5 cách giúp bạn bước ra khỏi cái bóng thất bại trong công việc

5 cách giúp bạn bước ra khỏi cái bóng thất bại trong công việc

Thiện Duyên 2017-03-17 14:15
- Bất cứ ai cũng khó tránh khỏi việc phạm sai lầm, nhất là trong công việc. Sai lầm của bạn rất dễ ảnh hưởng đến mọi người, giảm thấp lòng tín nhiệm và đánh giá tích cực từ cấp trên lẫn đồng nghiệp.

Nếu đang ở trong tình cảnh này, bạn hãy điềm tĩnh và khéo léo để bước ra khỏi cái bóng thất bại mà mình phạm phải bằng những cách thiết thực sau:

Chuẩn bị tâm lý sẽ bị phê bình

Khi phạm sai lầm trong công việc, tốt nhất bạn nên ý thức được chắc chắn sẽ bị phê bình khiển trách từ cấp trên hoặc người quản lý để chuẩn bị tâm lý đối mặt.

Sai lầm của bạn có thể sẽ dẫn đến hậu quả bị la mắng thậm tệ, bị giảm lương, hạ chức v.v… Bất luận là kết quả nào, một khi bạn đã có chuẩn bị tâm lý cho tình huống xấu nhất thì sẽ chủ động và vững vàng hơn để cho mọi người thấy lòng trách nhiệm và thiện chí sửa đổi của bạn.

Trước mặt lãnh đạo, bạn cũng sẽ dễ dàng có sự ứng biến khéo léo để không làm tăng thêm ấn tượng xấu hay có những phát ngôn tiêu cực với những sai lầm đã phạm phải.

Bước ra khỏi cái bóng thất bại trong công việc

Can đảm thừa nhận lỗi lầm một cách minh bạch

Cho dù bạn có khả năng che giấu sai lầm của mình hoặc thậm chí là đổ tội cho người khác thì xét về mặt nhân cách lẫn trách nhiệm, bạn cũng không nên làm điều đó.

Hãy thành thực can đảm thừa nhận sai lầm và biết rõ hậu quả đã khiến tập thể ảnh hưởng như thế nào, bày tỏ sự ăn năn và sẵn sàng chịu trách nhiệm.

Lòng thành thực có thể khiến bạn tổn thất tiền bạc, địa vị nhưng ít ra mọi người vẫn nhìn nhận bạn là người làm việc có trách nhiệm. Chắc chắn không ai quá khắt khe và xa lánh một cộng sự biết nhận sai và sửa sai.

Trao đổi với sếp một cách thẳng thắn và chân thành

Hãy nghĩ, trọng tâm chính từ lần sai lầm này bạn đã rút ra được bài học gì. Đây là thái độ khiến cấp trên của bạn dễ dàng chấp nhận sai lầm của bạn hơn.

Hầu hết các sếp sẽ không bao giờ chấp nhận một người đã biết sai mà không học được gì từ đó, thậm chí còn chưa nhận ra mình đã sai ở đâu thì thật tệ.

Cho dù cấp trên có nói vài câu khó nghe khi phê bình, bạn vẫn nên bình tĩnh và trao đổi một cách chân thành. Nếu sau khi nhận lỗi mà bạn quá khó để tìm được cách khắc phục, hãy thẳng thắn hỏi ý kiến và xin được cấp trên chỉ dẫn sao cho để cải thiện kết quả công việc tốt hơn.

Thái độ có trách nhiệm cho thấy bạn không phải là người trốn tránh sai lầm, không viện cớ và biết nỗ lực tìm phương án để giải quyết vấn đề.

Bước ra khỏi cái bóng thất bại trong công việc

Đừng quên nói lời xin lỗi

Mọi sai lầm của bạn trong công việc đều có thể ảnh hưởng đến cả tập thể. Vì vậy, trước khi có hành động để khắc phục vấn đề, điều bạn cần làm là bày tỏ sự ăn năn và nói lời xin lỗi.

Nếu như bạn có điều gì “không phải” với cá nhân nào đó trong cơ quan thì tốt nhất là đích thân gặp trực tiếp người đó để xin lỗi. Không nên gửi mail hay chỉ gọi điện, nhắn tin vì nó không thể hiện hết lòng thành của bạn. Còn nếu sai lầm của bạn ảnh hưởng đến nhiều người thì trong cuộc họp hoặc lúc có đông đủ mọi người, bạn nên đứng ra nhận lỗi.

Không nên hoảng sợ làm bừa

Rất nhiều người khi đã phạm sai lầm trong công việc đều trở nên hoang mang lo sợ, tự ý hành động theo cảm tính để mong “thoát tội”, thậm chí là nghỉ việc để trốn tránh.

Thái độ thiếu chuyên nghiệp này khiến bạn khó thay đổi cục diện mà còn khiến mọi người có cái nhìn tiêu cực hơn về bạn.

Nếu cách giải quyết vấn đề nằm ngoài khả năng của bạn, tốt nhất là nên thừa nhận cái sai và nhờ sự hỗ trợ từ cấp trên, đồng nghiệp để tích cực khắc phục kết quả công việc.

 Thiện Duyên/ Theo familydoctor, myzaker 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Cách dọn sạch nhà thông minh cho các bà nội trợ

Đọc nhiều nhất