách ứng xử đó sẽ ảnh hưởng, làm tổn thương đứa trẻ, khiến trẻ không phát triển bình thường được nữa. Khi người cha hoặc người mẹ từ chối chu cấp tiền là họ đang làm hạn chế quyền phát triển thể chất, tinh thần, quyền đảm bảo cuộc sống của đứa trẻ.
Tôi cho rằng luật pháp cần có chế tài xử phạt nghiêm minh việc người cha, người mẹ trốn tránh nghĩa vụ trợ cấp nuôi con sau ly hôn. Cha mẹ ly hôn, đứa trẻ đã thiệt thòi đủ đường. Giờ trẻ lại mất luôn quyền lợi được cấp dưỡng thì làm sao có thể đảm bảo cuộc sống?”, Luật sư Ngọc Nữ bày tỏ.
Họ tên nhân vật đã được thay đổi.
Thu Hà
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất