Thanh niên 'hồn nhiên' cho lon nước ngọt có gas vào ngăn đông lạnh và cái kết hú vía
Tin liên quan
Nhiều người thích đồ uống lạnh thích để nước ngọt hoặc bia vào trong ngăn đá để cho nhanh mát. Tuy nhiên, hành động tưởng chừng vô hại này lại có thể làm cho nước uống của mình nổ tung không khác gì bom.
Điển hình như câu chuyện cô nàng D.P mới chia sẻ dưới đây:
"Sáng sớm ngủ dậy, chồng bảo: 'Tí em mở tủ lạnh đi có cái hay lắm đó'.
Mình tò mò đi ra mở tủ lạnh liền. Ối trời đất ơi, hay ghê gớm luôn. Hóa ra đây là hậu quả của việc tối qua ổng muốn lon nước ngọt nhanh lạnh nên để trong tủ đá rồi quên mất.
Giờ dọn mệt nghỉ luôn. Nhưng ai biết nguyên nhân vì sao lại như vậy không, lý giải giúp mình với ạ".
Cảnh tượng tủ lạnh ngăn trữ đông sau khi chính chủ mở ra.
Qua hình ảnh chủ nhân chia sẻ, có thể thấy ngăn trữ đông tủ lạnh bị dính đầy các mảng bám màu nâu do nước ngọt bị bắn tung tóe ra ngoài. Chiếc lon bị biến dạng với phần nắp "không cánh mà bay", còn nước ngọt bên trong chẳng còn là bao.
Ngay sau khi đăng tải, bài viết nhanh chóng nhận về nhiều bình luận. Ngoài những lời an ủi "chính chủ" sẽ mất thời gian lau chùi lại tủ lạnh, số khác còn cảnh báo về mức độ nguy hiểm khi cho nước ngọt vào ngăn đá.
Lon nước ngọt chính là thủ phạm.
Dưới đây là một số bình luận nổi bật:
- Trước mình cũng để quên bình nước detox trong ngăn đá rồi bị nổ tung, vỡ tan tành chai thuỷ tinh.
- Các lon, chai nước ngọt có gas không chịu được áp lực nở ra của khí gas. Đầu tiên khi nước ngọt bị đông đá, khối lượng của nó sẽ tăng lên khiến chiếc lon bị biến dạng và cuối cùng là ... bùm nha bạn .
- Bật nắp ra rồi mới cho vào chứ? Muốn lạnh nhanh tức là muốn uống ngay mà không muốn bật nắp luôn. Cho chai thủy tinh vào cũng vỡ.
- Ông chồng thật hài hước nha, đúng là không dại nào bằng dại này.
- May chưa nổ rách mặt đó.
Cảnh báo
Việc bỏ lon nước ngọt vào ngăn đá tủ lạnh được cảnh báo gây hậu quả khôn lường. Hành động này có thể làm cho lon nước nổ tung, không khác gì bom. Nguyên nhân là khi được đặt trong nhiệt độ lạnh (dưới 0 độ C), lon nước ngọt có gas (kể cả chai thủy tinh) khó có thể chịu được áp lực nở ra của khí gas.
Nước ngọt dần bị đông đá, khối lượng sẽ tăng lên khiến chiếc lon bị biến dạng và cuối cùng phát nổ. Ngoài ra, ở nhiệt độ dưới 0 độ C, các loại nước có gas này có thể còn một phần tồn tại ở dạng lỏng do nhiệt độ đóng băng đã bị giảm xuống.
Khi mở lon nước, quá trình giải phóng lượng carbon dioxide hòa tan trong nước bắt đầu. Do một phần nước vẫn ở dạng lỏng nên áp lực nước thoát ra ngoài sẽ rất mạnh, cùng với khối lượng bị gia tăng từ trước sẽ khiến quá trình này xảy ra mạnh mẽ, dễ gây ra các tai nạn khó ngờ.
Vì thế, bạn chỉ nên bảo quản nước ngọt có gas trong ngăn mát tủ lạnh, ở vị trí dành cho đồ uống và nước đóng chai. Còn nếu muốn làm lạnh nhanh, chỉ nên đặt trong ngăn lạnh với một thời gian ngắn, như vậy sẽ đảm bảo an toàn cho bạn và mọi người xung quanh.
Theo Vietnamnet
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất