Bà Mai Phương ngồi phòng riêng: Có đảm bảo tính khách quan của tòa?

Bà Mai Phương ngồi phòng riêng: Có đảm bảo tính khách quan của tòa?

2017-06-28 08:12
- Trong phiên tòa xét xử vụ án hoa hậu Mai Phương chiều 27/6, người đàn bà bí ẩn và là nhân chứng Mai Phương xuất hiện khá… đặc biệt, trong phòng kín, đối đáp qua hệ thống âm thanh ở tòa. Các luật sư có nhìn nhận như thế nào về chuyện này?

Bà Mai Phương: Tôi không phải là vợ bé của ai đó 

Theo luật sư Phạm Hoài Nam (hãng luật Bến Nghé, thuộc đoàn luật sư TP.HCM), tại điểm a, khoản 3 điều 55 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 và điểm b, khoản 3 điều 66 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định: người làm chứng có quyền yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa... Song song với quyền đó là nghĩa vụ của nhân chứng phải khai báo trung thực, đầy đủ. 

Bà Mai Phương vẫn còn là nhân vật bí ẩn khi xuất hiện trong phòng kín ở tòa chiều 27/6. 

“Trong vụ án hoa hậu Phương Nga , các nhân chứng khác đã thực hiện việc khai báo tại công an, tại tòa. Tại sao bà Mai Phương đã làm việc trực tiếp với cơ quan công an, nhưng khi ra tòa lại được cách ly riêng?

Đến nay vẫn chưa rõ lý do mà bà Mai Phương đưa ra là bản thân hay người thân bị đe dọa, uy hiếp, sẽ bị tấn công, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe…khi ra làm chứng trong vụ án này. 

"Các nhân chứng cần có sự bình đẳng. Trong vụ án các nhân chứng khác như Lữ Minh Nghĩa, Nguyễn Văn Yên đã xuất hiện công khai, trong khi bà Mai Phương lại có đặc cách như vậy, khi lý do chưa rõ ràng. Dư luận có quyền nghi ngờ về tính khách quan, trung thực của nhân chứng Mai Phương?” - luật sư Nam đặt vấn đề. 

Ông Nam cũng cho hay, việc bà Mai Phương xuất hiện theo cách đặc biệt trong phiên tòa chiều 27/6 nên việc thẩm tra nhân thân, lý lịch của bà này chỉ có HĐXX biết, không có sự giám sát của những người khác, của phóng viên báo chí thì liệu có đảm bảo là nhân chứng thực hay không? Có đảm bảo tính khách quan, cũng như trình tự tố tụng tại phiên tòa? 

Về hình ảnh, bà Mai Phương có quyền đề nghị phóng viên báo chí, cá nhân khác không được chụp ảnh mình. Nội quy phiên tòa cũng quy định chủ tọa phiên tòa có quyền thông báo rõ, nếu phóng viên báo chí hay cá nhân nào vi phạm thì sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. 

Luật sư Nguyễn Đức Chánh (công ty luật Đức Chánh, thuộc đoàn luật sư TP.HCM) phân tích, theo khoản a điểm 3 điều 55 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định về người làm chứng có quyền: “yêu cầu cơ quan triệu tập họ bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm…".

Hiện pháp luật chưa có quy định cụ thể việc bảo vệ người làm chứng, nhưng với tư cách là người làm chứng, bà Mai Phương có quyền yêu cầu HĐXX áp dụng biện pháp bảo vệ mình. HĐXX sẽ xem xét, chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của người làm chứng. 

Bà Mai Phương

Các nhân chứng khác đều công khai, đối đáp tại tòa, tại sao bà Mai Phương có đặc cách khi chưa đưa ra lý do rõ ràng? 

Việc bà Mai Phương không xuất hiện trong phiên tòa chiều 27/6 mà trong phòng kín có thể hiểu rằng việc này đã được HĐXX chấp nhận - đây thuộc quyền mà 1 nhân chứng khi ra tòa có thể yêu cầu. Có điều chúng ta chưa thấy lý do rõ ràng là nhân chứng Mai Phương có dấu hiệu bị đe dọa, uy hiếp, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe? 

Ngoài ra, ông Chánh cũng giải thích, cũng theo điều 31 Bộ luật dân sự 2015 quy định quyền của cá nhân đối với hình ảnh. Theo khoản 2 và 3 của điều này quy định, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý…” hay “nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”. Vì vậy hình ảnh của bà Mai Phương được bảo vệ theo quy định pháp luật. 

Dư luận đặt vấn đề, làm sao những người thay mặt cơ quan tố tụng biết đó là một Mai Phương thật ngồi trong phòng kín? Theo luật sư Chánh, trách nhiệm thẩm tra về nhân thân lý lịch của bà Mai Phương thuộc về HĐXX và họ chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc này. 

Còn tại sao cũng là người làm chứng nhưng những người khác như Lữ Minh Nghĩa lại xuất hiện công khai, còn bà Mai Phương lại trong phòng kín, đây có thể do các người làm chứng khác không yêu cầu HĐXX áp dụng biện pháp bảo vệ mình. 

"Vấn đề áp dụng biện pháp bảo vệ người làm chứng thuộc thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng và họ chịu trách nhiệm với quyết định của mình" - ông Chánh nhận định. 

Theo Linh An/Vietnamnet 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Bảo Anh và nguyên tắc trong tình yêu

Đọc nhiều nhất