Trời nồm, ẩm ướt, sản phụ và bà bầu nhớ bí quyết này để không bị nhiễm lạnh

Trời nồm, ẩm ướt, sản phụ và bà bầu nhớ bí quyết này để không bị nhiễm lạnh

2017-03-17 17:23
- Thời tiết chuyển mùa, nóng lạnh thất thường khiến cơ thể dễ bị nhiễm lạnh dẫn đến mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, nhất là đối với những người có hệ miễn dịch kém như phụ nữ mang thai và sau khi sinh con.

 Dễ nhiễm lạnh do sức đề kháng suy giảm  

ThS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, thời tiết mùa Đông - Xuân thường lạnh, ẩm. Không khí lạnh dễ làm tổn thương niêm mạc đường hô hấp, từ đó làm giảm sức đề kháng của cơ thể, giúp một số mầm bệnh dễ xâm nhập. Trong môi trường lạnh và ẩm, các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp thường tồn tại lâu hơn. Do đó, giao mùa Đông - Xuân nhiều người dễ mắc bệnh hô hấp và truyền nhiễm. Bệnh nhân thường bị đau họng, chảy nước mũi, khó thở, tiết nhiều nước mắt, đau các khớp, sốt, ngạt mũi và ho.  

Các bác sỹ cho biết, theo ước tính có khoảng hơn 100 loại virus gây bệnh cảm lạnh. Hiện nay, trên thế giới chưa có vaccine phòng ngừa cảm lạnh. Vì vậy, vào mùa lạnh, việc chủ động phòng ngừa bệnh là việc làm thiết thực nhất để tự bảo vệ bản thân khỏi các tác nhân gây bệnh.  

trời nồm

Bà bầu cần giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng và vận động thường xuyên để tránh nhiễm lạnh cho cơ thể. Ảnh minh họa   

Theo các chuyên gia, phụ nữ mang thai và sau khi sinh con, hệ miễn dịch thường bị suy giảm. Do vậy, họ thường dễ nhiễm các loại bệnh như cảm cúm, ho, sổ mũi và sốt, đặc biệt là khi nhiệt độ xuống thấp hoặc thời tiết thay đổi đột ngột.  

Đối với phụ nữ mang thai, các triệu chứng của cảm lạnh khác nhau và tùy theo mức độ nhiễm lạnh nặng hay nhẹ. Thông thường, thai phụ có thể bị sốt nhẹ. Nếu ở mức độ nhẹ (hơi sốt 37,5 độ C) có thể không hoặc ít khi ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên, nếu sốt kéo dài và  sốt cao (38 độ C trở lên) thì sẽ gây hại như sẩy thai, đẻ non, nhiễm khuẩn huyết thai kỳ, thai chết lưu, hoặc để lại di chứng về sau cho bé… Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố cơ địa của người mẹ.  

Theo PGS.TS Trần Quốc Bình, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, đối với phụ nữ sau sinh, bộ máy hô hấp kém nên gặp lạnh dễ mắc bệnh. Theo Đông y, cảm lạnh do bị ngoại cảm xâm nhập, gây ra phong hàn hoặc phong nhiệt. Đối với thể phong hàn, thường thấy đau đầu và khớp xương, họng ngứa, chảy nước mũi loãng, có thể sốt hoặc không. Thời gian đầu thường bị đau đầu, họng đau, miệng khô, hắt hơi nhiều, ho có đờm...  

Ngoài ra, theo quan niệm dân gian, phụ nữ sau sinh thường được ví như được sinh ra lần thứ hai hay còn gọi là quá trình “lột xác”. Tức là sau sinh, sức khỏe thường yếu do  do mất sức, đau đớn khi vượt cạn. Sau đó là sự thay đổi giấc ngủ, ăn uống do phải chăm con, cho con bú... Do vậy, sản phụ thời kỳ này rất dễ mẫn cảm và hay gặp các vấn đề dị ứng do thay đổi thời tiết...  

Giữ ấm cơ thể, ăn đủ chất, vận động thường xuyên  

PGS.TS Trần Quốc Bình tư vấn, để phòng chống cảm lạnh, phụ nữ mang thai và sau khi sinh con cần chú ý việc giữ ấm cơ thể.Việc tắm gội nên thực hiện nhanh trong phòng kín gió, tối đa khoảng 10-15phút.  

Sau khi tắm, các chị em cần lau khô người bằng khăn bông mềm và mặc quần áo ấm để tránh bị lạnh.  Khi ngủ đắp chăn ấm để tránh bị viêm họng. Không dùng thức ăn lạnh vì sẽ gây rối loạn tiêu hóa, ruột bị kích thích như viêm đại tràng sau đẻ, đầy bụng, khó tiêu.  

Nghiên cứu cho thấy, phụ nữ mang thai nếu thường xuyên tắm hơi hoặc tắm nước quá nóng sẽ làm cho thai nhi có nguy cơ bị di tật thần kinh bởi nhiệt độ cao làm thay đổi nội tiết và nhiệt độ cơ thể, gây ảnh hưởng trực tiếp tới thai nhi.  

Do vậy, trong những ngày nhiệt độ không khí xuống thấp, các gia đình có phụ nữ mang thai và sản phụ nên sắm các thiết bị sưởi ấm như quạt sưởi, đèn sưởi. Nhưng cần lưu ý, tránh dùng chăn điện do sóng điện từ phát ra trong quá trình sử dụng có thể gây ra những tác động xấu đối với thai nhi nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ và có thể gây hại đến đến làn da nhạy cảm của trẻ sơ sinh.  

Ngoài ra, phải giữ nhiệt độ phòng luôn ấm áp và thoáng mát (25-27 độ C). Tuy nhiên, cần chú ý tránh gió lùa và không khí ẩm ướt vì hệ miễn dịch của bà bầu khá kém, dễ bị cảm lạnh dẫn tới động thai hoặc sinh non...  

Khi đi ra ngoài, các bà bầu cũng nên chú ý giữ ấm cơ thể. Bà bầu có thể nóng, đổ mồ hôi lúc đi lại nhưng không nên cởi áo ngay lúc đó vì không khí lạnh và khô bên ngoài sẽ thúc đẩy quá trình thấm ngược mồ hôi vào cơ thể gây ra cảm lạnh.  

Các chuyên gia lưu ý, đối với phụ nữ mang thai và sản phụ sau sinh, cần có chế độ ăn uống hợp lý, đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho sự phát triển của thai nhi và đủ lượng sữa cho con bú. Trong mùa lạnh, tốt nhất không nên ăn các thực phẩm để nguội, vì khi đó, vi khuẩn rất dễ xâm nhập, gây hại đến đường tiêu hóa. Ngoài ra, việc tăng cường tập luyện các bài tập đơn giản như yoga, đi bộ… sẽ giúp thai phụ và sản phụ nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng, chống lại các virus gây hại cho cơ thể.  

Không tự ý dùng kháng sinh  

Nhiều trường hợp phụ nữ mang thai và sau khi sinh con khi bị cảm lạnh đã tự ý mua các loại thuốc kháng sinh, hạ sốt về uống mà không có chỉ định của bác sỹ. Điều này hết sức nguy hiểm, bởi kháng sinh chỉ tiêu diệt hoặc kìm hãm được các vi khuẩn chứ không chữa dứt điểm, khiến bệnh diễn tiến nặng hơn, làm tăng tình trạng kháng thuốc.  

Bên cạnh đó, tuyệt đối không nên xông nước lá, vì có thể khiến nhiễm lạnh vào tạng phủ. Nếu ra mồ hôi đầm đìa hay mồ hôi trộm, càng không nên xông vì cơ thể đã mất nước, lỗ chân lông giãn nở ra. Xông càng làm cho cơ thể mất nước nhiều hơn, gây nguy hiểm đến tính mạng.   

   

 

Phòng cảm lạnh khi nhiệt độ xuống thấp  

Các chuyên gia khuyến cáo, để phòng trừ cảm lạnh khi nhiệt độ xuống thấp hoặc thời tiết thay đổi khi giao mùa, cần lưu ý các việc sau:  

- Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, đặc biệt sau khi tiếp xúc ở nơi công cộng, nơi đông người;  

- Khi bị cảm lạnh, không nên sờ vào mắt, mũi, miệng khi tay chưa sạch, giúp hạn chế tối đa sự xâm nhập của virus có hại. Để bảo vệ sức khỏe phải luôn giữ ấm cơ thể, mang tất chân, găng tay, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.  

Tạo thói quen che miệng khi sổ mũi, hắt hơi và vứt khăn giấy đã dùng đúng nơi quy định.  

- Đối với trẻ em, các mẹ nên cho bé bú sữa nhiều hơn, uống nước nhiều hơn khi bé bị cảm lạnh. Không nên cho con uống thuốc bừa bãi mà cần có tư vấn của bác sỹ chuyên khoa.  

- Tăng cường chất dinh dưỡng và vitamin C: Uống một cốc nước cam mỗi ngày là cách bổ sung vitamin C hiệu quả giúp phòng chữa cảm lạnh.  

- Tránh thức khuya, ngủ đủ giấc.   

 

Theo Mai Thùy /Báo Gia đình & Xã hội  

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


3 con giáp hào phóng, không ngại thử thách bản thân, hậu vận giàu sang, viên mãn, thóc lúa đầy bồ

Đọc nhiều nhất