Hướng dẫn mẹ cách cải thiện tình trạng móp đầu do bé nằm nghiêng
Tin liên quan
Vì sao đầu bé sơ sinh lại lồi lõm, không tròn trịa?
Xương đầu của trẻ sơ sinh đều do 5 “mảnh xương” hợp thành nhưng chưa hoàn toàn khép kín, điều này là để thuận lợi cho não và đầu tiếp tục phát triển. Những mảnh xương này do các tổ chức mềm nối tiếp với nhau, chúng có độ co giãn để bé có thể “chui ra” từ đường sinh nở hẹp của người mẹ. Chỗ tiếp nối giữa 5 mảnh xương vẫn còn khe hở, có trường hợp còn xếp chồng lên nhau, vì vậy nhìn từ bên ngoài, bạn sẽ thấy bề mặt đầu của bé xuất hiện lồi lõm, không bằng phẳng.
Ngoài ra, phần trước đầu và sau đầu của trẻ có 2 chỗ nhô lên, phía sau rất nhỏ nên không dễ phát hiện, khi trẻ khoảng 2 tháng tuổi chỗ nhô lên ở sau đầu sẽ khép kín và bằng phẳng trở lại. Tuy nhiên, chỗ nhô lên ở trước đầu phải đến khi trẻ được 1 tuổi cho đến 1 tuổi rưỡi mới thật sự khép kín và bằng trở lại. Cho nên, nếu bạn sờ thấy phần đầu trước của bé có một “cục u” khá to thì cũng không nên quá lo lắng. Song, nếu chỗ lồi (hoặc lõm) này to bất thường và bé có biểu hiện khó chịu thì bạn nên đưa bé đến gặp bác sĩ.
5 chiêu cải thiện tình trạng móp đầu do bé nằm nghiêng
Bên cạnh hiện tượng đầu bé không bằng phẳng do các mảnh xương chưa khép kín thì thói quen thích nằm nghiêng trong thời gian dài cũng làm tăng nguy cơ khiến đầu bé không tròn trịa, rất nhiều bà mẹ đều lo lắng sau này con mình lớn lên trông sẽ xấu đi.
Kỳ thực, bạn không nên quá lo lắng bởi vì thông thường khi bé bắt đầu biết ngóc đầu, biết lật (khoảng 4 đến 6 tháng tuổi), lúc này thời gian nằm của bé cũng giảm đi, tình trạng móp đầu sẽ dần dần được cải thiện. Cho dù chỗ lồi lõm có nhiều thì vẫn hồi phục tốt hơn, chỉ là sẽ không tròn trịa hoàn hảo như bình thường mà thôi.
Nếu bạn muốn hạn chế tối đa tình trạng đầu bé không được đẹp do nằm nghiêng thì có thể áp dụng những mẹo sau đây:
Thực hiện vận động đầu cho bé
Đa số các bé trước 4 tháng tuổi sẽ chưa biết lật mình, vì vậy bạn có thể sắp xếp thời gian định kỳ trong ngày để giúp bé ngóc đầu nhiều hơn. Mẹ có thể ẵm bé trước ngực sao cho phần đầu của bé tựa vào ngực của bạn. Nhưng chú ý dù thực hiện động tác nào cũng nên làm lúc bé vừa ngủ dậy hoặc lúc bé thả lỏng nhất, không nên tiến hành sau khi bé vừa bú xong để tránh ọc sữa.
Tận dụng cơ hội khi bé bú mẹ
Nếu bé thích nằm nghiêng một bên khi ngủ, mẹ có thể tận dụng cơ hội khi cho bé bú, cố gắng để bé nằm nghiêng sang bên ngược lại. Ví dụ bé thường nằm nghiêng bên trái thì mẹ nên dùng tay trái để ẵm bé khi bú, như vậy tự nhiên bé sẽ chuyển hướng đầu nghiêng sang phải.
Hỗ trợ bé nằm ngửa
Những lúc bé vừa thức dậy hoặc lúc bé vui chơi, bạn nên hỗ trợ để cho bé nằm ngửa và chuyển vị trí trái phải để trò chuyện với bé. Lúc này, bé sẽ được vận động đầu đều đặn cả hai bên khi nhìn theo mẹ.
Thu hút sự chú ý của bé
Khi bé sắp ngủ, bạn có thể đặt vài món đồ chơi sao cho thu hút được sự chú ý của bé, nhớ là đặt ở bên mà bé không thích nằm nghiêng nhé. Ví dụ bé hay ngủ nghiêng bên trái thì bạn đặt vật gây chú ý ở bên phải của bé.
Mát xa nhẹ nhàng
Động tác mát xa nhẹ nhàng phần cổ và hai bên đầu cho bé cũng có tác dụng tích cực cải thiện tình trạng móp đầu. Bạn cũng có thể xin ý kiến bác sĩ để học vài bài trị liệu vật lý đơn giản và dành thời gian tập cho bé.
Thiên Khuê
Nguồn: Epochtimes, Sina
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất