Chạnh lòng với mâm cơm "sạch trơn" thức ăn nhà chồng để phần con dâu

Chạnh lòng với mâm cơm "sạch trơn" thức ăn nhà chồng để phần con dâu

2017-02-16 13:48
- Câu chuyện về bữa cơm hàng ngày của một bà mẹ bỉm sữa chia sẻ mới đây trên một diễn đàn lớn dành cho các chị em khiến ai đọc cũng phải ngán ngẩm khi không may “vớ” phải nhà chồng này.

Sau khi note và hình ảnh về mâm cơm “sạch bong” thức ăn được chia sẻ trên mạng xã hội đã thu hút được sự quan tâm của nhiều chị em.

Theo như nhân vật, cũng là chủ nhân facebook có tên D. chia sẻ thêm bên lề về mâm cơm thê thảm kia còn là những câu chuyện đắng lòng mà chị phải hứng chịu hàng ngày.

Ngậm ngùi với mâm cơm sạch trơn nhà chồng để phần con dâu

Mâm cơm "sạch bong" khiến cô con dâu tủi thân.

 "Trưa và tối mình cho con ăn sữa, nhưng bố mẹ chồng chẳng bao giờ đợi mình ăn xong cả nhà cùng ăn. Mình cho con ăn xong là một mâm bát đợi rửa. Cũng không có gì đáng nói chuyện rửa bát. Nhưng hôm nào thức ăn để lại cũng chẳng còn là bao, có hôm còn tí nước canh".

Hôm nay, mẹ chồng D. ăn xong nên bế bé cho và bảo chị D. xuống ăn cơm. Trước khi chị đi, bà không quên nhắc: “Còn đĩa thịt gà đấy, xuống mà ăn đi”. Chị ngồi xuống mâm cơm còn mấy miếng thịt gà vụn mà chán nản: “Trần đời có đĩa thịt gà nào như vậy không các mẹ?”.

Theo chị D., ông bà thường xuyên nấu đồ ăn mặn để ăn dè, tiết kiệm: “Nhà có 5 người, có bữa kho được hai quả trứng. Tôi có mua thêm thức ăn về nấu thì mẹ chồng không bao giờ động đũa. Còn nhắc nhở là không nên mua, tốn tiền. Thừa tiền thì đưa cho tao”.

Ngậm ngùi với mâm cơm sạch trơn nhà chồng để phần con dâu

Những bình luận thể hiện thái độ rất rõ ràng khi thấy mâm cơm của con dâu này.

Câu chuyện còn khiến chị D. tủi thân khi chồng chị làm xa không thể chăm sóc vợ. Ở nhà mẹ chồng chị lúc nào cũng nói bóng gió việc bà phải chăm sóc hai mẹ con.

Theo lời chị D. kể, chị sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, gia đình bình thường nhưng không bao giờ chị phải lo miếng ăn vì khá đầy đủ. Từ ngày về nhà chồng, chị vô cùng mệt mỏi, mệt mỏi từ miếng ăn.

Không chỉ khổ trong miếng ăn hàng ngày, đến việc mua đồ ăn vặt về chị D. cũng thấy tủi nhục. Đang trong thời kỳ cho con bú nên rất nhanh đói, chị D. mua bánh về ăn thêm giữa bữa. Nhưng để đâu chị cũng bị mẹ chồng lục ra nói: “Để đồ ăn trong nhà cho kiến nó bò vào à”. Nói rồi bà cất luôn túi bánh và tủ của bà, không cho ăn nữa.

Tết đến, có ai mừng tuổi cho con chị, mẹ chồng không mừng tuổi lại cho con họ mà nhắc chị phải mừng tuổi. Nhưng tiền họ mừng cho cháu, chị chưa kịp nhận thì bà đã lấy bỏ túi.

"Cái xe đạp điện mua mấy năm trước, trả tiền xong xuôi rồi, năm nay mẹ chồng lại nhắc lại, yêu cầu hai vợ chồng cho bà xin tiền cái xe. Chồng mình đi làm vất vả được mấy đồng lại đưa cho bà. Đã vậy tiền đi chợ bà cũng đòi đưa 6 triệu mà bà không bỏ đồng nào ra mua thức ăn. Nhà có gì ăn đấy. Có bữa chỉ mỗi khoai tây luộc của nhà trồng được, ngoài ra bà cũng không mua gì thêm", chị D. chia sẻ thêm.

Câu chuyện của người con dâu này đã thu hút sự quan tâm của nhiều chị em trong nhóm vào bình luận, chia sẻ. Có người vào cảm thông chia sẻ cho phận làm dâu. Có người tìm ra được hình ảnh mình của mấy năm về trước khi mới về nhà chồng làm dâu. Nhưng hầu hết không ai cảm thông được cho sự vô tâm của gia đình nhà chồng khi chừa lại mâm cơm sạch trơn như thế cho con dâu ăn.

"Qua đó mới thấy mỗi gia đình một hoàn cảnh và phải mất rất nhiều thời gian mới có thể hòa nhập được cùng thói quen, lối sống giữa con dâu với gia đình nhà chồng", chị L.P nói.

Có người than thở rằng: “Đây là chuyện của mình mười năm về trước”. Có người nhận định: “Nhà chồng quá vô tâm và kiệt sỉ”. Bên cạnh đó cũng có người vào hiến kế tham mưu: “Ở riêng đi cho nhẹ nợ”.

Nên ở riêng để được tự do và tự lập 

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất - Giám đốc Công ty tư vấn tâm lý An Việt Sơn nhận định, người Việt Nam có câu “Nhập gia phải tùy tục”. Câu này chính là chìa khóa giúp những thành viên mới như con dâu, con rể mới cưới.

Trong câu chuyện trên cho thấy gia đình nhà chồng này không có mối liên kết chặt chẽ giữa các thành viên với nhau. Chính vì vậy, họ không quan tâm đến người khác. Mà cụ thể, họ không quan tâm đến con dâu của họ trong khi con dâu đang là người vợ của con trai họ, người chăm sóc cháu nội của ông bà.

Chính lối sống hờ hững với mọi người nên khiến con dâu chưa quen với lối sống trên ở nhà chồng. Từ đó, xảy ra tình trạng con dâu bị sốc văn hóa nhà chồng.

Theo chuyên gia này chia sẻ, để mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn, mỗi người nên nhìn nhận lại mình. Người con dâu có lẽ cũng nên coi sự hờ hững của các thành viên khác đối với mình là chuyện bình thường. Bởi vì bản thân cô ấy không thể thay đổi được tính cách từ trước của những người trong gia đình chồng.

Hơn thế nữa, con dâu không nên để bụng mà lựa lời nói nhỏ nhẹ với chồng để chồng góp ý với mẹ chồng. Nếu con dâu càng ức chế, càng bức xúc thì không tốt cho mối quan hệ giữa vợ chồng cô và mọi người. Thậm chí, có thể dẫn đến việc bố mẹ chồng sẽ tự ái vì người già thường rất khó tính. Khi để họ tự ái thì khó lấy lại được tình cảm ban đầu.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất cũng đưa ra lời khuyên, nên ở riêng để được tự do: "Nếu hai vợ chồng trẻ cảm thấy không có gì khúc mắc, muốn ở riêng đó cũng là ý kiến không tồi. Hơn thế nữa, ở riêng có thể giúp các cặp vợ chồng trẻ tự lập hơn".

Vị chuyên gia nhấn mạnh: “Người làm cha làm mẹ cũng nên xem xét lại bản thân mình. Bởi vì con dâu dù sao cũng là người cưới về cho con trai. Hơn nữa, con dâu còn đang chăm sóc cháu nội của mình. Sau này già yếu cũng trông mong vào con dâu chăm sóc chứ không thể đợi con gái. Mỗi người trong gia đình cần biết quan tâm, chia sẻ với nhau nhiều hơn, ắt hẳn gia đình sẽ yên ấm”.

Hiền Anh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Lúc mới yêu

Đọc nhiều nhất