Oái oăm mẹ trầm cảm sau sinh ĐÁNH CON để trút giận rồi lại DẰN VẶT, KHÓC SỢ HÃI
Tin liên quan
Nỗi khổ sở “điên lên là đánh con”
Mới sinh được hơn 1 tháng, chị Lê Thị Nga (Thái Bình) cảm giác mình bị trầm cảm. Con trai chị không thuộc tuýp “ngủ ngày cày đêm” nhưng cứ 4 giờ sáng là thức giấc. Chị làm cách nào bé cũng không ngủ lại, dù bé “ngủ gà ngủ vịt” nhưng cứ đặt xuống giường là giãy nảy lên.
“Trưa cũng vậy, con chẳng chịu nằm giường. Cứ bế thì ngủ, đặt xuống giường là thức nên gần như phải bế con cả ngày. Đêm ngủ không đủ giấc, trưa cũng không được ngủ”, chị Nga tâm sự.
Chị lâm vào tình trạng cáu gắt, bực bội lúc nào không hay. Và mỗi khi quá sức chịu đựng, chị đánh vào mông con rồi lắc con thật mạnh.
Không ít mẹ bỉm sữa lâm vào tình trạng đánh con mỗi khi con khóc dù mẹ biết điều này sẽ hại con. Ảnh minh họa.
Nhiều lúc con sợ, co rúm người khi bị mẹ đánh, lắc. “Thực sự nhiều lúc làm như vậy, mình cảm thấy mình bị làm sao đó, rồi tự an ủi lần sau kìm chế nhưng không làm được. Hôm sau mình vẫn đánh con dù rất sợ mình sẽ hại con”, chị Nga bật khóc.
Mẹ trầm cảm sau sinh, cứ đánh con rồi lại dằn vặt, tự trách bản thân. Chuyện thật như đùa nhưng không phải là hiếm.
Chị Nguyễn Diệu Thúy (quê ở Nam Định) cũng từng trong tình trạng đó. Biết mình không thể điều khiển được cảm xúc, mỗi khi “điên lên”, chị lại để tay mình bên ngoài mông con rồi đánh vào. Cho tới giờ, thỉnh thoảng tức quá chị vẫn đánh con đau, đánh con xong lại thương con thắt lòng mà không hiểu sao mình lại như vậy?
Bị chứng trầm cảm sau sinh hành hạ, chị Khánh Vy (Hà Nội) cứ đánh con rồi lại khóc. Thấy chị có biểu hiện lạ, chồng chị đã tách hai mẹ con ra, để chị được ngủ.
“Có lẽ vì chưa quen có con, lại thiếu ngủ nên mình không điều khiển được cảm xúc. Cứ bực bội là trút giận vào con dù thương con vô cùng. Không hiểu sao lúc ấy, mọi lý thuyết làm mẹ đều là vô nghĩa. Sau khi đánh con, nhìn vào hai cái má bầu bĩnh của con, lại tự trách mình con đáng yêu vậy sao mẹ lại đánh? Hai trạng thái cảm xúc hoàn toàn trái ngược nhưng thực sự rất khó thoát ra”, chị Vy bày tỏ.
Đừng để trầm cảm sau sinh hành hạ cả hai mẹ con!
Theo Tiến sĩ tâm lý Phan Thị Huyền Trân (TP.HCM), những hành động “khó hiểu” này của người mẹ đều xuất phát từ căn bệnh trầm cảm sau sinh.
Do người mẹ chưa thích nghi với trách nhiệm chăm sóc bé như thay tã, sữa, tắm giặt, rồi cân nặng, chiều cao của bé bị quy về trách nhiệm của mẹ. Trong khi đang được sống thoải mái thì giờ đây, em bé lại mang cho người mẹ một trách nhiệm quan trọng hơn và không được phép sai.
Gia đình hãy giúp mẹ một tay. Chỉ là mẹ đang thiếu ngủ, chưa quen có con nhỏ thôi mà! Ảnh minh họa.
“Việc phải thức dậy nhiều lần trong đêm cho bé bú, dỗ dành bé khiến mẹ thiếu ngủ trầm trọng, dẫn đến suy nhược thần kinh và thiếu sự tập trung, hay quên và nóng tính.
Chưa kể sự thay đổi đáng kể của ngoại hình với vòng bụng to, da bụng nhăn nheo, sự kiêng khem trong chăn gối, tất cả khiến người mẹ suy nghĩ tiêu cực, dễ dàng nổi giận và có tư tưởng làm hại đứa bé.
Trầm cảm sau sinh ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến chất lượng sống và chất lượng các mối quan hệ. Vì vậy, khi có bất cứ dấu hiệu nào xảy đến và bạn nghĩ mình đang trong giai đoạn trầm cảm, cần nhanh chóng tìm ra biện pháp và phương cách điều trị ngay. Nếu kéo dài hơn 2 tuần, chứng trầm cảm và các diễn biến sẽ nặng và nguy hiểm hơn rất nhiều”, Tiến sĩ Huyền Trân nói.
Bằng kinh nghiệm của mình, Tiến sĩ Huyền Trân khuyến khích các mẹ bỉm sữa đừng tập trung toàn bộ năng lượng và thời gian vào bé sơ sinh. Để tránh bị kiệt sức, mẹ hãy dành thời gian chăm sóc bản thân, nghỉ ngơi. Khi được tái tạo năng lượng, người mẹ mới có thể chăm sóc bé sơ sinh một cách tốt nhất.
Thu Hà
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất