Mẹ trẻ 8x bận kinh doanh vẫn trồng rau quả, nuôi gà trên sân thượng
Tin liên quan
Ngắm khu vườn đa dạng với đủ các mô hình trồng rau, chăn nuôi khiến không ít người cảm thấy ngưỡng mộ, khâm phục. Bởi hàng ngày chị Lưu Thu Hương (Hà Nội) khá bận bịu với công việc kinh doanh, thêm việc chăm sóc gia đình cùng hai con nhỏ, nhưng chị vẫn cố gắng tranh thủ thời gian sớm khuya để chăm sóc khoảng vườn của mình thêm xanh tươi, mát mắt.
Nếu có lần được đến thăm khoảng vườn trên mây này, hẳn ai cũng sẽ cảm thấy thích thú khi biết chị Hương trồng được khá nhiều rau sạch, cây ăn quả, cây leo giàn và nuôi cả gà, cá và thỏ.
Một góc vườn xanh mát của gia đình chị Thu Hương
Chị tận dụng sàn sân thượng và lắp đặt thêm giàn kim loại phía trên để trồng rau, trái
Chủ nhân của khu vườn
Chị Thu Hương cho biết, chị đã bắt đầu sự nghiệp trồng rau sạch trên sân thượng được khoảng 1 năm rưỡi. Lúc bắt đầu trồng, chị cũng chưa có nhiều kinh nghiệm nên khá lúng túng trong việc chọn mua giống rau, trộn đất. Rau chị trồng không lên tươi tốt khiến không ít lần chị cảm thấy nản chí vì tốn khá nhiều công sức và chi phí bỏ ra khá nhiều nhưng không thu lại được thành quả như mong muốn. Khi mới trồng chị mua thùng xốp về trồng rau, do chưa biết cách trồng rau trong thùng xốp nên chị tự đục lỗ theo cách tự nghĩ ra khiến phân bón bị trôi khi tưới nước, đất lại nhanh khô khiến chị phải mất nhiều công tưới.
Bên cạnh đó, cả gia đình chị không ai ủng hộ việc trồng cây trên sân thượng vì sợ bẩn nhà, nặng trần. Chị cũng gặp nhiều vất vả khi phải tự tay vận chuyển thùng xốp và vác từng bao đất lên sân thượng. Chị Hương kể lại, ban đầu cũng không biết mua đất ở đâu nên chị đã ra vườn quất để lấy đất, xem nhà ai đào móng nhà để xin xúc đất về. Sau khi vác đất đủ dùng cho khoảng 20 thùng xốp thì chị biết được địa chỉ mua đất. Lúc này chị mới nhờ được người vận chuyển đất từ nơi bán lên sân thượng nhà mình. Sau khi mua đất về, chị tiếp tục phơi và rắc vôi bột trước khi trồng cây.
Rau lên xanh tốt
Chị trồng mùa nào thức nấy
Giàn mướp đắng
Quả trĩu trịt
Chị Hương chia sẻ, trồng rau mới thấm hết được những vất vả, nhọc nhằn của người nông dân sân thượng. Để có rau sạch cho bữa ăn gia đình là cả một câu chuyện dài, với đủ gian nan vất vả, với đủ mồ hôi và công sức không thể nào kể hết. Nhiều đêm mưa, chị lại phải dậy để xúc đất vào chậu.
Công việc kinh doanh lại khá bận bịu, mọi người không ai ủng hộ khiến nhiều lúc chị muốn dẹp bỏ hết nhưng với tình yêu cây cối, đam mê trồng trọt lại khiến chị muốn được tiếp tục và muốn gây dựng nên khoảng xanh đẹp mắt và ngọt lành cho gia đình.
Bầu chị trồng cũng khá sai quả
Niềm vui của chị là được ngắm nhìn thành quả của mình
Khi 'sự nghiệp' vác đất trồng rau bắt đầu ổn, chị Thu Hương lại tiếp tục gặp khó khăn trong việc chở từng bao phân bón, từng cân lân, từng cân vôi bột suốt những buổi trưa nắng. Không chỉ vất vả mua và vận chuyển về nhà, chị Hương còn phải nói dối chồng đi tập yoga để lên tận chợ Bưởi đèo phân mua cây con, hạt giống về nhà.
Lúc đầu thùng xốp bị đục lỗ nhiều, khi tưới nước bị chảy hỏng hết sàn gạch làm chị hì hụi tất bật quét dọn nước bẩn. Tuy nhiên nếu không tưới cây lại không đủ nước. Trước tình trạng khá nan giải này, chị Hương đã tìm hiểu trên internet và học được cách cho những chai nhựa đã đục lỗ xung quanh nhưng đậy nắp lót dưới gầm thùng để chứa nước và đục 2 lỗ cao hơn mặt đáy thùng 15cm để nhét những vỏ chai đục lỗ không đậy nắp để thoát khí.
Khi trồng rau chị cũng trộn phân trùn quế, trấu hun, một ít phân vi sinh và tưới nước vo gạo. Với các loại cây ăn quả, chị Hương thường trộn thêm phân bò, xỉ than, trấu hun và phân trùn quế. Vào từng giai đoạn phát triển của cây, chị Hương lại tưới thêm nước có pha đạm phân lân giúp cây có đủ chất dinh dưỡng để phát triển. Ngoài rau và cây ăn quả, chị Hương còn trồng thêm vài chậu hoa để khu vườn trên sân thượng của gia đình chị thêm hương sắc.
Dưa chuột
Mỗi góc sân thượng lại được chị trồng một loại cây khác nhau
Su su
Ớt
Chị Lưu Hương tâm sự: 'Vì gia đình không ủng hộ nên mình phải dựa thời cơ khi bố mẹ chồng đi du lịch để tháo mái tôn lắp mái nhựa. Trồng cây với mình không khác gì đi ăn trộm. Lúc nào cũng trong trạng thái phải rón rén hồi hộp sợ bị phát hiện. Mình phải chờ lúc buổi trưa cả nhà ngủ để vác đất, vác phân, vác cây lên gác. Bố mẹ chồng thì rất dễ tính nhưng ông bà không muốn mình vất vả vì công việc con cái cũng quá bận'.
Chị Hương cũng chia sẻ về kinh nghiệm trồng cây của mình. Đó là trồng cây rau và ăn trái quan trọng nhất là khâu làm đất, phòng sâu bệnh. Chị thường phải phơi đất cả tuần, rắc vôi và trộn đầy đủ trấu hun, xỉ than, phân trùn quế hoặc vi sinh, phân gà mỗi thứ 1 ít, lót phân bò cho cây ăn trái. Nếu trồng rau thì chỉ cần trộn vi sinh hoặc trùn quế, thấu hun cho đất tơi xốp.
Chị Hương thường ngâm đinh hương, gừng, tỏi, ớt với rượu hoặc thuốc lào pha với nước tưới cho cây trị sâu bệnh. Khi cây còn non thì xịt để xua đuổi côn trùng. Cũng có nhiều lúc chị chủ quan không phòng ngừa sâu bệnh, lại thêm bận bịu công việc hàng ngày nên sâu ăn hết cả chậu rau.
Chanh
Khế trĩu quả trên cành
Lúc lỉu từng chùm
Con chị cũng rất thích được cùng mẹ chăm sóc vườn cây trên sân thượng
Để việc trồng rau đỡ vất vả hơn, thời gian gần đây chị Lưu Thu Hương đã tìm hiểu và quyết định đầu tư hệ thống trồng rau nuôi cá, không cần làm đất bón phân, tưới tự động, rau lại nhanh lớn. Hệ thống tự động này còn trồng được cả bí đỏ, bầu, mướp. Chị chỉ việc bỏ chút thời gian cho cá ăn là vừa nuôi cá cho gia đình vừa có rau ăn hàng ngày.
Bên cạnh đó, chị Hương còn đầu tư cả tháp rau, chứa rác nhà bếp như cọng rau, vỏ trái cây làm phân hữu cơ ở giữa tháp bón trực tiếp cho cây. Chị chỉ mất công trộn đất với phân trùn để lấy trùn ăn rác nuôi cây. Ngoài ra, chị Hương còn mua thêm chậu ghép để trồng cây ăn quả như xoài, hồng xiêm, đu đủ, nho... Ưu điểm của chậu ghép là khá bền và đẹp, lại có thể chủ động lắp ghép với tiết diện phù hợp giúp cây ăn quả có nhiều đất phát triển.
Đu đủ
Cóc
Chanh
Xoài
Bên cạnh việc trồng rau, cây ăn quả, chị Hương còn dành một khoảng diện tích sân thượng để nuôi gà lấy trứng, và dùng phân gà để ủ phân bón cho cây. Chị thiết kế chuồng dốc để gà đẻ trứng có thể lăn được ra ngoài, không lo gà làm vỡ trứng. Chị thường cho gà ăn lúa, ngô và rau. Trên sân thượng khá nóng nên chị thường để ý bổ sung nước cho gà liên tục, lấy vải thấm ướt nước phủ chuồng gà để gà không bị nóng. Phân gà chị thường sử dụng để ủ nấm Tricodema hoai mục 1 tháng mới bón cho cây.
Chị Hương chia sẻ, trồng rau không chỉ để cả nhà có nguồn thực phẩm sạch ăn hàng ngày mà tạo nên khu vườn để chị giải tỏa những mệt mỏi, lo toan của cuộc sống. Sân thượng cũng là nơi để chị dạy con biết yêu thiên nhiên, yêu cây cối, yêu thành quả lao động của mình làm ra.
Sau những khó khăn và vất vả, hiện tại chị Hương cảm thấy khá hài lòng với cuộc sống cũng như cảm thấy vui hơn khi được gia đình ủng hộ. Chị còn tham gia diễn đàn trồng rau sạch để học hỏi kinh nghiệm. Ở đây, chị còn có thêm nhiều bạn mới cùng trồng rau, chia sẻ kinh nghiệm trồng rau và cây trái. Được tâm sự học hỏi với những người cùng đam mê khiến chị rất hạnh phúc. Đó là nguồn động lực để chị có thể chăm sóc cây cối tốt hơn và cảm thấy cuộc sống có thêm nhiều niềm vui, ý nghĩa hơn.
Chị Hương thường mời bạn bè, những người có cùng đam mê đến nhà thăm vườn rau của mình để chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt
Hệ thống tự động được chị đầu tư để đỡ vất vả trong khâu chăm sóc
Chuồng gà nhà chị Hương
Chuồng thỏ
Minh Hà
Chia sẻ căn nhà hoặc vườn đẹp của bạn tại đây.
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất