Những “bà đỡ bất đắc dĩ” phải làm gì để giúp sản phụ đẻ rơi mẹ tròn con vuông?
Tin liên quan
Theo các chuyên gia y tế, đẻ rơi không phải là hiếm, nhưng nếu không biết cách sơ cứu, em bé có thể bị mất máu, nhiễm trùng, gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế, việc giúp đỡ các sản phụ đẻ rơi là điều ai cũng nên làm. Chỉ cần nắm chắc các kĩ năng dưới đây, bạn có thể trở thành “bà đỡ” bất đắc dĩ một cách xuất sắc.
1. Tâm lý bình tĩnh:
Đây có thể là lần đầu tiên bạn gặp phải tình huống oái ăm như thế này, nhưng khi bạn thật bình tĩnh, thì mới có thể giúp được sản phụ. Nếu chưa có kinh nghiệm, bạn có thể hô hào, kêu gọi hỗ trợ của những người xung quanh.
Ảnh minh họa
Sau đó, an ủi, động viên sản phụ, vì có lẽ họ cũng không ngờ được việc mình lại rơi vào tình huống này.
2. Chú ý vệ sinh:
Tuy không thể đòi hỏi quá trình sinh nở vô trùng như trong bệnh viện hay các cơ sở y tế, nhưng bạn cũng cần tối đa những vật dụng sạch sẽ để tránh nhiễm khuẩn, nhiễm trùng cho mẹ và bé về sau.
Bạn cần ngay khăn bông sạch, hay tấm vải sạch, xà bông, nước sạch, dây buộc giầy hoặc sợi dây nào đó... Sau đó, cho sản phụ nằm xuống rồi lót khăn sạch, tấm vải hay giấy báo sạch ở khoảng dưới mông, tìm vật kê cho êm đằng sau lưng sản phụ.
Đồng thời, bạn cần rửa sạch tay từ khuỷu tay trở xuống bằng xà phòng sát khuẩn.
3. Bắt tay vào quá trình đỡ đẻ:
- Hướng dẫn sản phụ rặn: Động viên sản phụ hít thở thật sâu rồi rặn khỏe, dài hơi ra. Ngoài cơn co, khuyên sản phụ hít sâu, thở ra từ từ đều đặn, giúp sản phụ lau mồ hôi.
- Khi thấy đầu em bé, thì dùng tay đỡ ngay đầu, làm thao tác ngửa đầu dần lên để lộ mặt và đầu, rồi từ từ kéo thai xuống phía chân để đỡ vai trước và bảo sản phụ ngừng rặn, ngay sau đó vai và cơ thể bé sẽ ra theo.
- Dùng khăn sạch lau người bé, rồi dùng tay vuốt nhẹ từ mũi xuống miệng để lưu thông không khí, nếu bé không thở thì vỗ nhẹ vào lòng bàn chân, hoặc thổi một ít không khí vào miệng.
- Lấy sợi dây, buộc chặt dây rốn ở vị trí càng xa bụng bé càng tốt và hãy để bác sỹ cắt dây rốn cho bé.
- Sau đó ủ ấm em bé bằng bất kì thứ gì (khăn, áo, giấy báo...) rồi chuyển bé cho mẹ ôm sát vào người để tránh bị nhiễm lạnh.
- Nhắc sản phụ cho bé bú ngay sau sinh để kích thích nhau thai ra ngoài.
4. Đưa ngay sản phụ và em bé đến cơ sở y tế gần nhất
Cuối cùng, bạn nên chuyển ngay sản phụ và bé đến cơ sở y tế, bệnh viện gần nhất để các bác sỹ xử lý. Tại cơ sở điều trị, sản phụ sẽ được lấy nhau thai, theo dõi và xử lý chảy máu, nhiễm khuẩn, bé sẽ được làm rốn lại và cả hai được tiêm huyết thanh chống uốn ván.
Đồng thời, bạn hãy báo tin cho người nhà sản phụ để tiếp nhận, ổn định tinh thần cho sản phụ sau quá trình vượt cạn.
Trong quá trình đó, bạn chú ý làm các thao tác nhanh chóng, gọn gàng, thận trọng, để bảo đảm an toàn cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, tránh không để mất máu không để bị nhiễm lạnh và nhiễm khuẩn cho cả mẹ và con.
Đối với các tình huống khó khăn trong khi đỡ đẻ ngoài khả năng của bạn, bạn cần nhờ người xung quanh có kinh nghiệm giúp đỡ. Hoặc nhờ người gọi cấp cứu 115 để có nhân viên y tế hỗ trợ, tránh các tai biến trong lúc sinh đẻ.
Mai Anh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất