Bi hài nghề shipper: bị chủ mắng, khách bỏ bom, nhịn vệ sinh đến nỗi bị... táo bón
Tin liên quan
Người làm shipper dường như đã quen dần với âm thanh ồn ã của thành phố, mùi khói xe cay khét nơi quốc lộ, tiếng rung run bần bật từ động cơ xe số thi thoảng lại xốc lên khi đi qua những đoạn đường mấp mô đá sỏi…
Vất vả vẫn bị chủ trách mắng, khách bỏ bom
PV Emdep.vn có dịp theo chân anh Mai Khắc Tuấn (22 tuổi, quê Sơn Tây) - một shipper tự do làm việc tại Hà Nội đã hơn 4 năm.
Ngồi trên chiếc xe Dream cũ, khoác chiếc áo phao hai lớp mỏng manh, anh bắt đầu công việc của mình. Từ những nơi xa trung tâm thành phố nhất như Gia Lâm, Thanh Xuân, Hà Đông... không có nơi nào là anh chưa đặt chân đến.
Chiếc xe chất đầy đơn hàng.
Chia sẻ với PV Emdep, anh Tuấn cho biết từ ngày làm shipper, không có ngõ nghách nào ở Hà Nội mà anh không biết. Bởi lẽ, đường sá cũng là vấn đề lớn của shipper nếu không thông thạo.
Nhiều lúc đi giao hàng, khách giục, Tuấn phải chạy xe hỏa tốc. Hà Nội hay tắc nghẽn giờ tan tầm, rất dễ gặp sự cố bất ngờ. Dịp trước Tết năm ngoái, Tuấn gặp tai nạn người đau, xe hỏng, hàng vỡ… đành một mình lết dắt xe về cửa hàng, đền tiền cho chủ mà vẫn bị trách mắng.
4 năm theo nghề shipper, với chàng trai Sơn Tây này đã có không ít lần anh bị khách “bỏ bom”: “Mỗi lần đi chuyển hàng cho khách sợ nhất là gọi điện khách không bắt máy. Có lần, tôi đến nơi gọi khách mãi cũng không thấy bắt máy. Thế là, cứ đứng dầm mưa đúng 45 phút mới có người xuống nhận hàng. Những lúc đó thấy nghề của mình nhọc nhằn không tưởng”.
Shipper Nguyễn Văn Lượng giao hàng cho khách trên phố.
Cũng như Tuấn, Trần Trung Đức (23 tuổi, quê Sơn Tây) bén duyên với nghề shipper từ năm 2014. Những ngày đầu làm nghề này, Đức cũng đã gặp phải không ít khó khăn: “Những ngày đầu mới làm vì không thuộc đường nên tôi đi lạc lung tung cả lên. Ngày đó, tôi không có điện thoại thông minh, chỉ có chiếc xe số và điện thoại đời cũ nên vất vả hơn những người shipper khác”.
Cái khổ của shipper đã nhiều, những nỗi buồn của nghề còn nhiều hơn. Vì shipper là những người ra đi và về nhà lặng thầm trong mưa nắng, không có thời gian và không gian nghỉ tay, không có cả đồng nghiệp trò chuyện tán gẫu.
Những bi hài khi đi ship hàng của các shipper giữa lòng Hà Nội
Shipper được coi là nghề làm thêm cho thu nhập khá. Nếu một tay ship chăm chỉ làm cả tháng không nghỉ có thể kiếm được 6-8 triệu đồng, tương đương với 20-30 đơn hàng nội thành mỗi ngày. Tuy nhiên, so với một bồi bàn an toàn ngồi trong nhà thì họ phải “dầm mưa dãi nắng” với không ít những khốn khó và bi hài.
Shipper Trần Trung Đức tâm sự rằng, cái nghề này nhiều khi cũng “bạc” lắm. Làm một thời gian, chủ quen tin tưởng giao cho anh những mặt hàng giá trị lên đến chục triệu đồng. Nhiều lần hết giờ làm, họ vẫn muốn anh “tăng ca” thêm mấy tiếng, anh vẫn vui vẻ nhận lời.
Tuy nhiên, có hôm dù ship tới khuya muộn mới được về, thế nhưng anh cũng bị chủ hắt hủi vì: “Có lần tôi đau dạy dày, nghỉ mất mấy hôm, người ta thay shipper khác luôn. Lúc đó chỉ biết ú ớ rồi ngậm ngùi rời khỏi chỗ mà người ta đã từng tin tưởng mình”.
Ngoài chủ cửa hàng gây áp lực, những vị khách đôi khi cũng khiến các shipper phải “đau đầu”. Câu chuyện của anh Lê Văn Lượng (24 tuổi, quê Vĩnh Phúc) - người có 3 năm làm nghề này chia sẻ là một ví dụ.
“Làm nghề này cũng giống nghề xe ôm, chỉ khác ở chỗ xe ôm chở người còn chúng tôi chở hàng. Có lần tôi chở hàng đến cho khách, mồ hôi đầm đìa vai áo nhưng cái giá cho tất cả những vất vả ấy chỉ là vài đồng bạc lẻ. Tuy nhiên, vẫn có những người nhận hàng còn mặc cả, đòi giảm tiền ship”, anh Văn Lượng nói.
Nhiều ngày, vì sớm tối gắn bó với mặt đường đã rất mệt mỏi. Lại thêm tnh chất công việc không cho phép shipper ăn khi đói hoặc ngủ khi mệt. Vì thế, nhiều lúc họ cũng gặp phải những bi hài ngay khi đang di chuyển trên đường.
Anh Trần Trung Đức ái ngại chia sẻ điều này với PV: “Ở Hà Nội ít nhà vệ sinh công cộng, nên có buồn cũng không có chỗ đi, mà có đi thì không kịp giờ, đành nhịn đi vệ sinh suốt. Đến nỗi nhịn vệ sinh nhiều, tôi còn bị bệnh táo bón thường xuyên”.
Ngoài cái khổ của nghề ship, nhiều lúc, các shipper cũng thường xuyên phải đối mặt với tình huống “dở khóc dở cười”: “Những khó khăn vất vả thì cánh nam giới chúng tôi chịu được hết. Nhưng có lúc gặp những tình huống đỏ mặt thì chúng tôi chỉ muốn độn thổ xuống đất. Nhiều khi thật sự chẳng biết phải làm thế nào với những khách hồn nhiên, vô duyên", Trung Đức nói.
Chàng trai này kể về 1 lần anh đi giao đồ bơi nữ, khách hàng mặc thử đồ rồi ra hỏi anh “có đẹp không”. Khi nhìn thấy cô gái mặc đồ bơi ra hỏi mình một cách rất hồn nhiên khiến anh vừa bất ngờ, vừa ngại không biết xử trí thế nào.
"Nghề nào cũng có cái khổ và vất vả riêng. Chúng tôi chỉ biết chấp nhận làm để có thu nhập và có thể nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình là đã vui rồi", Trung Đức tâm sự.
Tú Anh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất