Mẹ Hải Phòng mách kinh nghiệm ứng phó hiệu quả trong giai đoạn con biếng ăn sinh lý, khủng hoảng ngủ
Tin liên quan
Nuôi con là một hành trình không phải lúc nào cũng dễ dàng, êm ả, có những lúc con biếng ăn, quấy khóc, khủng hoảng ngủ thực sự khiến nhiều mẹ rất stress.
Tuy nhiên, với câu thần chú “bình tĩnh làm mẹ”, chị Trang Anh sẽ chia sẻ một số bí quyết nhỏ giúp các mẹ thoải mái, không áp lực, không stress về vấn đề con biếng ăn sinh lý, khủng hoảng ngủ và lượng ăn bao nhiêu là đủ như sau.
Chị Trang Anh và con trai (Ảnh: NVCC)
Theo 9X Hải Phòng: “Biếng ăn sinh lý là giai đoạn con phát triển về thể chất, về vận động, và trí não, học kĩ năng mới, ví dụ như tập lẫy, tập đi. Lúc này con đang mải học, đang say sưa, đang đam mê tập lẫy tập đi quên cả ăn ngủ. Tuỳ sự phát triển của từng bé mà thời kì diễn ra biếng ăn sinh lý là khác nhau, thời gian kéo dài cũng khác nhau.
Có bé thì một tuần, có bé cả vài tháng. Quan trọng là mẹ cùng con trải qua thời kì ấy thế nào để nó trôi qua nhanh và nhẹ nhàng. Đã gọi là “biếng ăn” thì có nghĩa là không muốn ăn, mà đã không muốn ăn thì có ép cũng không ăn, ép cố thêm được vài thìa chỉ làm con ghét ăn hơn mà thôi. Rồi từ biếng ăn sinh lý chuyển thành biếng ăn tâm lý. Và cứ kéo dài mãi mà không có hồi kết.
Vì vậy, mẹ hãy để cho cơ thể con tự điều chỉnh, con sẽ ăn khi con cảm thấy cần, không có đứa trẻ nào mà nhịn đói được cả, hãy tôn trọng quyết định của con. Việc của mẹ là giữ nguyên tắc bàn ăn, nguyên tắc 1-2-3 cơ hội, chuẩn bị nhiều món ăn hơn, trang trí đẹp mắt hơn. Không ăn bù, ăn vặt, không uống sữa bù. Con không ăn hãy vui vẻ thông báo dừng bữa và dọn. Và “kiên trì đợi” cho thời kì biếng ăn qua đi. Con sẽ ăn lại và ăn bù cho khoảng thời gian ấy”, chị Trang Anh chia sẻ.
Theo 9X Hải Phòng khi con bước vào giai đoạn biếng ăn sinh lý, mẹ ne kiên nhẫn và thấu hiểu con (Ảnh: NVCC)
Bà mẹ trẻ cũng đưa ra quan điểm về vấn đề khủng hoảng ngủ và lo sợ xa cách như sau, thường thì 2 giai đoạn này diễn ra cùng khoảng thời gian (tháng 7-9) nhưng cũng tùy từng bé mà nó đến sớm hơn hoặc muộn hơn khoảng thời gian này, sự kéo dài cũng khác nhau.
Thời gian này con phát triển mạnh và vượt bậc về thể chất (các mốc kĩ năng vận động) và đặc biệt là cảm xúc. Con đã nhận ra sự hiện diện, dự gần gũi, sự chăm sóc, tình cảm... của những người chăm sóc mình (mẹ, bố, bà...) người mà bé tiếp xúc... Vì vậy con lo sợ khi người chăm sóc mình rời xa mình, con sẽ nghĩ đi là đi mãi chứ không về, nên đó cũng chính là lý do khiến cho giấc ngủ bị huỷ diệt.
