Bí quyết để siêng vào bếp của cô nàng độc thân vừa tiết kiệm lại ngon cơm

Bí quyết để siêng vào bếp của cô nàng độc thân vừa tiết kiệm lại ngon cơm

2021-07-20 11:00
- Chị Phạm Trúc Ly (32 tuổi) hiện đang sống ở Thành phố Hồ Chí Minh đã chia sẻ bí quyết để bản thân siêng vào bếp để nấu những bữa cơm nhà đủ vị.

Dù sống một mình nhưng chị Ly có bí quyết riêng làm động lực chăm chút bữa ăn cho mình. Thỉnh thoảng bạn bè thèm cơm nhà thường ghé nhà chị Ly thưởng thức những món ngon do chị nấu. 

Chị Trúc Ly chia sẻ: " Mọi người hay hỏi mình tại sao mình ở một mình mà hay nấu "cơm nhà" vậy? Theo mình thấy thì nấu ăn không khó, một mâm cơm mình thường nấu đủ 3 món mặn - canh - rau nhưng sử dụng nguyên vật liệu chéo bữa ăn cho đỡ ngán và không bị trùng món (cũng áp dụng vậy khi nấu các món chay); cứ thèm ăn gì thì nấu thôi.  

Rất nhiều bạn vì lý do công việc ngại vào bếp, riêng mình thì áp dụng vài nguyên tắc riêng sau thời gian "tự nấu theo ý mình" và quan sát, rút ra kinh nghiệm mà mình nghĩ rằng cũng đang nhiều bạn áp dụng cách này. Mình tin rằng nếu biết sắp xếp thời gian thì sẽ không ngại vào bếp đâu".  

Thực phẩm mua về được chị Ly phân loại, sắp xếp hợp lý để dễ tìm mỗi khi vào bếp  Bí quyết: Mua đúng - mua đủ nhu cầu bản thân  

Đây là yếu tố giúp xác định đi chợ nên mua những gì và từ đó kết hợp nhiều cách chế biến để tiết kiệm thời gian cũng như không mua lãng phí. Ghi lại đang thèm ăn gì, món đó có gì trước khi đi chợ/siêu thị để "mua đúng - mua đủ". 

"Ví dụ hôm nay mua một miếng thịt ba chỉ to, do ở một mình nên mình sẽ nghĩ ra nhiều món cho 2-3 bữa: 1 ít sẽ kho nước dừa hoặc rim cùng tôm/ kho cá cho bữa trưa, còn buổi chiều tối sẽ luộc cuốn bánh tráng hay chấm tôm chua cho đỡ ngán. 

Còn một phần thịt nhỏ, chừa lại để sáng mai nấu bánh canh/mì ăn sáng trước khi đi làm; và tất nhiên là phần nước dùng bánh canh/ mì sử dụng từ nước luộc thịt chừa lại", chị Ly chia sẻ. 

Những loại rau được chị Ly tự trồng ở ban công 

Còn về tôm cá, nếu chưa sử dụng ngay, chị Ly sẽ bỏ vào các hộp trữ đông chuyên dụng, thay đổi món ăn từ rim/ chiên/ kho/ lẩu cho đa dạng bữa ăn mà không bị ngán cơm nhà, có thể dán các giấy note lên trên hộp đó dùng nấu những món gì, mua ngày nào. 

Hoặc nếu 1 quả bầu lớn, chị Ly có thể chia 1 nửa nấu canh tôm, hoặc nấu chung nước luộc thịt. Còn 1 nửa quả có thể dùng luộc chấm kho quẹt làm từ ít thịt ba chỉ và tôm khô.. 

Nếu mua 1 con gà, chị Ly sẽ chia nhiều phần: Phần cổ cánh nấu canh, 1/2 thân nướng, 1/2 thân mình ram/ luộc hoặc ram/ nướng/ chiên 1/4 để ăn với xôi thay vì không muốn ăn cơm, còn bộ lòng xào hay nấu miến ăn sáng. 

Chị Ly còn trồng rau ở ban công để tiết kiệm tiền lại có rau sạch ăn 

Còn chả cá, sườn non nấu bánh canh/ bún ăn sáng mua 1 lần người ta bán miếng to quá, chị Ly cũng chia nhỏ ra. Chả cá ăn bánh canh ngán thì chị Ly rim tí mắm tỏi ăn đổi vị. 

"Nếu rảnh rỗi cũng có thể ướp rửa, cắt tỉa hoặc sơ chế sau khi mua về để tiết kiệm thời gian nấu nướng cho bữa sau", chị Ly nói thêm. 

Có một bí quyết cũng rất hay ho: "Dán lên tủ lạnh những gì đang có trong tủ lạnh", để lúc đi ra căn bếp thì thấy có những gì để biết nên nấu món gì hoặc biết còn thiếu gì mà đi mua thêm, tránh mua lãng phí. (Nhờ vậy sẽ không mua dư đồ dù đã có sẵn món đó trong tủ lạnh). 

Đa phần đi chợ/ siêu thị thì mình chỉ mua thịt, hải sản, củ, quả, còn rau ăn lá thì được trồng trên ban công. 

Căn bếp luôn gọn gàng, sạch sẽ cũng là bí quyết để chị Ly siêng vào bếp Bí quyết: "Nấu nhanh - Dọn sạch". 

Theo chị Ly, nhiều người chọn phương án "đi ăn ngoài" cho nhanh vì đỡ phải lỉnh kỉnh vào bếp hay rửa bát. Do đó, nấu nhanh là 1 trong những yếu tố đặt lên hàng đầu để chị Ly cảm thấy việc bếp núc không quá chiếm nhiều thời gian và lại có thêm nhiều động lực vào bếp. 

"Nấu nhanh": 

Chị Ly cho biết, "nấu nhanh" không phải là rút ngắn thời gian cần nấu cho 1 món ăn, mà là việc sắp xếp khi nấu nhiều món. Có nhiều bạn thường dành 2-3 tiếng vào bếp, nấu xong thành ra ngán nấu luôn. Nếu biết sắp xếp 1 tí thì sẽ rất nhanh gọn.  

Bình thường chị Ly chỉ tốn 20-30 phút nấu trên 2 bếp cho 1 bữa ăn đủ 3 món xào - mặn - canh nếu đã sơ chế đồ ăn trước.- Khi bắt đầu nấu phải lưu ý nấu món nào lâu trước.  

Ví dụ trong khi ngâm rau để rửa nước muối thì chị vo gạo, bật nút (nước vo gạo tận dụng tưới rau ban công, đảm bảo luôn có rau sạch ăn). Sau đó là bắt đầu nấu món kho/ hầm. Chị Ly thường sử dụng song song 2 bếp để tiết kiệm thời gian nấu. Khi đun bếp liu riu để cho món hầm/kho đó thì chị chuyển qua bắt nước sôi nấu canh tại bếp còn lại.  

Sau khi nấu món canh xong thì xào. Lúc xào xong thì món hầm/kho cũng vừa đủ mềm để dùng, và khi đó canh cũng bớt nóng để có thể bưng ra bàn cho 1 mâm cơm đầy đủ. Lúc này thì cơm cũng đã vừa kịp chín. 

"Dọn sạch" 

Chị Ly ở 1 mình nên không sắm máy rửa bát cho tiết kiệm, tuy nhiên để có thể chăm vào bếp hơn thì cách: "làm đến đâu dọn đến đó". Nhiều người ngại nấu vì phải dọn, phải bày ra.  

Nhưng khi nấu đến đâu, dọn đến đó thì cũng tạo được cho mình 1 thói quen tốt, nhìn bếp ít đồ hơn, không gian bếp sạch sẽ khiến mình hứng thú nấu hơn, chăm chút cho từng món ăn hơn. Đồng thời cũng tiết kiệm được thời gian dọn dẹp sau bữa ăn. Bếp sạch cũng khiến mình chăm vào bếp hơn. 

Những mâm cơm nhà do chị Ly nấu 

 

Theo Dân Việt

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Top 4 cung hoàng đạo xinh đẹp ngời ngời lại tài năng xuất chúng khiến ai cũng ngưỡng mộ

Đọc nhiều nhất