Rèn con ngủ theo phương pháp “tự vỗ về”, 9X Hà Thành nhàn nhã bất ngờ, chẳng còn phải nghe tiếng con quấy khóc
Tin liên quan
Cùng chung hoàn cảnh với rất nhiều bà mẹ, chị Nguyệt Ánh (Hà Nội) thường xuyên thiếu ngủ, khao khát có được những đêm thẳng giấc vì con hay thức giấc cũng như khóc quấy, nhất là khi con không tự ngủ lại được nếu không có bố mẹ dỗ.
Chị Nguyệt Ánh và con trai (Ảnh: NVCC)
Nhưng nếu không rèn ngủ sớm, thì con sẽ có những thói quen xấu khó sửa, bởi vậy nên chị quyết định tìm hiểu hàng loạt các phương pháp và lựa chọn phương pháp “tự ngủ” hay còn gọi là “tự vỗ về”.
“Tôi rất sợ phải đối diện với tiếng khóc xé lòng của con khi luyện ngủ, nên tìm đến phương pháp nào khắc phục được điều đó tốt nhất. Tự ru ngủ có nghĩa là khi con cảm thấy buồn ngủ, con có thể tự đi ngủ mà không cần có bố mẹ, nghĩa là bố mẹ không cần phải dỗ dành, vỗ về, nựng hay hát ru để cho con ngủ nữa. Thay vào đó, tôi tập cho con tự ru và vỗ về mình ngủ. Tất nhiên quá trình này sẽ cần có thời gian và kỹ thuật để thực hiện thành công”, 9X xinh đẹp chia sẻ.
Theo đó, quy trình này được chị Nguyệt Anh chia sẻ chỉ bao gồm các bước sau: Cho con đi ngủ ngay lúc bé bắt đầu cảm thấy buồn ngủ, tăng thời gian chờ, không cho ăn ngay khi con thức giấc, tạo không gian ngủ thoải mái, rèn luyện cho trẻ thói quen ngủ lành mạnh. Sau khi kiên trì thực hiện theo quy trình này, chỉ trong 2 tuần, chị đã rèn con ngủ xuyên đêm thành công ngoài mong đợi.
9X Hà Thành chọn phương pháp để con "tự vỗ về" thay vì phải đối mặt với áp lực vì nghe tiếng khóc của con (Ảnh: NVCC)
Đầu tiên, thay vì ôm và vỗ về cho đến khi con ngủ rồi mới đặt bé vào giường hay cũi, chị chỉ làm điều đó khi con cảm thấy buồn ngủ và lúc đấy con vẫn còn thức, để con nhận ra rằng mình sẽ tự ngủ khi được đặt lên giường hay vào cũi chứ không phải là khi có bố mẹ ở bên.
Cùng với đó, khi con khóc chị không lập tức bế lên dỗ dành, tập thói quen xấu cho con, mà thêm thời gian để xem con có thể tự nín khóc và tự ngủ lại hay không. Nếu có đó là một tín hiệu may mắn, nhưng ngược lại thì nên cần có mặt để giúp con ngủ lại, tuy nhiên cần tăng khoảng thời gian chờ lên từng ngày.
“Vì con khỏe mạnh và lên cân bình thường, nên tôi đã áp dụng mẹo này khi bé thức giấc giữa đêm, để cho con biết rằng thức giấc giữa đêm sẽ không đồng nghĩa với việc được ăn. Thế nên thay vì cho con ăn hay bú ngay lập tức, tôi liền thay tã cho bé nếu cần để tăng thời gian chờ cho con ăn lâu hơn”, chị Nguyệt Ánh nhấn mạnh.
Chỉ trong 2 tuần chị đã rèn ngủ cho con thành công ngoài mong đợi (Ảnh: NVCC)
Không gian ngủ cho bé cũng vô cùng quan trọng, điều này cũng được chị chú trọng bằng cách cài đặt hệ thống chiếu sáng trong phòng con đủ dịu, đủ tiết kiệm năng lượng để giúp bé dễ ngủ. Bà mẹ 1 con cũng tránh ánh sáng trực tiếp chiếu thẳng vào giường khi bé ngủ mà che bớt ánh sáng hợp lý cho căn phòng của bé, hỗ trợ thêm âm thanh dễ chịu như tiếng sóng vỗ, nhịp tim đập hay tiếng suối róc rách, tiếng mưa... ở mức nhỏ để bé dễ ngủ hơn.
Sau khi tất cả mọi điều kiện cần đã được thực hiện thì còn một điều kiện đủ để việc rèn con tự ngủ chính là luyện cho bé thói quen ngủ lành mạnh. “Tôi luôn lập trình cho bé những "thủ tục" trước giờ đi ngủ bằng các hoạt động nhẹ nhàng như tắt đèn, massage, đọc truyện, cho con nghe nhạc… cứ như vậy đã tạo ra một phản xạ cho bé, thay vì cứ ôm ấp con ngủ”, 9X Hà Thành lưu ý.
Tuy nhiên, bên cạnh đó chị Nguyệt Anh cũng lưu ý rằng phương pháp này có tính ưu việt đó là khiến bố mẹ không phải chịu áp lực khi đối mặt với tiếng khóc của con, nhưng lại đòi hỏi sự kiên trì và nhiều thời gian tập luyện cho con hơn, với chị may mắn là con số 2 tuần nhưng có nhiều bé có khi đến cả tháng hoặc hơn, điều đó cũng phụ thuộc vào tính cách của con, mà cha mẹ cần tìm hiểu kĩ để tự điều chỉnh.
Văn Anh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất