Chị em ‘nổi đóa’ với muôn chiêu lừa đảo trục lợi từ các facebook bán hàng online
Tin liên quan
Cóp ảnh thông tin hàng hóa, dìm giá, tạo facebook giả trục lợi
Mấy năm gần đây, các loại hình dịch vụ, kinh doanh online ngày càng nở rộ bởi sự tiện lợi cũng như đáp ứng tiêu chí “thuận mua vừa bán”. Người mua chỉ cần xem thông tin giới thiệu sản phẩm rồi comment xác nhận trên facebook hoặc fanpage của người bán là giao dịch có thể được tiến hành.
Tuy nhiên, việc trao đổi thông tin “giao dịch” bán hàng quá giản đơn. Mua bán ở nơi công cộng mà ai cũng có thể đọc được khiến nhiều đối tượng xấu, những người bán hàng không chân chính lợi dụng kẽ hở để cạnh tranh không lành mạnh hòng thu lợi bất chính.
Chị Hương (Bùi Xương Trạch, Hà Nội) chuyên kinh doanh hàng online than vãn, hiện nay có rất nhiều người bán dùng các "chiêu bẩn" để lừa đảo. Bản thân chị là người bán hàng cũng phải “ăn quả đắng” với những đối thủ cạnh tranh không lành mạnh.
Theo lời kể của chị Hương, sở dĩ chị mở shop online chuyên cung cấp các mặt hàng của châu Âu khá uy tín. Vì là hàng chuẩn nên giá thường cao hơn so với những trang chuyên bán hàng online khác trong nước.
“Chị gái mình ở bên đó thường đến trực tiếp các cửa hàng bên đó để chụp ảnh thật, gửi về cho mình làm ảnh mẫu rao bán hàng. Thế nhưng, nhiều đối tượng đã ngang nhiên cóp ảnh và lời giới thiệu sản phẩm về rao bán hàng fake.
Kinh doanh online ngày càng nở rộ bởi sự tiện lợi cũng như đáp ứng tiêu chí “thuận mua vừa bán”. Ảnh minh họa
Không những thế, biết mình bán hàng lâu năm có uy tín với hàng nghìn người theo dõi, có đối tượng còn lập facebook giả để lôi kéo khách. Đến khi, khách phản hồi lại mình mới ngã ngửa vì bị đánh cắp uy tín”, chị Hương bức xúc nói.
Chị Hương bộc bạch: “Mượn uy tín, giả danh facebook là "vấn nạn" làm đau đầu những người bán hàng online chân chính. Facebook của mình luôn bị các đối thủ kinh doanh chầu chực theo dõi. Hễ ai comment hay thậm chí chỉ like bài viết giới thiệu sản phẩm là ngay lập tức có nhóm đối tượng này kết bạn facebook, rồi nhắn tin "rỉ tai" bán sản phẩm tương tự với giá rẻ hơn”.
Cũng theo chị Hương, phần lớn mặt hàng rao bán trên mạng là hàng xách tay nên “uy tín” của chủ hàng là giá trị đảm bảo cho khách hàng. Thế nhưng, nhiều người thường lên các trang rao bán online tham khảo mặt hàng, giá cả rồi nhập hàng fake, “mượn” ảnh thật để câu khách.
Đó cũng là lý do vì sao nhiều người khi xem ảnh, các thông số sản phẩm và đặc biệt thông tin đăng tải trên trang bán hàng không uy tín lại “khớp” với web nước ngoài nên không mảy may nghi ngờ. Mượn ảnh thật, “dìm giá” là chiêu bẩn mà nhiều người sử dụng. Không ít người mua vì ham giá rẻ, không tìm hiểu thông tin kĩ càng mà nhắm mắt mua hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng chất lượng kém.
Phần lớn mặt hàng rao bán trên mạng là hàng xách tay nên “uy tín” của chủ hàng là giá trị đảm bảo cho khách hàng. Ảnh minh họa.
Ép “đặt cọc tiền” rồi “ém hàng” hay sử dụng “chân gỗ” tạo cơn sốt giả
Chị Lê Nguyệt (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) chia sẻ: “Mình từng mua phải chiếc đồng hồ của 1 hãng đồng hồ với giá lên tới 8 triệu đồng ở một shop online giả mạo. Shop này sử dụng ảnh của các shop uy tín rồi down giá xuống một chút nên mình đã ham rẻ mua về. Sau một tháng, đồng hồ mình hết pin mang ra hiệu sửa thì mới hay mua phải đồng hồ rởm”.
Chị Nguyệt cho biết thêm, sở dĩ chị bị “qua mặt” dễ dàng là do facebook đó có trong danh sách bạn bè của một số shop uy tín. Vì thế, chị Nguyệt nghĩ rằng đó là một nhóm chuyên kinh doanh có mối liên kết với nhau. Tất cả các hình ảnh của facebook mà chị Nguyệt mua hàng lại y hệt người bán hàng “xịn” nên khiến chị cũng như nhiều người khác dễ bị “cắn câu”.
Hiện nay, hình thức mua bán trên mạng được cam kết bằng việc khách hàng sẽ “đặt cọc” trước một khoản tiền. Thậm chí, có nơi bên bán buộc bên mua phải chuyển tiền trước 100% rồi mới gửi hàng cho khách, nhất là các khách hàng ở tỉnh xa. Cũng chính vì yêu cầu bắt buộc này, kẻ lừa đảo lấy lý do không có nhiều thời gian, cần hàng gấp rồi hối thúc người bán chuyển hàng ngay.
Không ít shop bán hàng online vì hám lợi bèn tạo cơn sốt ảo. Ảnh minh họa.
"Thậm chí khi người mua như mình đã chuyển tiền nhưng hàng mãi không thấy “hồi âm”. Người bán lấy lý do hàng tắc biên, hàng bị hải quan giữ. Nhưng khi khách đòi lại tiền “cọc” thì người bán lại yêu cầu đổi sang mặt hàng khác chứ nhất định không trả lại tiền làm cho mình cũng vài lần bức xúc", chị Lê Nguyệt nói.
Ngoài ra, người phụ nữ này cũng nói thêm: "Thậm chí có nhiều shop còn cố tình tạo màn sốt hàng ảo. Họ sử dụng nhiều "chân gỗ" giả vờ đặt mua hàng số lượng lớn ở chính các đại lý bán lẻ của họ. Do đó, người mua như mình không sao biết được. Bọn mình chỉ thấy shop đắt hàng là lao vào mua mà mua về thì toàn hàng kém chất lượng".
Theo bà nội trợ này, những người có kinh nghiệm, mua bán online trên facebook luôn có bẫy rình rập do tính mở của nó. Vì thế, chị Nguyệt cũng phải rút kinh nghiệm để tránh tiền mất tật mang: "Giờ mình phải lựa chọn những địa chỉ bán hàng uy tín, tìm hiểu kĩ các thông tin sản phẩm trước khi mua để tránh mất tiền oan và tránh mua bực mình vào người".
Diệp Chi
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất