Chồng bị điện giật phải cưa bỏ 2 tay, vợ lẳng lặng dọn đồ về nhà ngoại

Chồng bị điện giật phải cưa bỏ 2 tay, vợ lẳng lặng dọn đồ về nhà ngoại

2017-07-04 06:42
- Sau khoảng một tháng kể từ ngày Hùng bị tai nạn phải cấp cứu qua nhiều bệnh viện rất tốn kém, người đàn ông này vẫn chưa hết bàng hoàng khi phải cưa bỏ đôi tay. Nhất là khi vợ lẳng lặng xách đồ về nhà ngoại, làm nỗi đau trong Hùng càng chồng chất.

Dáng đi lập cập rất khổ sở vì không còn có đôi tay như bình thường khiến cơ thể Trần Văn Hùng (SN 1990), ở thôn Thanh Câu, xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất, Hà Nội mất đi sự cân bằng.

Cùng với việc xương sống bị chệch, Hùng lại phải nằm điều trị ở viện thời gian dài khiến một chân bị teo dần, suýt phải cưa bỏ. Chính những biến cố lớn diễn ra dồn dập trong 1 năm qua khiến cuộc sống của anh Hùng bị đảo lộn hoàn toàn.

Chồng bị điện giật phải cưa bỏ đôi tay, vợ lẳng lẳng dọn đồ về nhà ngoại

Giấy xác nhận ra viện của Hùng sau khi bị tai nạn.

Trong căn nhà 3 gian lợp ngói đã cũ, vẫn chưa hết bần thần khi nghĩ về chuỗi ngày định mệnh, Hùng rùng mình khi nghĩ lại: “Hôm ấy vào ngày 01/9/2016, tôi đi làm hàn xì tại nhà ông chủ thầu ở xã Di Trạch, huyện Hoài Đức. Đứng trên đỉnh kèo, đang nhận thanh sắt của một thợ ở dưới chuyển lên để hàn, tôi bị điện ở cột điện cao thế hút lên, kéo tôi treo lơ lửng trên không một lúc thì rơi ở độ cao 14m xuống đường bê tông”.

Theo những gì Hùng còn nhớ được thì từ khu vực đỉnh kèo, nơi anh ngồi hàn đến cột điện cao thế cách nhau khoảng 3m. Sau khi bị rơi xuống đất, Hùng ngất lịm. Từ đó đến 15 ngày sau, Hùng mới tỉnh lại và sốc khi đôi tay của mình đã bị cưa cụt.

Những ngày sau đó, Hùng tiếp tục chuyển hết bệnh viện Việt Đức đến viện Bỏng Quốc Gia, sau đó lại chuyển về viện 105 Sơn Tây để điều trị. Cho đến nay, Hùng đã trải qua 11 cuộc phẫu thuật. Mặc dù đã được xuất viện nhưng những cơn đau còn hành hạ ngày đêm khiến cơ thể Hùng bứt rứt, tâm lý khó chịu.

Chồng bị điện giật phải cưa bỏ đôi tay, vợ lẳng lẳng dọn đồ về nhà ngoại

Sau khi ra viện bệnh viện Quân Y 105, Hùng tiếp tục nhập viện Việt Đức để điều trị.

Nhắc đến Hạnh - người vợ trẻ vừa cưới được hơn 1 năm, Hùng bức xúc và không muốn nhắc đến vợ nữa. Theo lời Trần Văn Cường, em trai của anh Hùng kể lại: “Sau khi anh trai tôi bị tai nạn khoảng 1 tháng, đang nằm điều trị trên bệnh viện Việt Đức thì vợ anh, chị Khuất Thị Hạnh lẳng lặng mang quần áo về nhà ngoại không một lí do. Trước khi về chị Hạnh cũng không nói với bố mẹ tôi hay bất kỳ ai trong gia đình câu nào. Kể từ khi anh Hùng bị tai nạn, thời gian đầu bố mẹ vợ cũng hỏi han chăm sóc. Nhưng kể từ ngày chị Hạnh bỏ về nhà, gia đình họ không ai qua lại hỏi han gì nữa”.

Vì Hùng bị tai nạn đang gặp nguy kịch phải cấp cứu điều trị gấp. Trong khi vợ Hùng sẵn sàng bỏ đi lúc chồng đang gặp hoạn nạn và không nói 1 lời nào với bố mẹ chồng hay bất kỳ ai trong gia đình. Điều này khiến bố mẹ Hùng rất giận. Họ không thể chấp nhận cách hành xử của một người con dâu như vậy.

Nấc lên trong nỗi buồn khổ, bà Phượng (58 tuổi), mẹ đẻ của Hùng không nói nên lời. Bà thều thào: “Năm 2016 là năm kinh hoàng với gia đình tôi. Sau khi Hùng bị tai nạn thì bao nỗi tai ương ập xuống liên tục. Tin con trai vừa phải cưa bỏ đôi tay khiến tôi điên đảo chưa nguôi thì lại hay tin mẹ chồng tôi qua đời. Nhà vốn chẳng có điều kiện. Hai vợ chồng tôi lại xoay tiền làm ma chay cho cụ.

Tiếp theo nữa, chúng tôi lại phải làm đám dạm ngõ cho em của Hùng. Việc ấy vì trước đó đã có kế hoạch sẵn nên không thể trì hoãn. Gần ngày ăn hỏi thì mẹ vợ của em trai Hùng lại đột ngột qua đời. Bao chuyện đổ xuống khiến giờ đầu óc tôi mụ mị không còn nhớ rõ được mọi chuyện”, rồi bà Phượng mắt đỏ hoe.

Nhắc đến người con dâu đã bỏ đi, bà buồn bã kể rằng, sau khi cưới vợ cho Hùng được hai tháng, bà Phượng cho hai con ra ở riêng để đôi vợ chồng trẻ bảo nhau làm ăn. Hai vợ chồng đều có công ăn việc làm. Dù là làm công nhân nhưng thu nhập cũng đủ cho đôi trẻ sinh sống hàng ngày.

“Suốt những ngày tháng làm dâu, gia đình tôi và con dâu không có khúc mắc hay cãi nhau gì cả. Khi con trai tôi phải nằm viện và phải cắt bỏ hai tay, vợ chồng tôi đã nghĩ, sau khi Hùng đi viện về, chúng tôi sẽ nói chuyện với cháu và tạo điều kiện cho con bé Hạnh đi bước nữa, chứ không ai bắt nó phải chịu khổ nuôi chồng đâu.

Nhưng khi cả gia đình tôi đang quay quắt lo lắng cho sự nguy hiểm tính mạng của con trai thì con bé lẳng lặng xách túi quần áo về, không nói qua nói lại với nhà tôi một câu nào. Thực sự vợ chồng tôi rất giận. Kể từ đó, ông bà thông gia bên ấy cũng không hỏi han đến thằng Hùng một câu”, vừa nói đến đây, bà Phượng lại ôm mặt khóc.

Tính đến nay, dù Hùng đã xuất viện, nhưng thỉnh thoảng những cơn đau dữ dội vẫn kéo về hành hạ cơ thể gầy còm của anh.

Chồng bị điện giật phải cưa bỏ đôi tay, vợ lẳng lẳng dọn đồ về nhà ngoại

Căn nhà mái ngói cũ và một màu u ám cùng những việc dồn dập xảy ra khiến gia đình bà Phượng suy sụp.

Sức khỏe còn quá yếu, đôi tay của Hùng đã mất, mọi hoạt động từ việc xúc cơm đến việc vệ sinh cá nhân đều do người thân hỗ trợ. Anh không thể tự mình làm được. Vẫn chưa chấp nhận được cơn sốc về bản thân mình nên bất kỳ ai nhắc đến Hạnh cũng khiến Hùng bức bối khó chịu.

Thương con trai, gia đình bà Phượng cũng đã tìm hiểu để lắp cho Hùng một đôi tay giả. Tuy nhiên, với giá đôi tay loại rẻ nhất cũng 20 triệu đồng. Vì thế gia đình Hùng không còn khả năng lo thêm được cho con nữa. Bởi mọi tài sản trong nhà, bà Phượng đều bán hết để lấy tiền chạy chữa thuốc men cho Hùng.

"Những ngày Hùng nằm viện, vì không có bảo hiểm nên chi phí rất tốn kém. Gia đình tôi lao đao theo con. Chi phí hai tháng Hùng nằm viện lên đến hơn 200 triệu đồng nên gia đình đã phải chạy vạy khắp nơi để có tiền điều trị ấy cho con trai", bà Phượng kể thêm.

Hiện nay, Hùng hoàn toàn phụ thuộc vào ngày công đi thợ xây của bố. Sinh hoạt hàng ngày của Hùng cũng phụ thuộc hết vào bố mẹ già. Đến việc tự xúc cơm ăn, Hùng cũng không thể làm được. Trong khi đó, Cường - em trai của Hùng cũng đã lấy vợ, cuộc sống phải lo nhiều thứ khi vợ Cường vừa có em bé. 

Chồng bị điện giật phải cưa bỏ đôi tay, vợ lẳng lẳng dọn đồ về nhà ngoại

Anh Hùng được đưa ra Hà Nội để kiểm tra tay và lắp tay giả nhưng số tiền quá lớn nên gia đình chưa lo đủ chi phí cho anh lắp đôi tay.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Đắc, trưởng thôn Lại Thượng, xã Thanh Câu, huyện Thạch Thất, Hà Nội, ông cho biết: “Chúng tôi đã tiếp nhận được hoàn cảnh của anh Hùng. Ngay sau khi anh Hùng xuất viện, đại diện cơ quan đoàn thể đã có những hỗ trợ nhỏ. Tuy khoản hỗ trợ ấy không lớn, nhưng địa phương cũng đã cố gắng và tạo điều kiện hết sức”.

Ông Đắc nói thêm, sau khi anh Hùng bị tai nạn, chúng tôi cũng có đề xuất đưa gia đình Hùng vào diện hộ nghèo. Tuy nhiên, đề xuất này cũng rất khó vì hộ khẩu gia đình Hùng là 2 vợ chồng tuổi còn rất trẻ, một người nuôi một người nên không thể xét vào hộ nghèo được mà chỉ được diện cận nghèo.

“Nhưng đến thời điểm này, hai vợ chồng Hùng đã mỗi người một nơi, nên chúng tôi cố gắng xét cho Hùng vào hộ nghèo để được hưởng những hỗ trợ nhất định mỗi tháng, bớt phần khó khăn hơn cho gia đình”, ông Đắc nhấn mạnh.

Phần II: Tâm sự đắng chát của người vợ trẻ phải dứt áo ra đi trong lúc chồng bị tai nạn phải cưa bỏ hai tay

Cù Hiền

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Những cặp chòm sao đối lập nhưng cực hút nhau khi yêu

Đọc nhiều nhất