Bi kịch cựu SV Hà Nội có 3 tấm bằng quốc tế vướng vào tội giết người: Nỗi đau cùng cực của người mẹ nghèo

Bi kịch cựu SV Hà Nội có 3 tấm bằng quốc tế vướng vào tội giết người: Nỗi đau cùng cực của người mẹ nghèo

2017-06-20 08:45
- Cả đời chỉ biết làm lụng vất vả nuôi con, đến khi con thành tài, đi du học, bà Gia đã đặt rất nhiều kỳ vọng. Nào ngờ chỉ vì không tìm được việc làm, người con sinh bệnh tâm thần rồi vướng vào lao lý với tội danh "Giết người".

Bây giờ, chỉ cần có ai đó nhắc đến người con trai có số phận kém may mắn của mình là bà Nguyễn Thi Gia (SN 1961, Mỹ Đức, Hà Nội) lại không cầm nổi nước mắt. Cả đời người phụ nữ ấy chỉ biết làm lụng nuôi con ăn học nhưng cuối cùng lại nhận về kết cục cay đắng. 

Nguyễn Văn Bằng (SN 1985, con trai bà) sau khi du học về nước với 3 tấm bằng quốc tế, chỉ vì không tìm được việc mà sinh bệnh tâm thần. Trong một lần bị kích động, Bằng đã vướng vòng lao lý khi tự tay hại chết người bạn đồng nghiệp. 

Hơn 20 năm ròng rã nuôi con ăn học và giấc mơ cho con được đổi đời 

Bà Gia xuất thân từ gia đình khó khăn, cuộc sống từ nhỏ phải chịu nhiều vất vả, đến khi đi lấy chồng cũng chẳng hạnh phúc được bao ngày. Sinh Bằng chưa đầy 1 tuổi, chồng bà đòi ly hôn để đến với người phụ nữ khác. Mỗi người chia nhau một người con trai rồi rẽ đi 2 lối.

Anh trai của Bằng tuy giờ đã có gia đình yên ấm nhưng từ sau ngày bố mất, cũng không đủ khả năng để giúp đỡ mẹ và em trai được nhiều. 

Nguyễn Văn Bằng trước vành móng ngựa. Ảnh: báo Giao Thông 

Năm Bằng lên 1 tuổi, vì bị sốt cao mà chân tay co giật. Hoàn cảnh kinh tế eo hẹp nhưng bà Gia vẫn quyết tâm chạy chữa, đem con đi hết viện nọ, viện kia cầu cứu.

Cuối cùng, bệnh tình thuyên giảm nhưng cánh tay trái của Bằng mãi mãi bị teo lại, không thể phục hồi. "May sao từ sau lần đó, Bằng hay ăn, chóng lớn, khỏe mạnh, chẳng tốn thêm đồng thuốc men nào nữa", bà Gia kể. 

Nhắc đến bi kịch của người con trai, bà Bằng bắt đầu khóc nức nở. 

Cuộc sống cứ thế trôi đi, 2 mẹ con nương tựa nhau sống qua ngày. Bằng là người con hiếu thảo lại chăm học, năm nào ở lớp cũng đạt thành tích tốt.

Thấy con ham học, bà Gia rất thương, lại nghĩ sức khỏe con yếu đuối nên chẳng bao giờ bắt làm việc gì nặng nhọc. Suốt 12 năm đèn sách, hầu như Bằng chỉ biết mỗi một việc là cắp sách đến trường. 

Các loại bằng, chứng chỉ mà Bằng giành được. 

Bà Gia nói, cuộc đời bà không được ăn học tử tế nên mới khổ. Vì thế, bà luôn ao ước làm sao cho Bằng được đi học bằng bạn, bằng bè.

"Nhưng đến ngày con tốt nghiệp lớp 12, tôi thấy nhà nghèo quá nên khuyên con nên đi làm hoặc học nghề chứ nếu học ĐH, sợ không đủ điều kiện để nuôi". 

Nghe mẹ nói vậy nhưng Bằng không chịu. Bằng nói với mẹ sức khỏe mình không phù hợp làm lao động chân tay nên chỉ có con đường học hành mới giúp anh thoát nghèo, thay đổi số phận. 

Thế rồi Bằng thi đỗ ĐH Ngoại thương, xóm làng ai cũng trầm trồ, thán phục. Học được 2 năm, Bằng lại thi đậu suất học bổng sang du học ở ĐH Minh Tuyền (Đài Loan).

Vì muốn giúp con thỏa ước nguyện xây mộng lớn, bà Gia đành dứt ruột bán nốt mảnh vườn trước cửa được 200 triệu để lo thủ tục Visa và chi phí ăn ở cho Bằng khi du học xa nhà. 

"Mảnh đất đó là tâm huyết cả đời tôi. Ngày ly hôn với chồng, tôi phải sống nhờ nhà mẹ đẻ một thời gian. Sau này dành dụm mãi mới mua được nhưng vì nghĩ đời mình sống cũng chỉ để nuôi con nên tôi bán đi, lo cho thằng Bằng ăn học". 

Những bức ảnh kỉ niệm của Bằng trong thời gian du học tại Đài Loan. 

2 năm sau, vào tháng 6/2012, Bằng trở về với tấm bằng cử nhân cùng 2 các loại chứng chỉ khác từ ĐH Minh Tuyền (Đài Loan).

Người mẹ hạnh phúc khôn xiết vì nghĩ rằng sự kỳ vọng của mình đã được đền đáp. Từ nay, Bằng sẽ có đủ điều kiện để đi xin việc, để bắt đầu cuộc sống mới. Nhưng người mẹ ấy không biết rằng, tất cả chỉ là khởi đầu cho một nỗi bi kịch. 

Sinh bệnh tâm thần phân liệt vì không xin được việc làm 

Du học về nước, Bằng mang theo tâm trạng vô cùng phấn khởi, tự tin. Từ ngày về nhà, không phút giây nào Bằng ngưng nghĩ đến chuyện tìm kiếm việc làm. Thương con, bà Gia vay mượn, dốc toàn bộ tiền tích lũy để mua cho anh một chiếc máy vi tính. Mỗi ngày, Bằng đều lên mạng tìm kiếm thông tin, bất cứ chỗ nào tuyển người, nhất là sinh viên tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh thì anh đều nộp hồ sơ ứng tuyển. 

"Xin việc online chán không được, nó lên xã, lên huyện làm hồ sơ cứng đi rải khắp nơi. Có lần nó lên Hà Nội, đi biền biệt mấy ngày rồi mới về nhà".

Bà Gia kể, lần nào Bằng cũng ra đi trong tâm trạng vui vẻ, đầy hào hứng nhưng khi trở về thì buồn thiu, chán nản, thất vọng. "Tôi có hỏi vì sao, nó chỉ nói là người ta chê con teo tay nên không nhận" . 

Hồ sơ bệnh án tâm thần của Bằng. 

Sau nửa năm thất bại với hành trình tìm kiếm việc làm, Bằng dần sinh ra chán nản, lầm lì, ít nói, có lúc ngơ ngác, cầm đồ vật không biết chỗ để xuống, thấy mẹ gọi không thưa và lúc nào như cũng đang tập trung vào ý gì đó rất quan trọng. 

"Rồi bệnh của nó ngày một nặng hơn, nó trèo lên nóc nhà, đem giấy bóng giăng mắc khắp nơi, nó tháo tung máy tính, đòi đốt sách vở, định lấy kéo cắt nát tấm bằng Quốc tế, đập phá đồ đạc, thi thoảng mắng mỏ lại tôi", bà Gia kể. 

Thấy con như vậy, ban đầu bà tưởng anh Bằng bị ma làm nên đi cúng bái khắp nơi. Sau này, nghe lời khuyên của mọi người, bà đưa con đi khám ở bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 (Thường Tín) và bệnh viện Tâm thần Ba Thá (Hà Nội) thì đều được bác sĩ kết luận rằng Bằng mắc chứng tâm thần phân liệt thể Paranoid. 

Bi kịch vướng vòng lao lý vì tự tay giết hại đồng nghiệp 

Từ năm 2013, Bằng nhiều lần nhập viện điều trị bệnh tâm thần, có lần nội trú ở đó cả tháng trời, một mình bà Gia lóc cóc đạp xe mấy chục km đến thăm.

Bệnh tình thuyên giảm hơn một chút, đầu năm 2014, Bằng nói với mẹ muốn ra trung tâm TP xin việc. Bây giờ anh không còn mơ việc lương cao, có thể giúp mình xây nhà lầu, nuôi mẹ sống sung sướng nữa mà chỉ mong có cơm ăn việc làm ổn định, tự chăm sóc tốt cho bản thân. 

Căn nhà nhỏ xíu, ngổn ngang đồ đạc của bà Gia. 

Bữa cơm trưa của bà Gia chỉ có cơm và bí ngô luộc. 

Nghe con nói vậy, bà Gia cảm thấy rất vui. Ít lâu sau, anh Bằng xin làm bảo vệ cho một siêu thị ở Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội). " Tôi không rõ công việc nó thế nào, chỉ biết nó đi biền biệt và nói là ở đó người ta bắt nó làm tận 16-17 tiếng/ ngày ". 

Đang đi làm ở trung tâm TP, bỗng một hôm bà Gia thấy con trai một mình trở về nhà. Hỏi vì sao về nhà đột xuất, Bằng không nói. Thấy con có biểu hiện tái phát bệnh cũ, bà Gia đưa Bằng nhập viện tâm thần Ba Thá điều trị.

Bệnh tình vừa thuyên giảm, Bằng nói với mẹ rằng siêu thị đang cần người nên phải quay lại làm... Và rồi bi kịch diễn ra, chỉ sau 2 ngày khi Bằng quay lại chỗ cũ làm việc. 

Chiếc xe đạp cà tàng bà Gia dùng để đi xa mấy chục km thăm nom con bị bệnh. 

Tối hôm đó, có 3 anh bảo vệ ngồi trên chiếc xích sắt trước cửa siêu thị đung đưa. Thấy vậy, Bằng đã hai lần đến nhắc nhở: "Các anh không được ngồi trên dây, đứt dây đấy". Anh Mai An Ninh (một người trong nhóm) đáp: "Đứt dây thì bọn tao đền". 

Đi vào trong khoảng 2 phút, Bằng bất ngờ bị nhóm của anh Ninh đánh vào đầu. Bị kích động lại sẵn có con dao trong tay, Bằng rút dao đâm vào anh Ninh.

Thấy đối thủ vẫn lao vào đấm đá, Bằng đâm liên tiếp vào ngực, tay và cổ anh Ninh. Gây án xong, Bằng tới Công an phường Giảng Võ đầu thú còn nạn nhân được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi. 

mẹ nghèo

Bà Gia nói khi còn khỏe, Bằng rất quý sách vở, coi trọng nó hơn cả bản thân nhưng từ khi bị bệnh, lúc nào cũng đòi đốt sách. 

Đầu tháng 6 vừa qua, TANDTP Hà Nội đưa bị cáo Bằng ra xét xử sơ thẩm về tội "Giết người". Do có nhiều tình tiết cần được làm rõ nên HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa, chưa rõ ngày mở lại. 

Theo Thu Hường/Trí Thức Trẻ

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Top 3 con giáp miệng cứng lòng mềm lời nói có thể khó nghe nhưng tấm lòng lại tốt

Đọc nhiều nhất