Rèn con tự ngủ không tiếng khóc, mẹ Sài thành hưởng quả ngọt chỉ sau 2 tuần, nhàn tênh như thời còn son rỗi
Tin liên quan
Chị Bình chia sẻ, qua 3 tháng, bé SuShi đã bắt đầu biết gắt ngủ, đòi ru ngủ, bế ngủ. Có lần ông bà nội bé than, dạo này bế cả tiếng mới ngủ khiến ông bà bị tê tay mà đặt xuống chút xíu là thức liền, rất khó ngủ. Buổi tối mẹ chưa kịp ăn xong bữa cơm là con đã khóc đòi lên phòng ngủ, ấy thế mà lên tới phòng thì vẫn vật vờ, ru ẵm các kiểu cả tiếng đồng hồ con cũng chưa ngủ. Ăn ngủ thì giờ giấc lộn xộn, tình trạng ấy kéo dài không biết bao nhiêu ngày.
Chị An Bình và bé SuShi (Ảnh: NVCC)
“Mình bàn với chồng là sẽ tập cho con ngủ, giải thích cặn kẽ cho anh hiểu từ phương pháp đến những sóng gió dự kiến. Rồi làm công tác tư tưởng với ông bà nội ngay khi bắt đầu giãn cữ.Theo đó, công cụ hỗ trợ thì mình chỉ dùng ti giả. Thật sự nếu được làm lại, mình nhất định sẽ dùng quấn và tiếng ồn trắng nữa, sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Mình ghi chép lại và thấy con ăn lắt nhắt 1h30phút – 2h/lần. Mình quyết định giãn từ từ lên 4h/lần và mất gần 1 tuần để giãn cữ thành công, ổn định lịch ăn 4h/lần ban ngày. Đưa con về nếp sinh hoạt Easy 4", mẹ trẻ 9X đưa ra quyết định.
9X Sài thành đã làm tư tưởng cho các thành viên trong gia đình trước khi rèn con tự ngủ (Ảnh: NVCC)
Theo đó, hành trình rèn ngủ cho bé được chị An Bình chia sẻ cụ thể như sau:
Ngày 1:
Mẹ chọn 1 đêm con ngủ ngon, không wonder week, không mọc răng, không quậy đêm để sáng con vừa ngủ dậy, mẹ vệ sinh thay tã cho con xong thì con sẽ uống sữa cữ đầu tiên (và vì con vừa thức nên con sẽ ti đến no, không bị ngủ gục giữa chừng).
Ăn xong mẹ vỗ ợ, cho con chơi, nằm bụng,... cho đến khi thấy con ngáp và dụi mắt, khoảng 2h kể từ khi con thức đêm dậy. Mẹ kiểm tra tã, đóng rèm, phòng mát mẻ và cho con vào nôi. Mẹ thì thầm “chúc con ngủ ngon, mẹ yêu con” rồi đi ra. Con khóc 3 phút thì mẹ vào bế em lên, vỗ lưng, đặt em xuống rồi đi ra, mẹ cho con ti giả nhưng con từ chối. Và cứ thế, con khóc 15 phút thì ngủ 45 phút rồi dậy. Tương tự cho các giấc sau, con khóc tầm 10-20 phút là ngủ.
Bé SuShi trải qua hành trình rèn ngủ khá khoa học (Ảnh: NVCC)
Ngày thứ 2: con khóc ít hơn, chỉ 5 phút là ọ oẹ nhỏ dần, rồi tự mình đi vào giấc ngủ.
Ngày thứ 3:
Đây là ngày phản đối, chị An Bình đã đoán trước là bão tố sẽ đến, nên nói với chồng việc hôm nay con sẽ khóc nhiều hơn, và rất nhiều người bỏ cuộc ngay lúc này. Trưa hôm đó chồng chị vắng nhà. Buổi sáng vẫn bình yên, con khóc 10 phút, mẹ mời ti giả, con chấp nhận và ngủ ngon lành. Buổi trưa con khóc bất chấp 1 tiếng đồng hồ tròn, mẹ xót con, khóc theo con luôn. Sau đó mẹ ôm con, cho con ti mẹ và ngủ.
“Chiều hôm đó bà nội nói với mình, tại sao phải nuôi con theo khoa học, đừng luyện nữa được không, bà vẫn có thể bế ru SuShi ngủ, không tê tay nữa. Ông nội thì bảo, không biết mẹ nó bị cái gì mà để con khóc như thế. Mình có nói lại với bà nội bé, bây giờ là bế rung ru, lớn hơn chút nữa sẽ là bế rong, khóc gắt ngủ nhiều hơn,... Nói thì cứng vậy, chứ lòng mình mềm nhũn, mình lên sân thượng ngồi khóc, nhiều hơn số nước mắt cả năm trước đó gộp lại. Buổi tối mình nói với chồng, “Anh ơi, em bỏ cuộc nha”.
Nhưng anh đã động viên mình rằng “Em không cần bị ai tác động, con vẫn theo đúng lộ trình, sắp được rồi, ráng lên em”. Công nhận ngay lúc đó, mình thấy chuyện giải thích cặn kẽ cho chồng thật không uổng công tí nào, anh bình tĩnh nên biết sau ngày chống đối, sẽ là giai đoạn hái quả ngọt, còn mình vô dụng nên dù nắm hết kiến thức nhưng lúc đó quýnh quáng lên, chỉ biết khóc”, chị An Binh kể lại.
Buổi tối ngày hôm đó, mẹ mời con ti giả, con tiếp nhận và ngủ trong vòng chưa đầy 2 phút. Lúc đó, cảm giác của chị không nói nên lời, nếu chiều hôm đó chồng không động viên thì chị lại bế vác ru con ngủ rồi.
Bà mẹ trẻ cho biết, một tuần tiếp theo, con hơi chệch choạng xíu có thể ngủ trong vòng 2-10 phút tùy giấc, tuy nhiên điều đáng mừng là không hề có 1 tiếng khóc gắt ngủ nào. Đến tận bây giờ, con buồn ngủ sẽ được mẹ cho vào nôi, kéo rèm, mẹ chúc con ngủ ngon và cho con ti giả, con ngủ ngay hoặc bò quanh quanh chút rồi cũng tự ngủ. Bà nội và ba bé cũng có thể dễ dàng cho con đi ngủ. Nếu bé ở nhà với bà, chỉ cần đưa lịch sinh hoạt (giờ ăn, ngủ, chơi) của con là ba mẹ có thể long nhong thoải mái như thời son rỗi.
Từ việc đêm dậy ăn 3 lần, con tự giảm còn 1 lần duy nhất lúc 3h-3h30 vì đói, mẹ cho con ăn và con ngủ thẳng tới sáng, một bước tiến mới chuẩn bị cho hành trình cai ti đêm. “Tặng con món quà tự ngủ là điều mẹ cảm thấy đúng đắn nhất, nếu có hối tiếc thì chỉ là lúc đó không chuẩn bị cho con thêm công cụ hỗ trợ để hành trình tự ngủ của con nhẹ nhàng hơn, thuận lợi hơn”, chị An Bình chia sẻ.
Văn Anh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất