Thương mẹ, đừng quá muộn màng...
2014-10-27 12:25
- (Em đẹp) - Bởi mẹ cũng chỉ sống có một lần thôi, nếu ta mắc lỗi, sẽ khó mà chuộc lại...
Tin liên quan
Trời vừa chuyển về chiều mà chỉ còn chút nắng bàng bạc, hanh hao. Con đường dài mỏi mệt giữa khói bụi mịt mù và tiếng còi xe nhức óc. Bóng một người mẹ liêu xiêu, loạng choạng đầy khó nhọc rồi từ từ đổ gục xuống đường, tiếng pê-đan sắt của chiếc xe đạp va vào lòng đường nhựa lanh lảnh, khô khốc rồi lặng im.
Tiếng đứa bé gái hét lên gọi mẹ thảm thiết, xoáy sâu vào không khí vốn đã mang chút ảm đạm của ngày cuối Thu…
3 hôm sau,
Thằng bé quơ tay tận đáy thùng gạo, đong 1 lon đầy để nấu bữa tối cho đứa em nhỏ. Chần chừ một lúc, nó bớt lại nửa lon rồi tặc lưỡi, chỉ nó với em, ăn chừng ấy là đủ. Thế nhưng lúc cho gạo vào nồi nó lại bần thần, và quyết định vét nốt chỗ gạo còn lại để nấu cơm. Ừ, thì cũng phải nấu dư một chút để mời mẹ về ăn cùng chứ, mẹ mới mất 3 ngày, nó không muốn quên mẹ nhanh thế…
Dẫu rằng những ngày trước đây, nó chẳng thèm mảy may nghĩ gì tới mẹ và đứa em “khốn khổ” lúc nào cũng thẩn thơ với cái bụng chưa bữa nào được no đủ. Trong khi nó lúc nào cũng ê hề kẹo bánh và những thứ đồ ăn ngon lành. Vì nó ở với bố, mà bố thì giàu có chứ chẳng "rách rưới" như mẹ. Thế nên từ khi chuyển về với bố, nó lúc nào cũng vênh mặt lên với sự giàu sang của mình chứ chẳng còn cảm thấy tui tủi với những bộ quần áo nhàu nhĩ trước đây – lúc còn sống với mẹ và em.
Mẹ nó thì nghèo, nghèo lắm! Từ khi lớn lên nó đã thấy như vậy. Người ta bảo số mẹ lận đận, vì sau một lần bị tai nạn khiến khuôn mặt biến dạng và một chân tật nguyền, bố đã tìm mọi cách để ly hôn. Và để giành được quyền nuôi hai đứa con – là nó và em – mẹ chấp nhận gật đầu, kí tên để phần tài sản khổng lồ mà ông ngoại quá cố để lại thành sở hữu của bố, với một lời hứa suông rằng sẽ chu chấp tiền hàng tháng để nuôi anh em nó. Thế nhưng, có được tiền bạc trong tay, bố nó cưới ngay một cô vợ mới xinh như hoa hậu để về sống cùng trong căn biệt thự trên phố, mẹ con nó phải chuyển về sống trong chính căn nhà cũ của bố - căn nhà cấp 4 tồi tàn và chật hẹp.
Ngày bé, nó chẳng bận tâm đến chuyện giàu nghèo, sang hèn. Nó vô tư lớn lên trong hơi thở ấm áp của mẹ những ngày mùa đông, và nụ cười mát lịm của đứa em gái những ngày hè nóng bức. Căn nhà ấy, tồi tàn nhưng không bao giờ tắt đi tiếng cười, 3 mẹ con sớm tối bên nhau, ríu ra ríu rít.
Nhưng rồi khi dần lớn lên, trong khi mẹ tỏ ra vui mừng vì nó chững chạc hơn mỗi ngày thì chính nó bắt đầu chán ngán căn nhà dột nát của mẹ. Lúc ấy, những khoản trợ cấp của bố cũng thưa dần rồi cắt hẳn, mẹ phải khập khiễng đôi chân chẳng lành lặn trên chiếc xe đạp cũ nát, buôn bán qua ngày để kiếm đủ tiền cho nó đi học. Trong khi đứa em lúc nào cũng quấn lấy mẹ, thậm chí đòi “bám đuôi” mẹ ra chợ bán rau, thì nó lại thấy xấu hổ với đám bạn vì có bà mẹ vừa xấu xí, vừa lếch thếch như vậy.
Mẹ biết nó buồn nên phải gồng mình mà kiếm tiền nhiều hơn, nhưng chợ búa ngày được ngày mất, số tiền buôn bán nhỏ lẻ chẳng thấm vào đâu. Và đôi khi, để có đủ tiền cho nó mời bạn bè ăn kem, ăn chè, mẹ phải nhịn cơm và bớt cả phần thức ăn vốn đã ít ỏi của em gái. Dẫu cũng thắt ruột vì thương con bé, nhưng mẹ không đành lòng nhìn nó phụng phịu rồi ủ rũ cả ngày vì “Hôm trước bọn nó mời con ăn kem rồi, giờ con phải mời lại...”. Chỉ thế thôi, vì nó, mẹ đã vất vả nhiều lắm!
Nhưng nó thì vẫn chẳng nghĩ thêm cho mẹ chút nào, càng ngày nó càng bậm bịch, hậm hực vì sự nghèo khó “đáng xấu hổ” đó, nó ấm ức khi mỗi sáng phải khoác lên người bộ quần áo nhàu nhĩ, khác hẳn những thứ đồ trắng muốt, bóng bẩy được ủi thẳng tắp của đám bạn bè. Nó thấy mình thua kém chúng nhiều quá, nhất là những lúc bị một đứa nào đó chê cười vì đôi dép cũ mòn hay cái cặp sách đã đứt quai, hỏng khóa. Sống giữa thành phố thế này mà nó còn chẳng đàng hoàng bằng một đứa ở quê, trong khi thành tích học tập thì luôn đứng đầu lớp nhiều năm liền. Đôi khi, nó thèm được thưởng những món đồ chơi tuyệt đẹp, những món ăn ngon lành,… khi được điểm cao. Với bạn bè nó, chuyện đó thật “tầm thường”, nhưng với nó lại là xa xỉ…
Vậy là nó về sống với bố. Vừa hay, cô vợ mới của bố vốn chẳng thể sinh con nên nó được tiếp đón nồng nhiệt. Giờ, nó ung dung hưởng thụ cuộc sống, cảm thấy thoải mái với những món đồ chơi mà có nằm mơ mẹ cũng không thể mua được. Đã vậy, sáng nó được đi học bằng ô tô, trưa được đi ăn nhà hàng với bố, và tối thì được vùng vẫy trên chiếc giường êm ái, thơm nức mùi nước hoa. Nó vô tư nghĩ rằng nó xứng đáng được hưởng mọi thứ như thế, và chẳng còn nhớ gì đến mẹ và em. Còn mẹ, dẫu có buồn tủi đôi chút nhưng nghĩ đi nghĩ lại, mẹ mừng vì nó không phải sống khổ sống sở như trước nữa. Thậm chí, nếu em nó có đòi sang với bố, mẹ cũng chấp nhận. Chỉ có điều con bé cứ nhất định bám rịt lấy mẹ chứ chẳng chịu xa nửa bước. Không giống như anh, con bé luôn cảm thấy đầy đủ khi ở cạnh mẹ, nó hồn nhiên chấp nhận tất cả mọi thứ như không hề có bất cứ điều gì khiến nó khó chịu, kể cả sự nghèo nàn mà ai nhìn vào đều lắc đầu ái ngại. Không có anh ở nhà, nó vẫn vui vẻ và tự nguyện phụ mẹ dọn dẹp nhà cửa, cơm nước - những việc trước đây anh vẫn thường làm.
Dẫu sao, con bé cũng là niềm an ủi lớn của mẹ. Và ngôi nhà nhỏ vẫn vang lên tiếng cười, dù không nhiều như lúc có nó…
Thế mà, cuộc sống lại chẳng bao giờ bằng phẳng, yên bình. Nó ở với bố chưa đầy 1 năm thì mẹ ốm thêm không biết bao nhiêu bận. Mẹ yếu đi nhiều lắm, những buổi chợ cứ thưa dần khiến em nó bữa đói bữa no. Và, dù ruột xót như xát muối, đến một ngày mẹ vẫn phải ngậm đắng cay đưa em gái đến ở chung với nó. Chắc mẹ biết mình không thể đủ sức chăm lo cho em được nữa, mẹ không muốn đứa con gái bé bỏng phải chịu khổ sở mãi như vậy. Lúc quay đi, nước mắt mẹ rơi lã chã, lòng quặn lại. Mẹ thương nó, thương em, mẹ trách mình sinh ra anh em nó mà không đủ sức chăm lo cho các con, đến mức phải gửi chúng cho người phụ nữ khác. Rồi mẹ khóc nức nở và quay về, em nó cũng gào đến khản cổ dù mẹ đã dỗ dành cả tuần trời. Riêng nó, nó cảm thấy thờ ơ, nó nghĩ em chỉ khóc như vậy vì chưa quen thôi, chứ sống ở đây một thời gian, nó cũng sẽ quên ngay cái ngôi nhà tồi tàn kia cho mà xem!
Từ ấy, trừ những ngày ốm nằm liệt trên giường, còn lại, buổi chợ nào mẹ cũng tranh thủ đạp xe đến để được nhìn thấy anh em nó, dù chỉ từ xa thôi. Mẹ không bao giờ vào vì sợ em nó nhìn thấy sẽ khóc lóc đòi về, mà chính mẹ cũng khó cầm lòng được. Đôi lần, ngồi trên ô tô về nó cũng bắt gặp bóng dáng quen thuộc của mẹ lấp ló gần đó, nhưng nó không gọi, nó đã chán ngán với đứa em vì đêm nào cũng khóc lóc tỉ tê đòi mẹ; giờ mà thấy, thế nào em cũng khóc toáng lên cho coi. Vậy là nó im lặng, đôi khi trong nó cũng thoáng chút gì ngậm ngùi khi thấy mẹ quay xe đạp đi với dáng người nhỏ xíu, liêu xiêu.
Từ khi chuyển sang nhà của bố, nó chẳng về thăm mẹ lần nào, chỉ có em nó là hơi một tí lại trốn về nhà, nhiều khi bố biết được quát mắng cả buổi. Con bé ương bướng thật, có ngày bố “tống cổ” về với mẹ thì biết thân! Chẳng như nó, lúc nào cũng ngoan ngoãn và hài lòng khi ở cùng bố. Thực ra, nhiều khi nó cũng nhớ mẹ lắm, nhưng về nhà, lỡ đứa nào nhìn thấy nó ở trong ngôi nhà bé xíu đó với người mẹ xấu xí, chắc sẽ chê bai ghê lắm chứ chẳng nhìn nó đầy ngưỡng mộ như khi nó ngồi trong xe ô tô… Với lại, nếu mẹ cũng nhớ nó thì mẹ sẽ đến thăm thôi mà, nó nghĩ vậy.
Và đúng là mẹ đến thăm nó thật, gặp mặt nó hẳn hỏi chứ chẳng đứng từ xa mà nhìn nữa. Mẹ mua cho nó chiếc áo mới, bọc cẩn thận trong mấy lần túi bóng vì chắc mẹ sợ rau cỏ ngoài hàng sẽ dính bẩn vào. Cả em nó cũng có quà, nhưng trong khi con bé tỏ ra vui mừng hớn hở thì nó chẳng mấy “thiết tha”, quần áo của nó giờ đầy cả tủ, toàn đồ đẹp thôi, em nó cũng có nhiều mà chẳng hiểu sao con bé không bao giờ thèm đụng đến, lại cứ quấn lấy cái váy có phần quê mùa của mẹ. Lần ấy, nó cũng vui vui khi trò chuyện với mẹ, nhưng lòng thấp thỏm vì sợ có ai đi qua nhìn thấy, tại mẹ chẳng chịu vào nhà mà đứng ngoài cổng để hỏi han nó với em. Đã vậy, lần này mẹ nói nhiều, nhiều lắm, cứ hỏi suốt những câu “vụn vặt” khiến nó khó chịu.
Mãi sau mẹ mới quay về, nó bước nhanh vào nhà ngay trong khi em gái lại khóc nức nở một hồi rồi chạy theo mẹ, nước mắt ngắn dài. Nó gọi em quay lại nhưng con bé cứ chạy đi nên nó mặc kệ. Một hồi lâu, tự nhiên nó cảm thấy lo lo vì không biết em có lạc đường không, lúc con bé chạy theo mẹ đã đi được một đoạn rồi nên chắc không biết. Tự nhiên nó vứt cuốn truyện đọc dở xuống bàn, chạy theo tìm em, và…
Lúc nó đến nơi, chỉ thấy một đám đông xúm lại bàn tán, và chiếc xe đạp của mẹ vẫn chỏng chơ bên đường, cạnh đứa em gái đang khóc nức nở từng hồi, giọng lạc đi vì gọi mẹ.
Khi anh em nó dắt nhau tìm được đến bệnh viện thì mẹ đã đi rồi, mẹ đi vì kiệt sức, vì bệnh tật, và có lẽ vì cô đơn nữa. Phải rồi, lâu nay mẹ chỉ có một mình, nguồn sống của mẹ là tiếng cười của anh em nó đã tắt từ lâu, nỗi cô đơn và cả sự thờ ơ của nó đã dập tắt ánh sáng mong manh của cuộc đời mẹ.
3 ngày liền, nó đã không khóc, đúng hơn là nó không dám khóc. Nó biết nó đã có lỗi với mẹ nhiều, nên giờ nó không có quyền được khóc. Vả lại nó còn dỗ dành đứa em bé bỏng đang lả đi vì khóc mẹ. Nhưng lòng nó nặng trĩu, và trái tim cứ nhói từng hồi. Nó đã mất mẹ, mất thật rồi đấy. Lâu nay, dù không gặp mẹ nhưng nó biết mẹ vẫn dõi theo nó, vẫn sưởi ấm cho nó. Còn giờ, trong nó chỉ còn sự lạnh lẽo như ánh mắt của “dì hai” trong ngôi nhà rộng nhưng thiếu hơi ấm kia. Nhưng làm sao quay ngược về "ngày xưa" được? Thời gian có đợi ai bao giờ…
Nó và em cứ ngồi thừ trong ngồi nhà cũ nát ngày xưa, 3 ngày rồi, chỉ để thắp hương cho mẹ. Nó sợ mẹ sẽ lạnh lẽo nếu không có anh em nó ở đây. Và chiều nay, tự nhiên nó muốn tự tay nấu cơm cho em và mẹ, như những ngày xưa…
Nó lấy 3 chiếc bát, cho nó, cho em và cho mẹ. Dưới làn khói hương nghi ngút, nó chỉ bật ra được một câu: “Con mời mẹ…” rồi khóc nức nở…
Thiên An
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
Đâu chỉ có nữ giới, những sao nam này cũng chuộng trang điểm đậm