20.000 viên thuốc ung thư phải tiêu hủy: Thông quan mất 1 ngày, thủ tục khác mất 1 năm

20.000 viên thuốc ung thư phải tiêu hủy: Thông quan mất 1 ngày, thủ tục khác mất 1 năm

2017-05-07 15:14
- Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM nhận được thư hiến tặng thuốc vào tháng 7/2013, nhưng đến khi xong thủ tục để số thuốc nhập kho là tháng 8/2014 (mất hơn 1 năm).

Tổng cục Hải quan mới đây đã khẳng định việc lô thuốc đặc trị ung thư  Tasigna (nilotinib) 200mg có hạn dùng quá ít khi hoàn thành thủ tục nhập khẩu không phải do hải quan kéo dài thời gian làm thủ tục. 

Đơn vị này nói vì lý do nhân đạo nên nhanh chóng thông quan lô hàng trên trong thời gian 1 ngày kể từ ngày đăng kí tờ khai hải quan. 

Theo thông tin trên tờ Tuổi trẻ, khi 34.608 viên thuốc Tasigna (nilotinib) 200mg được nhập kho của Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM thì hạn sử dụng chỉ còn 10 tháng, dẫn đến còn tồn 19.997/34.608 viên. Gần 20.000 viên thuốc  phải tiêu hủy. Kết luận của thanh tra TP.HCM cho hay, việc tiêu hủy thuốc gây lãng phí 14 tỷ đồng. 

Thời gian bệnh viện nhận được thư hiến tặng thuốc do Công ty Novatis Pharma AG trao tặng là ngày 15/7/2013, nhưng đến ngày 7/8/2014 (hơn 1 năm), thuốc mới được hải quan thông quan. Thời gian kéo dài như vậy là do đâu? 

Tờ Tuổi trẻ cho hay, thanh tra TP.HCM đã kiến nghị giao Giám đốc Sở Y tế kiểm tra làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đến việc chậm trễ lập thủ tục phê duyệt, đề xuất xem xét, hỗ trợ giải quyết cho viện nhận 34.608 viên thuốc Tasigna viện trợ. 

"Giám đốc bệnh viện phải tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến những thiếu sót đã nêu trong kết luận", nguồn trên viết. 

Trên tờ Đời sống&Pháp lý, bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM giải thích, khi một loại thuốc đã được Cục Quản lý Dược cho phép thì thường chỉ mất khoảng 3 tháng là được nhập về Việt Nam. Thế nhưng, với thuốc Tasigna 200mg thì thủ tục khá khó khăn, phức tạp vì đây là loại thuốc mới chưa có ở Việt Nam. 

Ông nói thêm, do Tasigna 200mg là thuốc viện trợ nên phía công ty viện trợ chuyển thuốc có hạn sử dụng không dài so với các loại thuốc khác. 

Cũng theo nguồn trên, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM cho rằng, việc thanh tra kết luận số thuốc bị tiêu hủy gây lãng phí 14 tỷ đồng là chưa đúng theo đơn giá. Viện có sơ suất không kiểm tra kỹ bản dự thảo kết luận của thanh tra TP.HCM gửi về trước khi có kết luận cuối. 

"Tính theo đơn giá thời điểm năm 2015 số thuốc này chỉ có giá trị hơn 3,8 tỷ đồng chứ không phải tính theo đơn giá tại thời điểm thanh tra là gần 14 tỷ đồng", bác sĩ Dũng nói trên tờ Đời sống&Pháp lý. 

Nhìn lại quy trình xét duyệt để lô thuốc viện trợ về được kho của bệnh viện, có thể thấy, ở mỗi khâu lại mất một khoảng thời gian chứ không riêng gì do chậm trễ từ phía bệnh viện. 

Số thuốc trao tặng được sản xuất tháng 6/2013 và hết hạn tháng 5/2015. 

Ngày 15/7/2013 - chỉ khoảng 1 tháng sau ngày sản xuất thuốc thì Bệnh viện Truyền máu - huyết học TP.HCM nhận được thư hiến tặng thuốc từ Công ty Novatis Pharma. 

Nhưng hơn 4 tháng sau, vào ngày 28/11/2013, viện mới có công văn gửi Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế đề nghị được tiếp nhận lô hàng thuốc viện trợ. 

Ngày 12/12/2013, Cục có công văn trả lời không đồng ý để viện tiếp nhận lô hàng, vì thiếu văn bản phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền và một số loại chứng từ khác. 

Ngày 10/3/2014, Sở Y tế TP.HCM có công văn gửi UBND TP.HCM đề nghị được tiếp nhận lô thuốc. 

Ngày 24/6/2014, UBND TP.HCM ban hành quyết định phê duyệt cho Sở Y tế tiếp nhận lô thuốc. 

Ngày 14/7/2014, Cục Quản lý Dược có công văn đồng ý để viện tiếp nhận lô hàng. Trong đó nêu rõ "hạn dùng còn lại kể từ ngày cập cảng Việt Nam không được dưới 12 tháng". 

Ngày 23/7/2014, lô hàng được xếp lên máy bay để vận chuyển sang Việt Nam. Ngày 6/8/2014 lô hàng được mở tờ khai hải quan và được thông quan sau đó 1 ngày. 

Như vậy, khi hoàn tất các thủ tục để lô thuốc viện trợ được xếp lên máy bay về Việt Nam vào tháng 7/2014 thì hạn sử dụng thuốc không còn đủ 12 tháng (hết hạn tháng 5/2015), không đáp ứng quy định của pháp luật trong nước. 

Cụ thể, theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 45/2011/TT-BYT và Khoản 3 Điều 2 Quyết định số 42/QĐ-TTg thì thuốc viện trợ, viện trợ nhân đạo, thuốc hiếm, thuốc cho nhu cầu điều trị của bệnh viện có hạn dùng lớn hơn hoặc bằng 24 tháng, hạn dùng còn lại của thuốc phải còn tối thiểu 12 tháng kể từ ngày đến cảng Việt Nam. 

Bệnh viện đã phải giải trình và xin được thông quan vì lý do nhân đạo. 

Thời gian từ khi phía viện nhận thư tặng thuốc cho đến khi thuốc về Việt Nam là 1 năm. Khoảng thời gian 1 năm này theo báo Hải quan thì số thuốc vẫn nằm ở nước ngoài.  Trong 1 năm đó, nơi nhận thuốc và các cơ quan quản lý có nhiều văn bản trao đổi, xin ý kiến để ra quyết định cuối cùng về việc tiếp nhận thuốc. 

Theo T.Công/Soha

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Người cần sẽ đến, người phải đi sẽ đi

Đọc nhiều nhất