Khi con rơi vào khủng hoảng ngủ, mẹ cũng nên thật bình tĩnh để xử lý (Ảnh: NVCC)
Thông qua đó, chị đưa ra lời khuyên cho các mẹ về thời điểm nhạy cảm này như sau: “Con lo sợ khi mình tỉnh giấc sẽ không thấy người chăm sóc mình đâu nữa. Việc này có vẻ sẽ khó khăn hơn với những em bé chưa biết tự ngủ. Thời gian này hãy cùng con tâm sự, thủ thỉ về sự vắng mặt, hãy thông báo trước cho con trước khi làm việc gì đó, tập cho con chơi tự lập, chơi trò trốn tìm và giấu đồ vật, hãy tập cho con vắng mẹ từng ngày một và tăng dần khoảnh thời gian xa cách.
Mặc dù thời gian này, việc ngủ của con trở lên khó khăn, thức dậy đêm nhiều hơn, có thêm nhiều thói quen xấu hơn như khóc hờn, đòi mẹ, bế ru, ti...nhưng mẹ hãy cố gắng giữ vững nguyên tắc ngủ để thời gian này trôi qua nhanh hơn và nhàng hơn. Không nên chiều theo những thói quen không tốt ấy. Đặc biệt không “lừa và nói dối con”, không lừa lúc con không để ý, lúc con ngủ... để ra khỏi nhà. Nó sẽ khiến cho mọi việc trở lên tệ hơn”, mẹ trẻ 9X nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, vấn đề lượng ăn của con thế nào là đủ cũng được chị Trang Anh đề cập đến một cách sâu sắc, Bà mẹ trẻ cho rằng, việc quan trọng là mẹ hãy tin tưởng con. Đừng bao giờ so sánh con với những em bé khác. đừng bao giờ đem “con người ta” để so sánh với “con mình”.
Đây thường là sai lầm và là nguyên nhân dẫn đến những căng thẳng, những áp lực làm mẹ. Không nên áp lực về việc ăn của con, con ăn nhiều hay ăn ít, ăn cái gì và không ăn cái gì. Việc của mẹ là cân bằng dinh dưỡng bữa ăn và tìm cách khắc phục.
Phương pháp ăn dặm và chế độ ăn cũng ảnh hưởng rất nhiều đến lượng ăn của con. Thường thì các em bé đều không có sở thích giống nhau, tính cách khác nhau. Vì vậy lượng ăn, cách ăn, sở thích ăn cũng không giống nhau. Con thích ăn đút, thích ăn mềm, thích ăn nhóm này nhóm kia... và điều đó chỉ có mẹ mới hiểu con cần gì nhất. Hãy lắng nghe cơ thể con, để thay đổi thực đơn đều đặn.
“Về lượng ăn, mình cho rằng lượng ăn trong 1 ngày của 1 em bé là không thay đổi. Ví dụ ngày con ăn 1000 ml sữa, nếu đêm ăn 500 rồi, thì ngày con chỉ cần 500 nữa thôi, ngược lại nếu đêm con không ăn thì ngày con sẽ ăn 1000. Vậy những mẹ có em bé ti đêm nhiều đương nhiên lượng ăn ngày của con sẽ giảm. Sữa cũng được tính là 1 bữa ăn. Lượng ăn của mỗi em bé cũng khác nhau, con bạn ăn được 1000 ml một ngày nhưng không phải con mình cũng thế. Vì vậy mẹ chỉ cần “Tôn trọng con” thì mọi việc sẽ trở lên nhẹ nhàng hơn”, chị Trang Anh đưa ra quan điểm.
Chị cũng nhấn mạnh rằng, các mẹ không nên so sánh giữa các bé bởi mỗi bé có những lượng ăn khác nhau (Ảnh: NVCC)
Thông qua đó, mẹ trẻ Hải Phòng cũng lưu ý rằng, các mẹ đừng bắt con giữ lượng sữa như thế mà lại phải ăn nhiều lên, nên giảm dần lượng sữa con sẽ tự ăn dặm bù vào. Đặc biệt ăn đêm không tốt cho con và là nguyên nhân dẫn đến biếng ăn, ảnh hưởng đến giấc ngủ và đương nhiên ảnh hưởng đến sự phát triển của con rất nhiều.
Văn Anh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất