Thực hư mẹ Hà Nội chữa khỏi u máu cho con đến 80% chỉ từ hai cái que

Thực hư mẹ Hà Nội chữa khỏi u máu cho con đến 80% chỉ từ hai cái que

2018-09-01 11:29
- Bà mẹ trẻ này cho biết, phương pháp này tuy ai mới nhìn lần đầu cũng thấy khó tin nhưng chị làm thành công cho con mình!

Mới đây trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh và bài chia sẻ của một bà mẹ ở Hà Nội nói về quá trình chữa bệnh u máu cho con thành công đến 80% mà không cần sự can thiệp của các biện pháp Tây y. Chị chia sẻ kèm hình ảnh dụng cụ chữa bệnh khiến nhiều mẹ bỉm sữa phải tò mò.

Theo bà mẹ N.T này cho biết, con gái sơ sinh của chị bị một vết u máu ở bên khóe mắt. Điều đó khiến cho cô bé đi đâu cũng bị mọi người dòm ngó và hỏi han. Sau nhiều lần tìm hiểu nhiều phương pháp, chị may mắn gặp được một vị lang y chỉ cho bài pháp dân gian giúp vệt u máu của con lành đến 80%.

Thực hư mẹ Hà Nội chữa khỏi u máu cho con đến 80% chỉ từ hai cái que

Đi kèm với những lời chia sẻ xót thương con, chị đính kèm hình ảnh về em bé kháu khỉnh với vết tổn thương bên phía đuôi mắt.

Trước chia sẻ của bà mẹ này, rất nhiều người quan tâm đến bài thuốc kỳ lạ, có phần khó tin này. 

Thạc sĩ, Lương y Đa khoa Vũ Quốc Trung - Chuyên khoa Y học cổ truyền - Phòng chẩn trị Y học cổ truyền Chùa Cảm Ứng (Hà Nội) cho hay, bản thân rất sốc khi nghe tới phương pháp kỳ lạ này.

Chuyên gia cho rằng đây là cách chữa bệnh phản khoa học, người bệnh cần xác định cụ thể nguyên căn dẫn đến u máu để tìm phương pháp can thiệp hiệu quả. Đặc biệt, khi thấy có dấu hiệu bất thường cần đến bệnh viện để kiểm tra chứ không được chữa lang vườn hoặc những bài thuốc không rõ nguồn gốc.

"Để khẳng định đấy có phải là phương pháp điều trị u máu hay không, cần phải có nghiên cứu đầy đủ, bài bản, tiến hành các bước từ thử nghiệm lâm sàng, thử nghiệm trên động vật, xác định liều, xác định độc tính, thử nghiệm trên người từng bước một. Chứ không thể mua một thứ từ những địa điểm không rõ ràng về chữa bệnh được" - Lương y Đa khoa Vũ Quốc Trung cho biết.

Thực hư mẹ Hà Nội chữa khỏi u máu cho con đến 80% chỉ từ hai cái que

Bác sĩ CKII Nguyễn Nguyệt Nhã, nguyên Phó Trưởng khoa sọ mặt tạo hình của Bệnh viện Nhi Trung Ương và đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong điều trị u máu cho các bé cho biết, U máu là khối u bẩm sinh phổ biến nhất ở trẻ em - Đó là loại u lành tính của tế bào nội mạc lát thành mạch máu, loại u này xuất hiện lúc mới sinh và có đặc tính phát triển nhanh ở trẻ nhũ nhi. Ngược lại u dị dạng mạch máu cũng xuất hiện lúc mới sinh nhưng phát triển chậm hơn và tồn tại tới tuổi trưởng thành. U máu thường nổi lên như nốt ruồi son, lớn dần theo cơ thể sau phát triển thành mảng hồng đậm màu hoặc gồ lên thành mảng.

U mạch máu có thể xuất hiện mọi nơi trên cơ thể như: Da, đầu, mặt, cổ, mắt, chân, tay, nội tạng (gan, thận)… chính vì thế bệnh nhân có thể đến khám ở các chuyên khoa khác nhau như: Da liễu, răng hàm mặt, tai mũi họng, ngoại khoa… Nhưng tỉ lệ u mạch máu ở vùng đầu, mặt, cổ chiếm cao nhất, trên 60%.

Về nguyên nhân xuất hiện u máu hiện các bác sĩ chuyên khoa vẫn chưa có kết luận chính thức, nhưng có một số giả thuyết được đưa ra như: Do di truyền từ cha mẹ sang con cái (có nguy cơ 50/50 - Mặc dù bố mẹ có u máu đã thoái triển thì nguy cơ con mắc bệnh vẫn cao hơn), do rối loạn hoocmon, rối loạn miễn dịch, bất thường về mạch máu, ảnh hưởng của hóa chất hay chất độc hại, do mẹ bị nhiễm khuẩn hay virus trong thời gian có thai, sau chấn thương…

Hiện nay có 2 nhóm u máu là u tế bào nội mạc mạch máu và u dị dạng mạch máu.

U tế bào nội mạc mạch máu là u xuất hiện lúc mới sinh, phát triển nhanh, khoảng 25% có hiện tượng thoái triển lúc 5-7 tuổi. Tỉ lệ bé gái mắc bệnh cao hơn bé trai 3-5 lần. Trong đó, cơ chế sinh bệnh do có sự tăng sinh tế bào lát thành mạch máu, các tế bào nội mạc mới tạo thành các ống mạch máu mới, u phát triển nhanh.
U dị dạng mạch máu là u dị dạng động mạch, tĩnh mạch, bạch mạch. Bệnh xuất phát do các tế bào nội mạc mạch máu không tăng sinh, không tạo thành các ống mạch máu mới và phát triển từ từ tới tuổi trưởng thành. Trong một số trường hợp nếu không điều trị kịp thời có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ như loét, nhiễm trùng, hoại tử u, chảy máu, suy tim, tắc nghẽn đường thở, ảnh hưởng tới thẩm mỹ…

Để chẩn đoán bệnh u máu hiệu quả có thể dựa vào phương pháp lâm sàng và cận lâm sàng.
Dựa vào lâm sàng có thể nhận biết theo các dạng u như thể u máu phẳng, u thể hang, u dưới da, u máu xương, u máu thể động mạch, u bạch mạch và u hỗn hợp.

Ngoài ra, có thể sử dụng phương pháp cận lâm sàng như: Chụp mạch vùng u có hiện tượng ngấm thuốc mạnh, siêu âm vùng giãn âm rõ ở giữa; chụp CT Scan sọ mặt, chụp cộng hưởng từ MRI để xác định vị trí u, kích thước và sự xâm lấn của u; sinh thiết tế bào nếu u ở vùng sâu và khó xác định. Tùy vào từng trường hợp bệnh để áp dụng phương pháp chẩn đoán mang lại hiệu quả tốt nhất.

Tùy theo từng loại u máu cũng như mức độ của bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra quyết định có nên điều trị hay không. Phần lớn u máu ở trẻ nhỏ thoái triển dần theo thời gian, đến khoảng 8 - 9 tuổi u máu sẽ thoái triển thành các tổ chức xơ mỡ. Tuy nhiên, với trường hợp u máu phát triển nhanh, khối u đe dọa đến sự sống, chức năng hoặc ảnh hưởng thẩm mỹ nặng thì cần được điều trị.

Lời khuyên chung cho trẻ em bị u máu là điều trị càng sớm càng tốt. Phát hiện sớm thì diện tích u còn nhỏ, mạch máu cũng nhỏ giúp điều trị mang lại kết quả thành công cao.

Thùy Linh (T.H)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Gửi người từng phản bội: Chỉ một lần quay đi, anh mãi mãi chẳng có đường quay trở lại!

Đọc nhiều nhất