Cận Tết, nghe "ting ting" thưởng: Người “cao ngút ngàn”, người khóc mếu vì “năm nay không có thưởng”

Cận Tết, nghe "ting ting" thưởng: Người “cao ngút ngàn”, người khóc mếu vì “năm nay không có thưởng”

Thu Hà 2018-02-03 09:35
- Tiếng “ting ting” báo thưởng Tết luôn là âm thanh “hấp dẫn” được dân công sở thấp thỏm trông đợi. Tuy nhiên, cái sự thưởng Tết cũng lắm nỗi bi hài khiến kẻ khóc người cười.

Thưởng Tết bằng… nghỉ dài

Thường nhắc đến nghề bất động sản, ai cũng trầm trồ thốt lên “chắc phải…giàu lắm!”. Tuy nhiên, nhà đất giờ đã không còn là nghề xa xỉ như nhiều năm trước. Không ít nhân viên văn phòng bất động sản đã phải lo sốt vó về một cái Tết “có thưởng như không”.

Chị Nguyễn Ngọc Kiều Oanh (quê ở Thái Bình, nhân viên một văn phòng bất động sản tại Quận Hà Đông, Hà Nội) thở dài ngao ngán khi nhớ về cái Tết thời bất động sản sôi động tám năm về trước. ). Lúc đó, lương cứng của chị – một nhân viên bình thường là 3 triệu đồng.

Mỗi giao dịch, hợp đồng ký thành công, khách giàu có, chị được sếp thưởng ít nhất 2 triệu đồng. Vài lần được thưởng như vậy, mỗi tháng thu nhập 10 triệu đồng là chuyện đơn giản. Tuy nhiên, giờ bất động sản đã bão hòa, khách không còn “sộp” như trước nữa. Họ thanh toán đủ tiền môi giới, không chày bửa nợ nần là may mắn lắm rồi.

Nghe ting ting thưởng Tết: Người “cao ngút ngàn”, người khóc mếu vì chỉ có…20.000 đồng

Thưởng Tết "hoành tráng" luôn là mơ ước của nhân viên văn phòng trong thời buổi bão giá. Ảnh minh họa.

“Tháng cuối năm, hầu như chẳng có giao dịch vì khách không xuất tiền mua nhà nữa. Không có hợp đồng được ký, không có khoản thu nhập thêm. Nhân viên tới văn phòng chỉ lướt web đọc báo, trưa kéo nhau đi ăn, chiều về sớm. Rồi ra Tết, khách cũng vắng cả tháng vì ai cũng kiêng xuất tiền đầu năm”, chị Oanh kể.

Có thời điểm đến lúc lãnh lương, cầm 3 triệu lương cứng mà đầu óc chị cứ quay mòng mòng với các khoản chi dài dằng dặc: 2 triệu tiền thức ăn cả gia đình, 300 ngàn tiền điện, tiền xăng xe, điện thoại… Chẳng mấy chốc mà 3 triệu “bốc hơi” mất, nhiều tháng tiêu “âm” cả vào số tiền tích cóp sinh con ít ỏi. Mấy năm gần đây, khoản thưởng Tết còn…teo tóp dần.

Kỷ niệm thưởng Tết 2013 khiến chị Oanh ấn tượng nhất. Ấn tượng không phải vì khoản thưởng to mà vì cách thưởng khiến nhân viên “khóc thét”.

“Sếp nói tôi có nhu cầu nghỉ thêm ở nhà chăm con thì cứ nghỉ. Sếp “thưởng” thêm ngày nghỉ, tuy nhiên tôi nghĩ nhân viên cũng tự cảm thấy không mặn mà đi làm bởi quá vắng khách. Những năm sau có, thị trường bất động sản có ấm lên, thưởng đỡ hẻo hơn nhưng tựu chung lại, Tết vẫn phải cắt giảm chi tiêu hết mức mới lo đủ cái Tết”, chị Oanh giãi bày.

