Lý do bà bầu bị khó thở, hụt hơi và cách giải quyết vấn đề này

Lý do bà bầu bị khó thở, hụt hơi và cách giải quyết vấn đề này

2020-06-20 19:00
- Tình trạng bà bầu khó thở khá phổ biến và thường do nhiều nguyên nhân kết hợp gây ra. Vì vậy, tìm hiểu bà bầu khó thở do đâu để có cách giảm nhẹ thích hợp hay đến bác sĩ khám để được can thiệp kịp thời.

Tình trạng bà bầu khó thở khá phổ biến và thường do nhiều nguyên nhân kết hợp gây ra. Vì vậy, tìm hiểu bà bầu khó thở do đâu để có cách giảm nhẹ thích hợp hay đến bác sĩ khám để được can thiệp kịp thời.

Theo một nghiên cứu của Israel vào năm 2015, ước tính có khoảng 60 – 70% bà bầu khó thở trong thời gian bầu bí ngay từ tam cá nguyệt đầu tiên. Dù bà bầu khó thở có vẻ nghiêm trọng và thai phụ cảm thấy không thoải mái nhưng thực ra vấn đề này có thể được giải quyết bằng một vài bài tập thở. Tuy nhiên, nếu khó thở đi kèm với những triệu chứng khác, bạn nên đến bác sĩ để khám và điều trị ngay.

Nguyên nhân bà bầu khó thở , hụt hơi

Tuy khó thở là triệu chứng phổ biến của thai kỳ, nhưng không phải lúc nào bác sĩ cũng có thể xác định chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng này. Bà bầu khó thở vừa có thể do tử cung phát triển vừa có thể do tim bỗng dưng thay đổi trong thai kỳ.

Một số phụ nữ có thể nhận thấy những thay đổi trong hơi thở của họ gần như ngay lập tức, trong khi những người khác lại chỉ cảm nhận điều này trong tam cá nguyệt thứ hai và tam cá nguyệt thứ ba.

bà bầu khó thở, hụt hơi

1. Bà bầu khó thở trong tam cá nguyệt thứ nhất

Trong quãng thời gian này, thai nhi chưa đủ lớn để khiến bà bầu khó thở hoặc tạo ra các vấn đề về hô hấp. Tuy nhiên, cơ hoành, một dải mô cơ ngăn cách tim và phổi với bụng, sẽ tăng lên 4cm trong ba tháng đầu mang thai. Chuyển động của cơ hoành giúp phổi có nhiều không khí hơn. Một số mẹ bầu không nhận thấy sự thay đổi trong quá trình hít thở, còn một số thai phụ khác chú ý thấy rằng không thể thở sâu như lúc trước khi mang thai.

Tương tự như thay đổi ở cơ hoành, bà bầu thường thở nhanh hơn do sự gia tăng của hormone progesterone. Hormone này đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển của thai nhi. Nó cũng là một chất kích thích hô hấp khiến bạn thở nhanh và nhiều hơn, từ đó bà bầu khó thở do nhu cầu cần được cung cấp dưỡng khí tăng cao.

2. Bà bầu khó thở trong tam cá nguyệt thứ hai

Phụ nữ mang thai có thể cảm thấy khó thở trong tam cá nguyệt thứ hai. Đây cũng là giai đoạn tử cung phát triển nhiều hơn. Bên cạnh đó, một số thay đổi trong cách thức hoạt động của tim cũng có thể gây ra tác động tương tự.

Một lý do khác cho việc bà bầu khó thở nữa là lượng máu trong cơ thể tăng đáng kể, khiến tim phải bơm mạnh hơn để vận chuyển máu qua cơ thể và đến nhau thai. Khối lượng công việc tim cần làm trở nên nhiều hơn sẽ khiến bạn mệt mỏi trong quá trình hít thở.

3. Bà bầu khó thở trong tam cá nguyệt thứ ba

Trong tam cá nguyệt thứ ba, việc hít thở có thể dễ dàng hoặc khó khăn hơn tùy thuộc vào đầu của em bé nằm ở vị trí nào. Trước khi thai nhi quay đầu và tiến gần đến xương chậu, đầu của con có thể nằm dưới xương sườn hay ấn vào cơ hoành của người mẹ, từ đó bạn sẽ cảm thấy khó thở.

