Bí ẩn sức mạnh cụ ông trăm tuổi chân Giao Chỉ

Bí ẩn sức mạnh cụ ông trăm tuổi chân Giao Chỉ

2016-08-31 11:11
- Gương mặt cụ Phương phúc hậu, ánh mắt hiền từ, nước da hồng hào, mái tóc trắng như cước. Điểm đáng chú ý là cụ có đôi tai dài, dày và to như tai Quan thế âm Bồ tát.

Không ít người tìm tới nhà dò hỏi bí quyết “sống lâu, sống khỏe, sống đẹp” của cụ Nguyễn Đình Phương (SN 1912, trú xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) nhưng cụ chỉ cười xòa...

Bí ẩn sức mạnh cụ ông trăm tuổi chân Giao Chỉ

Cụ Phương đã ở tuổi 105.

Cụ bảo: “Tôi chẳng có bí quyết gì cả, chắc là do lộc trời cho. Chỉ có điều, tôi thường xuyên tập luyện thể dục, ăn uống điều độ, đặc biệt là nhiều năm nay, tôi nghiện ăn đồ nếp. Chỉ với bánh chưng, xôi, tôi có thể ăn trừ bữa, ngày này qua tháng khác không biết ngán. Điều quan trọng nhất là, đầu óc lúc nào cũng phải thoải mái, không lo nghĩ nhiều thì sẽ sống khỏe”.

Ký ức chiến tranh, loạn lạc

Cụ Nguyễn Đình Phương nổi tiếng khắp vùng bởi lẽ, cụ sở hữu đôi bàn chân khổng lồ mà nhiều người gọi là bàn chân Giao Chỉ. Đặc biệt hơn, ở cái tuổi 105, nhưng cụ vẫn sống khỏe mạnh và minh mẫn lạ thường khiến nhiều người phải ao ước.

Gương mặt cụ Phương phúc hậu, ánh mắt hiền từ, nước da hồng hào, mái tóc trắng như cước. Điểm đáng chú ý là cụ có đôi tai dài, dày và to như tai Quan thế âm Bồ tát.

 Người Giao Chỉ là tên gọi để chỉ những người Việt cổ từ đời các vua Hùng đến thời Bắc thuộc. Đây cũng là tên của một bộ trong số 15 bộ của nước Văn Lang.

Theo thông tin của từ điển bách khoa mở Wikipedia thì Đỗ Hựu trong bộ Thông điển cho rằng: “Giao Chỉ là người Nam, ngón chân cái toạc ra, đứng thẳng hai bàn chân thì ngón chân cái giao vào nhau, cho nên gọi là Giao Chỉ (chỉ là ngón chân cái)”. Ý kiến này được nhiều học giả Trung Hoa và Việt Nam chấp nhận.

Bộ Từ nguyên (quyển Tý, trang 141) bác lại ý kiến trên mà cho rằng: “Theo nghĩa cũ bảo hai ngón chân cái giao nhau là Giao Chỉ, nhưng xét đời cổ bên Hy Lạp, có tiếng “đối trụ”, có tiếng “lân trụ” để gọi loài người trên thế giới. “Đối trụ” là phía Nam, phía Bắc đối nhau, “lân trụ” là phía Đông, phía Tây liền nhau.

Sở dĩ có tên Giao Chỉ là hợp vào nghĩa “đối trụ”, vì dân tộc phương Bắc gọi dân tộc phương Nam, cũng như một chân phía Bắc, một chân phía Nam đối nhau, không phải thực là chân người giao nhau”.

Các nhà sử học Việt Nam kể từ Nguyễn Văn Siêu, Đặng Xuân Bảng, Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh... đều theo cách giải thích thứ hai này.

Năm 1868, bác sĩ Thorel trong đoàn thám hiểm của Doudart de Lagrée đã nhận xét hiện tượng hai ngón chân cái giao nhau là “một đặc điểm của giống người An Nam”. Sau này các học giả Pháp khác cũng ghi nhận điều này.

Hiện tượng hai ngón chân cái trẹo ra ngoài để có tư thế giao nhau khi hai bàn chân đặt song song gần nhau không chỉ xuất hiện ở nước ta mà còn được gặp ở các dân tộc khác như người Mã Lai, Xiêm, Trung Hoa, Ả Rập, Melanesia và người Negrito, chỉ khác nhau ở mức độ. Nhưng hiện tượng này rất hiếm gặp ở người châu Âu.

Qua nghiên cứu, các nhà khoa học cho biết, đây không phải là hiện tượng bệnh lý, mà có thể coi là một biến dị lại tổ (variation atavique) do xương mọc không thẳng như bình thường. Bởi vậy mà đôi chân của họ to và cong, ngón cái chìa ra như càng cua.


Cụ Phương sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nho học và có công với cách mạng. Suốt những năm tiền khởi nghĩa và kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, gia đình cụ đều có người tham gia, từ chiến đấu ở chiến trường miền Nam, tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc rồi Tây Ninh, Campuchia…

Là con út trong gia đình, nên cụ Phương được các anh giao nhiệm vụ ở nhà lo nhang khói cho tổ tiên. Năm 19 tuổi, cụ kết hôn với cụ bà Nguyễn Thị Nhớn (sinh năm 1931), có với nhau 10 người con thì 4 người đã mất vì bệnh tật.

Cuộc đời đã trải qua nhiều biến chuyển của lịch sử, cụ Phương rất thấm thía cảnh loạn lạc giai đoạn đất nước bị chiếm đóng. Dù giờ đây, mỗi khi hỏi gì đều phải ghé sát tai cụ để nói, nhưng những câu chuyện năm tháng quá khứ luôn hiện rõ mồn một qua lời kể của cụ.

Cụ Phương kể, giặc Pháp lập đồn bốt dọc sông Đuống rồi án ngữ ở những ngã ba đường trọng yếu. Người dân thời đó sống rên siết với sưu cao, thuế nặng. Cụ còn bị chúng bắt đi làm nông phu, gánh thóc, gánh gạo. Thế nhưng, dù sống dưới sự áp bức, kiểm soát gắt gao của giặc, gia đình cụ vẫn bất chấp hiểm nguy, trở thành địa chỉ an toàn cho các cán bộ cách mạng trú chân.

“Trong ngôi nhà gỗ, tôi có làm một gian nhỏ rất kín phía trong. Cán bộ cách mạng được bảo vệ bí mật trong đó. Nhiều khi toán lính đội đến nhà, chúng lục soát khắp căn nhà tôi mà không thể tìm được căn phòng bí mật kia”, cụ Phương nhớ lại.

Mấy người con trai của cụ noi gương cha, bất chấp gian khó vẫn hoạt động cách mạng, sau này tham gia chiến đấu ở các chiến trường. Cụ thường bảo với các con, phận làm trai thời nào cũng phải gánh vác cả việc nước và việc nhà. Nước mà chưa yên thì chưa thể lo được việc nhà. Nhất nhất các con phải chiến đấu, sẵn sàng hi sinh cả bản thân để bảo vệ quê hương...

Suốt cả cuộc đời, cụ Phương đều chăm chỉ làm lụng, vun vén cho gia đình. Cụ làm từ sáng cho đến tối mịt mới ngơi nghỉ chân tay. Nhờ siêng năng lao động, cụ tự tay gây dựng mọi thứ, không bao giờ để con cái phải chịu đói, khát.

“Có thể hàng xóm thiếu ăn, nhưng bố chưa từng để anh em tôi thiếu bữa bao giờ. Dẫu nhà đông con nhưng chưa khi nào tôi thấy bố tôi phàn nàn với mẹ và các con. Bố luôn lạc quan, hết mực chăm lo và động viên gia đình cùng nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống”, bà Nguyễn Thị Thiện (77 tuổi, con gái út của cụ Phương) chia sẻ.

Tinh thần chịu thương, chịu khó của cụ là nguồn động viên giúp con cái cụ ngay từ nhỏ đã nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với việc học hành và lao động. Người nhỏ tuổi sáng đi học, chiều đi chăn trâu cắt cỏ; người lớn tuổi thì tham gia việc đồng áng cùng bố mẹ. “Như vậy, anh em trong nhà càng yêu thương và biết giúp đỡ nhau hơn”, bà Thiện tiếp lời.

6 người con còn sống của cụ đều học hành đến nơi đến chốn và rất thành đạt, người tham gia ngành y, người là kiến trúc sư xây dựng, người cán bộ, bộ đội về hưu...

Đến nay, số lượng con cháu, chút, chít của cụ Phương đã lên đến cả trăm người. Ngay người con cả là ông Nguyễn Đình Ngạc, cũng đã 82 tuổi và có tới 11 chắt, con cháu đề huề. Nhưng thật khó tin, hiện giờ cụ Phương vẫn có thể kể tên rành rọt từng người con, cháu trong nhà.

Bí ẩn sức mạnh cụ ông trăm tuổi chân Giao Chỉ

Cụ Phương bên các con

Người “cũ” nghiện ăn đồ “xưa”

Khi chúng tôi đến nhà cũng là giờ ăn trưa của cụ Phương. Chúng tôi không khỏi bất ngờ, khi thấy cụ “đánh chén” ngon lành lưng bát bánh chưng đã xắt miếng. Ông Ngạc chia sẻ: “Mới đây, cụ mọc thêm 3 cái răng khôn, đau nhức mất hơn ngày không ăn được nhiều, chứ bình thường cụ còn ăn khỏe hơn. Cứ ngày 3 bữa, cụ ăn uống điều độ lắm”.

Được biết, món ăn ưa thích bao nhiêu năm nay của “cụ ông Giao Chỉ” này là đồ nếp. Đồ nếp ở đây có thể là bánh chưng hoặc xôi vò, nhưng món khoái khẩu mà cụ Phương mê nhất là món xôi nén.

Cách cụ ăn cơm nếp, cũng cổ xưa như cả trăm năm trước. Theo chia sẻ của ông Ngạc, món xôi nén là một món xôi cổ truyền của vùng đất Kinh Bắc xưa. Tuy hình thức đơn giản nhưng để làm ra được món xôi nén ngon đúng vị thì không dễ. Cụ Phương thích món này bởi theo lời cụ Phương kể lại với con cháu, xôi nén giống món oản gạo cụ vẫn hay được ăn ngày nhỏ còn thiếu thốn.

Để làm ra được món xôi nén này, cũng rất cần sự cầu kỳ và tỉ mẩn. Bà Nguyễn Thị Thiện (người trực tiếp chăm lo từng bữa ăn cho cụ Phương) chia sẻ cách chế biến “món tủ” của bố: “Gạo nếp ngon, ngâm qua một đêm, vo sạch, xóc chút muối trắng, đem đồ thành xôi là đã sẵn sàng để làm ra món xôi nén thơm ngon. Sau đó, cần thêm một dụng cụ để đóng xôi”.

Để cho chúng tôi dễ hình dung, bà Thiện mang từ trong nhà ra một chiếc khuôn gỗ hình vuông và một cái chày nhỏ dùng để nén xôi cho chúng tôi xem. Trước khi đóng, khuôn được nhúng vào nước đun sôi để nguội. Xôi nóng được lèn vào khuôn, dùng cái dùi đâm, lèn cho xôi thật chặt trong khuôn. Đến khi xôi được nén chặt lại như một chiếc bánh là xong.

“Điều cốt yếu để xôi nén ngon là gạo nếp phải ngon, xôi đồ dẻo, nhồi chặt trong khuôn khi ăn dai dai, đậm vị ngọt của gạo nếp, nhai kỹ mà không cần bất cứ gia vị hay hương liệu nào khác”, bà Thiện chia sẻ bí quyết.

“Để đổi món cho cụ, có lúc tôi xắt xôi nén ra thành miếng nhỏ cho cụ chấm mắm hoặc ăn kèm với chuối chín, lúc khác lại đem rán, vậy là thành bánh rán cụ rất thích. Khi thưởng thức xôi nén, thường thì ông cụ không thể thiếu ngụm nước chè nóng hổi, thơm hương để tăng thêm hương vị. Mà nước chè của cụ phải thật đặc và cho thêm đường”, bà Thiện tiếp lời.

Điều đặc biệt nữa ở cụ Phương là sở thích uống nước nóng. Nước sôi sùng sục rót ra cốc, bỏng giãy, cụ đưa lên miệng uống luôn được. Ngoài ăn cơm, đồ nếp, cụ thường xuyên uống thêm sữa sau mỗi bữa ăn.
Được chăm sóc chu đáo như thế cho nên, tuy có 4 người con trai, nhưng cụ Phương lại thích ở với người con gái út. Cụ bảo: “Con gái rất hiểu ý bố, chỉ cần nói một mà nó đã hiểu mười”.
Không chỉ ăn uống điều độ, sạch sẽ, cụ Phương còn là người rất chăm chỉ luyện tập thể dục. Bắt đầu từ năm cụ Phương 90 tuổi, do sức khỏe giảm sút nên cụ không ra ngoài đi bộ nữa, nhưng cụ lại bắt đầu tự tập thể dục ngay trên giường.

Được biết, cụ Phương tự tập thể dục theo cách riêng của mình. Ngoài tập vận động cả chân lẫn tay (duỗi và vung hai tay, hai chân), cụ còn tập nằm xuống rồi tự ngồi bật dậy rất tài. Mỗi lần tập, cụ tự ra chỉ tiêu cho mình phải tập được 50-100 cái. Để cho nhớ, mỗi lần lên xuống được 10 cái cụ lại tự bỏ một chiếc vòng nịt ra làm dấu.

“Có ngày, cụ còn tập được đến 200 cái. Chúng tôi là con cái mà nhiều khi tập còn không theo kịp cụ”, ông Ngạc vui vẻ cho biết.

Bí ẩn sức mạnh cụ ông trăm tuổi chân Giao Chỉ

Đôi dép ngoại cỡ đã được đục lỗ

Chưa từng có đôi dép tử tế

Hỏi chuyện về đôi chân Giao Chỉ, bà Thiện kéo chiếc chăn mỏng cho chúng tôi xem chân của cụ Phương. Quả thực, đôi bàn chân cụ khổng lồ, với hai ngón cái xòe ra trông giống như những củ riềng, giữa ngón cái và các ngón chân khác cách nhau một khoảng lớn.

Vì bàn chân quá to, khi ngồi, cụ luôn phải duỗi thẳng hai chân ra, chứ ít khi khoanh chân. Bà Thiện bảo rằng, cũng vì bàn chân “không giống ai” đó, mà cụ chẳng bao giờ có được đôi dép tử tế.

Thời trẻ, cụ chỉ đi chân đất. Sau này, con cháu có muốn sắm dép cho cụ cũng rất khó khăn. Những đôi dép mang cỡ to nhất ở Việt Nam cũng không ôm nổi chân cụ. Một lần, người con trai của cụ sang Malaysia du lịch mới tìm mua được một đôi dép ngoại cỡ về biếu bố.

“Mua được dép khủng rồi thì phải đục lỗ, để ngón chân cái thò ra bên cạnh, như thế cụ mới xỏ được chân vào”, bà Thiện chia sẻ.

Nói rồi, bà ngó xuống gầm giường, lôi ra cho chúng tôi xem đôi dép nhựa khổng lồ của cụ. Đúng là mõm của mỗi chiếc dép đều được đục một cái lỗ to để ngón chân cái cụ đưa ra theo góc vuông.
“Tôi cũng không biết bố tôi có phải là người gốc Giao Chỉ hay không, nhưng trong dòng họ tôi, các đời trước, xuất hiện khá nhiều người có bàn chân Giao Chỉ. Đến đời chúng tôi thì không ai có bàn chân như vậy cả”, ông Ngạc cho biết.

Những người có bàn chân Giao Chỉ trong dòng họ, mà ông Ngạc được tận mắt chứng kiến đó là cụ ngoại của ông, tức bà ngoại của cụ Phương. Bà ngoại của ông, tức mẹ của cụ Phương cũng có bàn chân như vậy.

Người tiếp theo là hai người bác ruột của ông, tức anh trai của cụ Phương, là các cụ Nhị Châu, cụ Thuận, rồi em gái ruột của cụ Phương là cụ Hả. Ngay cả người ít tuổi nhất là em vợ của cụ Phương, cũng có bàn chân Giao Chỉ.

Theo lời ông Ngạc, điều đáng ngạc nhiên là những người có bàn chân Giao Chỉ đều khỏe mạnh, sống thọ. Cụ Nguyễn Đình Thuận trở thành huyền thoại sống của làng với sức lực như trâu mộng.

Dân làng vẫn còn kể mãi chuyện cụ dùng xe cải tiến 2 bánh kéo chiếc tủ lớn, nặng cả tạ, từ mãi cầu Long Biên về nhà, trên đoạn đường 50km. Có một cụ bà cùng xã cũng mang bàn chân Giao Chỉ, thọ 105 tuổi, mất cách đây không lâu, hay mẹ của cụ Phương cũng sống rất thọ.

Ngay như cụ Phương, những năm trước đây, cụ thường gánh gạo, gánh đậu đi bán ở tận thành phố Bắc Ninh. Có lẽ do đôi bàn chân của cụ xòe rộng nên cụ đi bộ rất giỏi và không bao giờ bị vấp ngã. Từ nhà đến chợ khoảng 25-30km mà cụ vẫn đủ sức gánh 50kg gạo trên vai. Cụ đi từ sáng đến tối mới về.
Đến nay, dẫu đã sống qua hai thế kỷ, nhưng cụ Phương vẫn có thể đang nằm rồi tự ngồi dậy, mà không cần chống tay xuống giường; hằng ngày cụ vẫn đi lại quanh nhà, tự lo liệu việc vệ sinh cá nhân, chưa phải nhờ đến con cháu.

Lạ nhất là cụ không ốm đau bao giờ. Có một lần duy nhất cụ đi bệnh viện, là 50 năm trước, do tai nạn ngã gãy chân. Từ đó tới giờ, cụ chưa từng đi viện, cũng không phải uống bất cứ viên thuốc nào.
“Tôi cũng phải công nhận rằng cụ có sức đề kháng rất tốt. Dù thời tiết có thay đổi đột ngột thế nào, cụ cũng không ảnh hưởng gì cả. Nhiều người hỏi tại sao cụ lại khỏe mạnh như thế thì tôi cũng không biết trả lời thế nào”, bà Thiện thật thà tâm sự.

Bà Thiện cho biết thêm, năm cụ Phương bước sang tuổi 103, cụ bỗng gọi con cháu lại, nhất quyết đòi đi làng gốm Bát Tràng và Kiêu Kỵ chơi. Cụ bảo, phong dao Kinh Bắc xưa có câu: “Sống làm trai Bát Tràng/Chết làm thành hoàng làng Kiêu Kỵ”. Tất cả đều phải chiều ý cụ, xuống đến nơi, cụ phăm phăm đi bộ, vào thăm đình làng, miếu mạo ở hai địa danh này.

Cũng theo bà Thiện, từ cuối năm 2015, mắt cụ Phương có phần kém một chút. Những năm trước đó, cụ vẫn còn giã cua, nhặt rau, nấu cơm và quét dọn nhà cửa. Thậm chí, các cháu hay người thân ở xa gọi điện về thăm sức khỏe, cụ vẫn nghe rõ và trả lời vanh vách.

Theo nhận xét của hàng xóm, cụ Phương luôn sống chan hòa với gia đình, bà con, chưa từng nặng lời với ai, không ham rượu bia, không hút thuốc lào. Cụ luôn tu chí làm ăn, dưỡng dục con cái trưởng thành, thường xuyên giúp đỡ mọi người, sống có ích cho xã hội, đất nước.

“Có lẽ, bí quyết sống thọ của cụ Phương là sống vui, sống khỏe, luôn quan tâm, yêu thương mọi người”, cụ Nguyễn Văn Chiến (87 tuổi, người cùng làng) cho biết.

Hiện tại, cụ Phương đã bắt đầu căn dặn con cháu những điều mà cụ mong mỏi trước khi về thế giới bên kia. Cụ bảo, khi nào cụ mất đi, con cháu hãy đưa cụ đi hỏa táng.

Ông Ngạc cho hay: “Khi bố tôi đề đạt nguyện vọng hỏa táng, thì nhận được nhiều ý kiến trái chiều khác nhau. Người đồng tình, nhưng cũng có người phải đối. Họ thắc mắc hỏa thiêu mà cụ không sợ nóng, sợ khi tan thành tro đầu chân lẫn lộn cả hay sao?”.

Nghe mọi người thắc mắc như vậy, cụ Phương chỉ cười rồi trả lời lại rất thông minh rằng: “Tôi không muốn khi tôi chết đi, đem đi chôn sau này còn phiền hà con cháu. Hơn nữa, khi đã chết rồi còn sợ gì nóng. Nếu nói sợ nóng, thì đem chôn nước ngập 5 năm còn sợ ngạt mũi hơn”.

Khi nghe cụ Phương trả lời tếu táo nhưng không kém phần chí lý như vậy, không ai còn ý kiến hay thắc mắc về tâm nguyện của cụ nữa.

 Lương y Nguyễn Huy, Hội Đông y Việt Nam cho biết, những món ăn làm từ gạo nếp có công dụng tốt cho sức khỏe và được rất nhiều người ưa thích. Đồ nếp có lượng calo rất cao. Và hơn nữa, gạo nếp là nguồn nguyên liệu sạch nên đảm bảo sức khỏe.

Tuy nhiên, tinh bột ở gạo nếp làm tăng axit ở dịch vị nên dễ bị ợ chua. Ngoài ra đồ nếp làm gia tăng nhiệt độ cơ thể. Và chất amylopectin trong gạo nếp rất khó tiêu nên người mới ốm dậy, trẻ nhỏ, người già nên hạn chế dùng.

“Nhưng trong trường hợp trên, cụ ông 105 tuổi nhiều năm ăn đồ nếp trường kỳ thì thật đặc biệt. Phải nói cụ là người có sức khỏe, đường tiêu hóa tốt mới có thể ăn và tiêu hóa được đồ nếp tốt đến vậy.

Ở đây, tôi cho rằng đồ nếp vừa trở thành món ăn, vừa trở thành bài “thuốc” giúp cơ thể cụ ông đề kháng bệnh tật. Vì đồ nếp như xôi giúp chữa các bệnh tiêu chảy, đường ruột, buồn nôn, rối loạn bài tiết mồ hôi và cả bệnh tiền đình rất tốt.

Như vậy, việc cụ ông 105 tuổi “nghiện” ăn đồ nếp, theo tôi, cũng có thể được xem là một trong những nguyên nhân có cơ sở khoa học và thực tiễn, lý giải cho việc cụ sống thọ và khỏe mạnh như vậy”, lương y Nguyễn Huy nhận định. 

(Theo Pháp luật Việt Nam)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Lên sóng Running Man hậu drama, Jack bị chỉ trích vì nói trống không, hành động thô bạo với đàn anh

Đọc nhiều nhất