Sếp thẳng thừng bảo “năm nay không có thưởng”

Đã đi làm 6 năm nhưng số năm chị Thanh Hằng (một nhân viên văn phòng tại Hà Nội) gần như không có khái niệm được thưởng Tết. Năm đầu tiên đi làm, chị Hằng không trong diện thưởng Tết vì là “nhân sự mới, chưa được một năm làm việc chính thức”. Buồn đến phát khóc vì cả văn phòng tưng bừng nhận tiếng “ting ting”, còn chị Hằng thì chẳng có gì, chị tự nhủ “chờ đến năm thứ hai sẽ có thưởng”.

Tuy nhiên, Tết năm thứ hai ấy chị cũng chẳng có đồng nào thưởng Tết chỉ vì…nghỉ đẻ. Đến tận năm thứ ba, chị Hằng mới được hưởng cảm giác “thưởng Tết” số tiền là 3.5 triệu đồng. “Thực ra thưởng Tết chỉ là tháng lương thứ 13. Sếp quan điểm không có thưởng mà chỉ có thêm tháng lương thứ 13 thôi. Biết là bất công nhưng trong thời buổi kinh tế khó khăn, xin việc làm chỗ nào cũng khó, anh em trong văn phòng đều chấp nhận không có thưởng, chi tiêu thật dè sẻn để cho qua cái Tết”, chị Hằng kể.

Nghe ting ting thưởng Tết: Người “cao ngút ngàn”, người khóc mếu vì chỉ có…20.000 đồng

Tiết kiệm, chi tiêu chắt bóp vì một cái Tết "không có thưởng". Ảnh minh họa.

Sang năm thứ tư, mãi đến chiều 26 âm lịch, văn phòng chị Hằng chưng hửng khi nhận được tiền thưởng Tết chỉ 1.7 triệu đồng. Sếp chị giải thích do tình hình công ty khó khăn, sếp phải đi vay tiền ngân hàng để thưởng Tết cho nhân viên.

Ai cũng mong mỏi năm sau tình hình sẽ khá lên, ai dè cái Tết thứ năm còn bi đát hơn cái Tết trước. Sếp chị Hằng thẳng thừng tuyên bố “năm nay không có thưởng vì công ty đang trên đà…phá sản”.

“Đi làm cả năm đã không có khoản thưởng ngày lễ nào, chỉ trông mong mỗi tiền thưởng Tết để có chút động viên, khích lệ tinh thần làm việc. Vậy mà đến cả khoản thưởng này cũng không có thì chỉ có nước đi tìm công ty khác”, chị Hằng ngán ngẩm. 

Đến cái Tết thứ sáu sau khi ra trường, lần đầu tiên chị mới biết đến việc có thưởng tháng lương thứ 13 và thưởng Tết. Chẳng thế, dù không được cao như mọi người trong văn phòng nhưng chị Hằng cũng cảm thấy vui vẻ, được an ủi phần nào sau sáu năm gần như "không có thưởng". 

Theo công bố tình hình thưởng Tết 2018 của Cục Quan hệ lao động và tiền lương, Bộ LĐ-TB&XH, tình hình thưởng Tết 2018,mức thưởng Tết Nguyên đán và Dương lịch của người có mức cao nhất và thấp nhất cách nhau “một trời, một vực”.

Về thưởng Tết Nguyên đán, Cục này cho biết, người có mức thưởng Tết cao nhất tại doanh nghiệp dân doanh ở TP HCM là 855,107 triệu đồng. Ngược lại, mức thưởng Tết thấp nhất chỉ có 20 ngàn đồng/người tại doanh nghiệp dân doanh ở tỉnh Vĩnh Phúc.

Về mức thưởng Tết Dương lịch vừa qua, theo báo cáo, mức thưởng bình quân là 1,151 triệu đồng/người. Người có mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở TP HCM là 1,5 tỷ đồng. Mức thưởng thấp nhất thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình và Bình Dương, chỉ có 30 ngàn đồng. Với mức thưởng thấp kỷ lục như thế, nhiều người lao động chỉ biết co kéo, chi tiêu tằn tiện để lo xong cái Tết “chết đói”. 

Thu Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


7 thói quen giúp phụ nữ Nhật trẻ mãi không già

Đọc nhiều nhất