4. Các nguyên nhân khác

Dù những thay đổi khi mang thai có thể khiến bà bầu khó thở, nhưng vẫn có một số nguyên nhân khác, chẳng hạn như:

Hen suyễn

Mang thai có thể làm cho các triệu chứng hen suyễn trở nên nghiêm trọng hơn. Bất cứ ai bị hen suyễn cũng đều cần nói chuyện với bác sĩ về các phương pháp điều trị an toàn trong thai kỳ để tránh làm hại mẹ lẫn con.

Bệnh cơ tim chu sản

Đây là một loại suy tim có thể xảy ra trong khi mang thai hoặc ngay sau khi sinh. Các triệu chứng bao gồm sưng mắt cá chân, huyết áp thấp, mệt mỏi và tim đập nhanh. Nhiều phụ nữ ban đầu có thể lầm tưởng các biểu hiện này thành dấu hiệu mang thai nhưng bệnh cơ tim chu sản có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bạn và thường cần được điều trị.

Thuyên tắc phổi

Thuyên tắc phổi xảy ra khi huyết khối bị kẹt trong động mạch phổi. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động thở, gây ho, đau ngực và khó thở.

Giữ nước

Một số phụ nữ gặp phải chứng phù nề khi mang thai. Đây là một dạng giữ nước nghiêm trọng nhưng khá phổ biến ở mẹ bầu. Khi bị phù nề, tình trạng sẽ ảnh hưởng đến phổi và xoang mũi, từ đó gặp khó khăn khi thở.

Thiếu máu

Cơ thể bạn sử dụng lượng sắt dự trữ để tạo ra các tế bào hồng cầu cần thiết và mang oxy đi khắp các nội cơ quan. Thiếu sắt đồng nghĩa với việc cơ thể bạn sẽ thiếu máu và khiến cơ thể làm việc nhiều hơn so với bình thường nhằm tạo ra oxy, từ đó khiến bà bầu khó thở.

Cách giảm nhẹ tình trạng khó thở ở bà bầu

Cảm thấy khó thở có thể khiến bà bầu không thoải mái cũng như hạn chế hoạt động thể chất. Tuy nhiên, Hello Bacsi sẽ bật mí một số mẹo nhỏ để giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn:

Các tư thế đúng

Các tư thế đúng sẽ hỗ trợ tử cung di chuyển ra xa cơ hoành giúp mẹ bầu thở dễ hơn. Để làm được điều này, bạn có thể sử dụng đai đỡ bụng bầu. Đây là sản phẩm được thiết kế giúp phụ nữ mang thai vận động thoải mái hơn. Ngoài ra, mẹ bầu nên tập luyện các bài tập thở thường được sử dụng trong lúc sinh nở nhằm giúp bạn hô hấp dễ dàng.

Nghỉ ngơi

Mẹ bầu hãy lắng nghe cơ thể và nghỉ ngơi khi cần thiết nếu cảm thấy không thở bình thường được. Trong giai đoạn sau của thai kỳ, phụ nữ mang thai không thể thực hiện các hoạt động thể chất như trước.

Chèn gối vào phần lưng trên khi ngủ có thể khiến tử cung nghiêng xuống và cung cấp cho phổi nhiều không gian hơn. Nghiêng nhẹ sang trái cũng hỗ trợ tử cung không đè lên động mạch chủ (động mạch chính di chuyển máu kết hợp oxy qua cơ thể), từ đó giúp mẹ bầu thở dễ dàng hơn.

Vận động nhẹ

Vận động vừa phải chẳng hạn như tập thể dục nhịp điệu hoặc yoga đều là biện pháp giúp cải thiện nhịp thở và điều hòa nhịp tim khá lý tưởng. Tuy nhiên, dù bạn chọn hình thức tập thể dục nào, đừng thực hiện quá sức cũng như tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu thực hành nhé.

Khi nào nên đến bác sĩ?

Bà bầu khó thở là tình trạng phổ biến nhưng nếu có các biểu hiện sau, bạn hãy đến bệnh viện ngay lập tức:

Ngón tay, môi và ngón chân chuyển sang màu xanh
Tim đập nhanh hoặc nhịp tim tăng cao
Đau ngực khi thở
Thở khò khè.
Khi gặp bác sĩ, bạn có thể được chỉ định siêu âm để loại trừ trường hợp bị cục máu đông.

Theo Suckhoe24h

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


4 bí quyết đơn giản giúp giảm 21kg ngoạn mục của người mẫu Nhật

Đọc nhiều nhất