Bà nội trợ đừng lo bỏ tục đốt vàng mã, gia tiên không “nhận được lòng thành của con cháu"

Bà nội trợ đừng lo bỏ tục đốt vàng mã, gia tiên không “nhận được lòng thành của con cháu"

Thu Hà 2018-02-24 07:00
- Trước công văn đề nghị loại bỏ đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, không ít bà nội trợ đã tỏ ra lo lắng.

Khuyến khích bỏ dần tục đốt vàng mã

Trên website của Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa đăng tải công văn số 031/CV-HĐTS về việc tăng cường nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.

Tại công văn này, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị các Phật tử loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.

Cụ thể, công văn nêu rõ: “Đề nghị chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam”.

Bà nội trợ đừng lo bỏ tục đốt vàng mã, gia tiên không “nhận được lòng thành của con cháu

Vấn nạn đốt vàng mã tràn lan tại các cơ sở thờ tự luôn "nóng" mỗi dịp đầu xuân mới. Ảnh minh họa.

Công văn số 31 của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký.

Việc này được kì vọng không chỉ giảm bớt tình trạng đốt vàng mã tràn lan tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, các điểm ti tích lịch sử - văn hóa mà còn trở thành điểm tựa để chư tôn tăng ni trụ trì các tự viện trong cả nước khuyến khích người dân dần bỏ tục đốt vàng mã.

Ý nghĩa, mục tiêu là rất rõ ràng tuy nhiên, các bà nội trợ vẫn tỏ ra khá lo lắng nếu bỏ tục lệ này. Bởi tục lệ đốt vàng mã đã có từ lâu đời, ăn sâu bén rễ vào tâm thức của người Việt trong phong tục thờ cúng tổ tiên nên rất khó từ bỏ trong một sớm một chiều.

Năm nào cũng vậy, chị Nguyễn Thị Đông (đường Tố Hữu, Q. Hà Đông, Hà Nội) “chi” một khoản tiền để mua vàng mã phục vụ cho việc lễ bái đầu năm. Đó là lễ ở chùa, lễ ở nhà, lễ giải hạn, lễ trên nghĩa trang. Vốn cẩn thận nên chị Đông mua sắm rất đầy đủ từ tiền vàng, quần áo giấy, ngựa mã… Chỉ cần thiếu một món đồ vàng mã hoặc mua vàng mã không được ưng ý là chị cảm thấy rất áy náy.

Theo chị quan niệm thì “dương sao âm vậy”. Người cõi âm cũng cần được thay đồ mới hàng năm, đặc biệt là những dịp Tết đến xuân về. Cả năm mới có một cái Tết nên phải cúng lễ đầy đủ “các cụ mới phù hộ”.

Khi nghe ti vi nói về công văn đề nghị loại bỏ đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, chị Đông tỏ ra khá bối rối. “Không đốt vàng mã cảm giác như thiếu đi một phần rất quan trọng khi đi lễ. Chỉ lo gia tiên không chứng giám cho lòng thành của con cháu”, chị Đông giãi bày.

Bày tỏ ý kiến về việc loại bỏ đốt vàng mã, chị Bùi Thu Phương (Q. Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng nếu đốt ít để bày tỏ cái tâm thì chấp nhận được. Bản thân chị ủng hộ việc đốt ít vàng mã khi đi lễ để giảm nguy cơ cháy nổ, hỏa hoạn, ô nhiễm môi trường và bớt lãng phí tiền của.

Phật giáo không khuyên đốt vàng mã

Nói về việc loại bỏ đốt vàng mã, Hòa thượng Thích Thanh Nhã nhận định xưa nay người dân đốt vàng mã là do quan điểm người ở trên dương gian tiêu dùng gì thì người âm cũng như thế.

Nhưng thực ra ở góc độ Phật giáo, điều này không có ý nghĩa. Phật giáo cũng không dạy đốt vàng mã. “Quan điểm của Phật giáo là làm điều tốt lành chứ không cần đốt vàng mã”, Hòa thượng Thích Thanh Nhã nhấn mạnh.

Bà nội trợ đừng lo bỏ tục đốt vàng mã, gia tiên không “nhận được lòng thành của con cháu

Đi lễ cốt ở sự thành tâm, tránh suy nghĩ lệch lạc làm mất đi nét đẹp của việc đi lễ đầu năm. Ảnh: Thu Hà

Hòa thượng Tố Liên cũng khẳng định Đức Phật Thích Ca không hề dạy đốt vàng mã để cúng gia tiên. Với quan niệm thông thường, sau cái chết, con người cũng có một đời sống, cũng có các nhu cầu như khi đang ở dương thế.  Một số người vì quá thương tiếc người thân đã mất, sắm đủ thứ vàng mã để đốt cúng nhân ngày giỗ hoặc các dịp lễ để người ở đã chết sử dụng ở cõi âm. Như thế đôi khi là thái quá.

Theo Thượng tọa Thích Thanh Tuấn, Phó chánh Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam, điều quan trọng nhất khi đi lễ chùa là ở sự thành tâm.

“Đức Phật không chê giàu nghèo. Thành tâm một nén hương thấu đến tận cửu trùng. Tránh suy nghĩ lệch lạc khi hành lễ với quan niệm lễ càng nhiều, Phật phù hộ càng nhiều. Quan niệm trên hoàn toàn sai và lệch lạc, làm mất đi nét đẹp trong tôn giáo Việt Nam”, Thượng tọa Thích Thanh Tuấn nói.

Thu Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Cát-xê dàn ca sĩ Việt: Hà Hồ 1,5 tỷ dự event, Lệ Quyên hát đám cưới 15k đô

Đọc nhiều nhất