Cha mẹ có nên tự ý đưa con bị xâm hại tình dục đi giám định thương tổn?
Tin liên quan
Theo Vnexpress, trưa mùa hè năm 2016, Hồ Văn Thắng (38 tuổi, xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn) qua nhà hàng xóm khi biết bé gái 6 tuổi đang xem tivi một mình, người lớn đã đi vắng. Thắng mở điện thoại dụ chơi game rồi xâm phạm thân thể của đứa trẻ.
Thắng đưa bé gái 4.000 đồng mua kẹo và dặn không được nói cho cha mẹ biết. Anh trai của bé gái đứng phía ngoài nhìn thấy toàn bộ sự việc nhưng bị Thắng dọa đánh nếu tiết lộ. Bị Thắng đe dọa, nạn nhân và người anh không dám nói với gia đình, giữ kín suốt hai năm.
Hai năm sau, trong một lần nghe người lớn nói về tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, bé gái đã kể lại. Khi gia đình nạn nhân có đơn tố cáo, Thằng đã thừa nhận hành vi.
Ngày 23/5/2019, TAND tỉnh Quảng Nam tuyên phạt Hồ Văn Thắng (38 tuổi, xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn) án 16 năm tù về tội Hiếp dâm trẻ em, theo điều 112 Bộ luật Hình sự 1999.
Loạt vụ việc trẻ bị xâm hại tình dục trong thời gian qua đã dấy lên mối lo ngại cho các bậc phụ huynh. Đặc biệt là khi mùa hè về, trẻ không tới trường trong khi cha mẹ vẫn mải đi làm, nhà "neo người" trông nom trẻ.
Nếu không cẩn thận, để trẻ ở nhà một mình, tai họa bị xâm hại tình dục rất dễ xảy ra.
Khi xảy ra sự cố con bị xâm hại, lạm dụng tình dục, cha mẹ thường vô cùng bối rối. Nhiều người đã quan tâm đến việc đưa con đi giám định thương tổn để đòi lại quyền lợi của con.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách làm đúng ở khâu này dù trưng cầu giám định thương tổn của trẻ khi bị xâm hại tình dục là một bước vô cùng quan trọng để lật tẩy hành vi đồi bại của “yêu râu xanh”.
Xâm hại tình dục để lại hậu quả khôn lường với trẻ. Ảnh minh họa.
Nói về khía cạnh này, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng luật Nguyễn Anh, Đoàn luật sư TP.Hà Nội khẳng định: "Cá nhân không tự ý đến bệnh viện yêu cầu giám định, bởi việc này vượt quá chức năng nghiệp vụ thì bệnh viện có thể từ chối”.
Theo Luật sư Thơm, để được giám định sớm nhất, khi xảy ra việc trẻ bị xâm hại, gia đình cần báo ngay với các cơ quan công an để được giải quyết ngay.
Việc giám định phải theo quyết định của cơ quan tố tụng.
Cha mẹ chỉ có thể đến bệnh viện làm hồ sơ bệnh án khám chữa bệnh tổn thương cho con để làm căn cứ sau này đề nghị làm tố tụng. Trên cơ sở đó, cơ quan điều tra sẽ xem xét, xác minh và đưa đi trưng cầu giám định.
Hồ sơ giám định cần có quyết định trưng cầu, yêu cầu giám định của cơ quan điều tra, biên bản lời khai của bị hại, nghi can, nhân chứng. Bản sao hợp pháp tất cả hồ sơ liên quan đến giám định và các hồ sơ về y tế có liên quan giám định pháp y.
Các số điện thoại cha mẹ có thể gọi đến ngay khi phát hiện con bị xâm hại tình dục:
Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em: 111
Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động - thương binh - xã hội: 18001567
Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM: 18009069.
Thu Hà
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất