Stress trầm trọng vì con rơi vào “tuần khủng hoảng” khó ngủ, mẹ Hà thành quyết tâm luyện con tự ngủ chỉ trong 2 tuần đã thu quả ngọt
Tin liên quan
Chị Hương chia sẻ, ngay từ lúc sơ sinh, bé Quỳnh Anh đã ăn/ngủ theo cữ, 3 tiếng 1 lần. Khi đi ngủ mẹ vẫn bế vỗ và ru. Các giấc trong ngày bé ngủ rất dễ, khoảng 5 phút bé đã ngủ và ngủ say, tới giờ thì tỉnh chứ không bị tỉnh giữa chừng. Duy chỉ có giấc đêm là khó khăn, mẹ thường phải bế ru từ 30-60 phút, bé gắt ngủ dữ dội.
Bé Quỳnh Anh vô cùng khảu khỉnh và đáng yêu (Ảnh: NVCC)
“Tới 3 tháng tương đương bé được 12 tuần, đúng ngay khi bắt đầu “tuần khủng hoảng”, con bắt đầu có các biểu hiện khó chịu hơn như: khóc nhiều, khóc dai, dữ dội khi gắt ngủ; muốn ăn nhiều sữa hơn, mẹ rút bình ra vẫn chép miệng nún chặt không nhả; mút tay; ngủ ít đi, khó ngủ. Tới giấc, mẹ thường phải bế trên tay mới ngủ, đặt xuống là bé khóc dai, không thể dỗ được, ti giả, white noise không ăn thua.
Giấc đêm quá mệt mỏi cả hai mẹ con. 4 tiếng đầu (ngủ từ 8h tối), bé ngủ say, ngoan, không cựa quậy nhiều. Sau 4 tiếng đầu, 4 tiếng sau (12h-4h sáng), bé giãy giụa, vặn mình, khóc to, phải bế lên mới nín hoặc nhét bình sữa mới nín. Ăn vặt, 30 phút ăn 1 lần, mỗi lần 10-20ml. Kéo dài như vậy tới sáng. Lúc ấy mình thấy việc con bú sữa để ngủ tiếp và mẹ được ngồi trong im lặng, đã là tốt lắm rồi”, chị Hương tâm sự.
Bà mẹ trẻ chia sẻ thêm, thời gian sau đó chính là giai đoạn khủng hoảng mẹ và con. Khi ấy, chị đã vô cùng stress, đêm không ngủ được vì trông con, ngày con lại đòi bế ngủ, gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Điện thoại lúc nào cũng tràn ngập các key words về “tuần khủng hoảng” leap 3.
Thời gian rơi vào "tuần khủng hoảng" con rất cáu gát và khó ngủ (Ảnh: NVCC)
Có thể ở Việt Nam, các thông tin về nuôi dạy trẻ con hạn chế, nhưng nếu các mẹ google tiếng Anh, các mẹ sẽ cảm thấy được an ủi khi có vô vàn các mẹ khác trên thế giới cũng đang trải qua giai đoạn khủng khiếp này. Thời gian đó, do quá mệt, chị Hương không còn không nghĩ tới việc rèn con, vẫn cố chịu đựng nghĩ rằng rồi sẽ qua, con rồi sẽ ngoan.
Nhớ lại khi ấy, chị tâm sự: ”Mình chịu đựng khoảng 1 tuần, thì bắt đầu bùng phát trong 1 lần con ngủ trưa, mẹ bế vỗ suốt 2 tiếng, đặt là con khóc dữ dội. Vì quá mệt và bực mình, mình đã đặt con xuống, và mặc kệ. 10 phút trôi qua, con vẫn khóc không có dấu hiệu dừng, mình định bế lên vì xót con thì chồng bảo để yên đấy, không được mềm yếu. Vậy là sau 30 phút, sau vài lần hơi hơi ngừng khóc ngó sang bố mẹ, con đã ngừng khóc, mẹ xoay con nằm nghiêng, nhét ti giả, vỗ vỗ, con vẫn nằm cho đến 5 phút sau tự đi vào giấc ngủ”.
Trải qua thời điểm ấy, chị Hương rút ra bài học rằng, con không cần mẹ bế ru, ăn sữa để ngủ. Bên cạnh đó, nên cho con đi ngủ ngay khi con có dấu hiệu muốn ngủ (dụi mắt, nhìn ngó, mệt). Bởi chỉ cần con qua cơn buồn ngủ, con sẽ bực bội, tỉnh như sáo và gắt khi bị bắt đi ngủ, mà chưa muốn ngủ.
Tuy nhiên, chị Hương đã khéo léo luỵện con tự ngủ chỉ trong 2 tuần (Ảnh: NVCC)
Vậy là sau đó, chị cho con ngủ sớm hơn, như vậy được khoảng 2 tiếng rưỡi chị cho bé vào giường, tiếp tục thành công trước đó, chị cho con nằm nghiêng, vỗ mông khoảng 3 phút, khi bé lim dim mẹ dừng lại, 2 phút sau bé ngủ. Mấy lần đầu con sẽ phản kháng khi thấy mẹ cho nằm nghiêng.
Chị Hương đã khéo léo đè 1 cánh tay trải lên người con, từ vai tới mông, tay kia vỗ nhẹ. Đại loại là có vật nặng chèn lên, con cảm thấy yên tâm như được bao bọc. Tương tự, chị làm vậy với giấc đêm, thay vì 8h lên giường, 7h30 chị bắt đầu tắt đèn cho bé ngủ.
“Khoảng 2 tuần như vậy, mình thay đổi chiến thuật, giấc đêm cho con vào giường từ 7h20 (sớm hơn 10 phút), tắt điện, white noise, ti giả. Đầu tiên, mình bế đứng con, tư thế như vỗ ợ hơi. Xoa lưng con và đung đưa độ 3 phút và nói tới giờ sleep sleep, đi ngủ thôi.
Sau đó, cho con nằm nghiêng, mẹ nằm đối diện con. Tiếp tục xoa lưng 2 phút kế tiếp rồi bỏ tay ra, kể chuyện lan man, giọng đều đều nhỏ nhỏ, 10 phút thì con tự ngủ. Hôm thứ 2, mình vẫn tiếp tục đoạn bế đứng, nhưng khi đặt con nằm, mình chỉ xoa lưng 2 phút là bé nằm im nhắm tịt mắt. Con lăn qua lăn lại 10 phút thì ngủ, bỏ qua bước kể chuyện. Hôm thứ 3, mẹ chỉ bế đứng rồi cho nằm là em cũng trùm chăn, được 5 phút con ngủ.
Ngày thứ 4, mình không bế nữa, chỉ nói tới giờ sleep sleep xong là bé trùm chăn, con tự ngủ sau 5 phút. Vậy là từ sau, con tự ngủ. Các giấc ngày mẹ làm tương tự như thế đã thu được thành công”, mẹ trẻ Hà thành bày tỏ.
Hiện tại bé Quỳnh Anh có nếp sinh hoạt rất đều đặn, khoa học (Ảnh: NVCC)
Thông qua hành trình luyện con tự ngủ của mình, chị Hương cũng khuyên rằng, nên rèn vào ca ngủ tối lần đầu tiên, vì lúc đó có thời gian dài, bé có ngủ trễ so với kế hoạch 10-15 phút không sao cả. Giờ ban ngày ngủ cho tới mãi sau đó, bé vẫn giữ đúng, Ví dụ 7h dậy, 9h30 sẽ capnap tới 10h15, 10h20. Một khi con đã tự ngủ, thì các trong ngày trở nên vô cùng đơn giản, có lúc mẹ chỉ cần bế đứng đi lên cầu thang để lên phòng, tới phòng mẹ đặt nằm đã thấy bạn ngủ rồi mặc dù di chuyển mất có vài giây.
Bên cạnh đó, nhận thấy dấu hiệu con muốn ngủ, cho đi ngủ là vô cùng quan trọng. Bé không bị quá mệt, không cáu, dễ đi vào giấc. Mẹ sẽ dễ thành công và nhàn nhã hơn.
Lê Huyền
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất