Mẹ nấu bao nhiêu món ngon mà con ăn toàn nôn thốc nôn tháo, nguyên nhân vì đây
Tin liên quan
Chia sẻ trên mạng xã hội của bà mẹ N.M.H về chuyện con ăn thô kém, suốt ngày nôn trớ đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Người mẹ này than thở: “Em chán quá, con em đã 3,5 tuổi rồi mà ăn thô suốt ngày nôn. Em cho ăn ngày một bữa cơm vào buổi trưa từ lúc con 2 tuổi. Tính đến nay năm rưỡi rồi hôm nào ăn cơm trưa đó cũng nôn, mà ăn gì thô cũng nôn ấy, bánh cuốn, bún, phở miến, hoa quả cứ được vài miếng là nhả hoặc nôn thốc nôn tháo. Trong khi ăn đồ xay nhuyễn thì không sao cả”.
Trẻ bị nôn trớ có thể gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. (Ảnh minh họa)
Chia sẻ với chị N.M.H, nhiều bà mẹ cũng cho biết mình cũng từng gặp phải tình trạng này. Mẹ Thu Nguyễn cho biết: “Vậy bé bị trào ngược dạ dày rồi . Bé nhà mình lúc nhỏ ăn gì cũng nôn, đi khám bác sỹ cho thuốc uống giờ 4 tuổi đã có thể ăn uống bình thường. Lúc nhỏ mẹ bé cho bé ăn cháo xay nhiều quá không tập cho bé ăn thô nên cổ họng với dạ dày không tiếp ứng đó”.
Cũng có bà mẹ cho rằng, nguyên nhân là vì chị N.M.H đã cho con tập ăn thô quá muộn nên bé không có phản xạ nhai nuốt.
Theo Bs chuyên khoa Nhi Nguyễn Thùy Dung, trẻ bị nôn trớ khi ăn dặm là nỗi “khủng hoảng” của nhiều bà mẹ trẻ. “Nôn trớ là một trong những phản xạ tự động của cơ thể nhằm chống lại nguy cơ hóc - nghẹn đặc biệt khi bé bước vào thời kỳ ăn dặm, nôn trớ đôi khi còn tốt cho bé và là phản xạ tự nhiên. Trong đó, nguyên nhân được biết đến nhiều khiến trẻ bị nôn trớ là mẹ ép trẻ uống sữa hoặc ăn quá nhiều. Bên cạnh đó thì việc trẻ nôn trớ quá nhiều cũng là lời cảnh báo cho các bà mẹ về tình trạng sức khỏe của bé. Bé có thể mắc bệnh lý trào ngược dạ dày, hoặc là bé không có phản xạ nhai nuốt do mẹ tập cho bé ăn dặm sai cách”.
Trên thực tế, nếu bé bị nôn trớ một vài lần thì không đáng lo nhưng nếu bé bị nôn trớ nhiều lần thì mẹ cần phải hết sức lưu ý. Vì điều này giống như bệnh lý, nếu không được điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng nặng nề tới sự phát triển của trẻ. Bs Dung cho biết: “Trẻ bị nôn trớ thường xuyên liên tục có thể dẫn tới rối loạn tiêu hóa, viêm dạ dày, biếng ăn, suy dinh dưỡng… Vì thế, mẹ cần phải xem lại cách cho trẻ ăn và thực phẩm trẻ ăn. Nếu mọi thứ đều ổn nhưng bé vẫn nôn trớ thì hãy đưa bé đi khám bác sĩ ngay vì có thể bé đang mắc các bệnh về hẹp môn vị, viêm dạ dày...”
Để bé yêu không gặp phải tình huống này, các bà mẹ cần chú ý luyện cho con ăn độ thô vào những thời điểm tương ứng với độ tuổi để con hình thành phản xạ nhai nuốt, tránh nôn trớ. Tập nhai là một trong những sự kiện quan trọng đánh dấu sự phát triển của bé. Việc làm này giúp bé làm quen với thức ăn thô, tiêu hóa tốt hơn, đồng thời hỗ trợ sự phát triển của răng và cơ hàm.
Mẹ cần cho bé ăn thức ăn có độ thô đúng tháng tuổi.
“Vào khoảng tháng thứ 8, bé sẽ có phản xạ nhai tự nhiên và mẹ cần bắt đầu cho bé tập nhai. Mẹ nên chế biến cho bé những thức ăn có độ lớn, độ mềm thích hợp; tập dần cho bé từ ăn, uống dạng nước lỏng (nước trái cây, canh, cháo loãng…) sang tự cắn một số thức ăn mềm như chuối, đu đủ, khoai lang hoặc bánh ăn dặm được sản xuất đặc biệt dành riêng trong giai đoạn này. Được tập ăn đúng giai đoạn, bé sẽ rất hứng thú với việc ăn uống và hấp thu tốt các chất dinh dưỡng. Nhờ đó, bé yêu của bạn sẽ lớn lên, thông minh và vui khỏe mỗi ngày”, BS Dung cho biết.
Đối với các bé đã qua 12 tháng tuổi mà chưa tự bắt chước nhai thức ăn được, hoặc bị rối loạn vật hình thể, cha mẹ có thể khuyến khích bé nhai bằng một số phương pháp sau:
- Chuyển cấu trúc thức ăn theo độ tuổi đúng cho bé.
- Luôn cho bé nhìn thấy cha mẹ ăn và nhai thức ăn như thế nào.
- Có thể cho bé những thức ăn có cấu trúc kích thích nhai và gặm như: cho bé một đùi gà có một ít thịt trên đó để bé tập gặm và bé có thể ăn một số mẫu thịt trên đó; một cách khác, cho bé ăn những cấu trúc thức ăn giòn giòn vì bé rất thích âm thanh kêu răn rắc khi cắn những thức ăn dạng này.
(BS dinh dưỡng Anh Nguyễn)
Hiện tượng nôn trớ thường xuyên của bé cũng là chỉ dẫn cho các bậc phụ huynh nghĩ đến bệnh lý trào ngược dạ dày, Lý do là vì: “Do cơ thắt thực quản dưới của trẻ yếu, không đủ sức cản sữa, thức ăn trong dạ dày trào lên thực quản.Vì vậy hiện tượng nôn trớ thường xuất hiện muộn, trẻ thường nôn khi thay đổi tư thế đột ngột. Nôn trớ do trào ngược dạ dày sẽ dày đặc hơn việc nôn trớ do sinh lý. Vì thế, các bà mẹ nên chế biến đồ ăn dạng sệt để trẻ dễ nuốt, như vậy có thể tránh hiện tượng thức ăn quá lỏng và lọt ra ngoài đi ngược lên thực quản. Tránh cho trẻ ăn một số thực phẩm làm tăng khả năng trào ngược dạ dày thực quản như: nước cam, quýt, bưởi, thực phẩm giàu chất béo, So-co-la, cà phê, tỏi, hành, thức ăn cay, xốt cà chua…”, BS Dung cho biết
Đặc biệt, khi trẻ có dấu hiệu nôn trớ thường xuyên, các bậc phụ huynh nên cho bé đi khám định kỳ để để phát hiện bệnh kịp thời, đảm bảo quá trình phát triển của trẻ diễn ra bình thường và tránh những điều đáng tiếc.
Châu Anh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất