7 kiểu tính cách tưởng tốt nhưng lại dễ khiến bạn bị đồng nghiệp tránh xa
Tin liên quan
1. Thẳng thắn một cách tàn nhẫn
Trung thực là một trong những tính cách đặc trưng của bạn. Bạn thích sống thành thật với mọi người, không ưa sự dối trá. Tuy nhiên, sự thật không phải lúc nào cũng tốt và những lời nói dối chưa hẳn đã là xấu.
Đôi khi, bạn thành thật đến mức phũ phàng. Những lời nói thật và thẳng thừng của bạn có thể khiến đồng nghiệp mất lòng, thậm chí gây tổn thương. Bạn thấy sự thật là chân lý, nói ra sự thật mới là điều nên làm nhưng điều này thi thoảng lại khiến người khác thấy bạn thật vô duyên.
2. Không thích nói chuyện phiếm
"Cuối tuần của cậu thế nào? Lũ trẻ nghỉ ở nhà ngoan chứ..." là những câu nói chúng ta thường dành cho nhau mỗi khi gặp mặt. Chỉ là những lời hỏi han hay câu chuyện nhỏ về cuộc sống, người hỏi muốn thể hiện sự quan tâm dành cho bạn nhưng bạn lại không thích vậy.
Bạn không muốn lãng phí thời gian để trò chuyện về thời tiết ra sao, cuối tuần thế nào. Với bạn, những câu chuyện phiếm đó rất vô nghĩa và phí phạm thời gian. Bạn muốn tiết kiệm thời gian vàng bạc và đi thẳng vào những vấn đề thực sự quan trọng, những cuộc trò chuyện có mục đích rõ ràng.
Điều này khiến bạn có thể bỏ qua những mẩu chuyện vui vẻ của những người xung quanh, xây nên một bức tường vô hình ngăn cách bạn với họ. Trong mắt nhiều người, bạn lạnh lùng và không thân thiện.
3. Không thông cảm với kiến thức thiếu sót
Kiến thức là vô biên và sự hiểu biết của mỗi chúng ta chỉ là một hạt cát rất nhỏ. Cuộc đời là một hành trình chúng ta không ngừng trau dồi, học hỏi. Bạn là người ưa tìm hiểu song khá khắt khe với những người thiếu kiến thức.
Khi thấy ai đó bị phê bình vì thiếu kiến thức hay kỹ năng, bạn thường thấy giật mình và không muốn làm thân, cố tránh xa những người đó. Bạn không thích những người thiếu kiến thức, thậm chí dễ mất bình tĩnh khi nói về khuyết điểm của một ai đó, khó đồng cảm.
4. Không chịu được những người hay than thở
Bạn thấy thật phiền phức và lãng phí thời gian khi phải làm việc với những người nhạy cảm, hay than phiền, sầu não. Khi ai đó có chuyện, thay vì chia sẻ với họ, bạn nghĩ rằng tốt nhất nên để bản thân họ tự trấn an và tìm cách giải quyết vấn đề của riêng mình. Một vài lời động viên với bạn chẳng thể giải quyết vấn đề mà họ gặp phải.
Bạn là người độc lập và mạnh mẽ song một lời động viên, hỏi han nhau là điều rất nên làm. Sự phớt lờ, thẳng thắn của bạn dễ khiến người khác cảm thấy bạn là người vô tâm và lãnh cảm.
5. Quá khắt khe với chính mình
Sự trung thực, lời nói đi kèm hành động chính là tôn chỉ của bạn. Một khi lời đã nói ra, bạn sẽ tìm mọi cách để hoàn thành nó. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể làm được như bạn.
Sự quá khắt khe với chính mình đôi khi khiến người khác thấy bạn thật khó gần. Họ thấy sự khác biệt, thậm chí là tương phản giữa bạn với họ và e ngại khi kết thân với bạn.
6. Quá cởi mở
Bạn luôn cố gắng trau dồi kiến thức và sẵn sàng học hỏi những điều mới. Bạn sẵn sàng lắng nghe một câu chuyện từ nhiều phía rồi mới đưa ra ý kiến và quyết định. Bạn tạo nên sự khác biệt khi có thể lấy cảm hứng từ những điều xa lạ.
Tuy nhiên, sự mới lạ đôi khi khiến người ta e dè vì vượt qua khỏi vùng an toàn. Khi bạn thách thức cách suy nghĩ của những người xung quanh, họ có thể cảm thấy bị đe dọa và không muốn gần gũi bạn.
7. Có ý chí mạnh mẽ, bảo vệ chính kiến đến cùng
Một khi đã đặt ra quyết tâm, bạn sẽ tìm mọi cách để có thể đạt được nó, ngay cả khi điều đó có thể không phù hợp với những gì người khác đang mong đợi ở bạn. Bạn không phản bác lại ý kiến của tất cả mọi người, giữ nguyên quan điểm, suy nghĩ khác biệt của mình.
Nếu không đạt được mục đích đó, bạn hoàn toàn đủ tự tin để bước tiếp con đường mình đã chọn. Chính điều đó khiến người khác có thể thấy bạn thật lập dị, khó gần.
Theo Phụ Nữ Việt Nam
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất