Giấc ngủ có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe của mỗi người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Nhiều gia đình có con nhỏ lâm vào tình trạng căng thẳng kéo dài, mệt mỏi stress chỉ vì con ngủ không sâu giấc, quấy khóc ban đêm, gắt ngủ nhiều trước khi ngủ thậm chí tình trạng bé ngủ ban ngày, còn ban đêm quấy khóc không cho cả nhà ngủ yên... Vậy làm thế nào để bé ngủ ngon, đảm bảo sức khỏe cho bé và những người thân trong gia đình là một vấn đề được rất nhiều mẹ quan tâm.
Với những bà mẹ có con nhỏ, mong muốn con mình có nết ăn nết ngủ ngoan là niềm khao khát rất lớn. Như chị Khánh Linh (một bà mẹ còn rất trẻ, hiện đang sinh sống tại Hải Phòng) cũng luôn mong con mình được như vậy. Thế nên, ngay từ khi sinh bé Cao Gia Bảo (bé Tít), chị đã có ý thức rèn con ngủ ngay khi xuất viện.
Chị kể: "Hai ngày đầu ở viện, mình còn đau nhiều nên không chăm được con mà phải nhờ vào sự giúp đỡ của ông bà. Ông bà bế ẵm, ru cho con ngủ rồi cho con ăn... Nhưng khi ra viện rồi, mình nghĩ nếu cứ bế ẵm con như thế, con sẽ quen mất, rồi bện hơi mẹ, mẹ sẽ chẳng thể làm nổi việc gì nên mình tập dần cho con có thói quen tự ngủ".
Cậu bé Tít có tính tự giác rất cao vì được mẹ rèn luyện từ nhỏ (Ảnh NVCC)
Ban đầu, chị Linh tập cho con cách phân biệt ngày và đêm trước. Ban ngày, chị ấy gọi con dậy chơi và cho ăn làm nhiều lần. Ban đêm, chị Linh để đèn tối, mọi thứ xung quanh yên tĩnh, chèn gối xung quanh để con lúc nào cũng có cảm giác có người nằm cạnh. "Mất khoảng 1 tuần là con phân biệt được ngày và đêm. Và công cuộc của mình cứ dần dần được thực hiện", chị Linh chia sẻ.
Ban đêm, con ngủ một giấc dài, đói thì ọ ẹ dậy ti rồi ngủ tiếp. "Lúc ngủ mình cũng không ôm ấp con vào lòng đâu vì sợ con bện hơi, sau này bám mẹ thì mẹ sẽ rất vất vả. Thế nên con có ọ ẹ thì mình chỉ vỗ vỗ nhẹ cho con, rồi lại nằm ra xa. Sau này, đến việc vỗ nhẹ cho con những lúc con chuyển giấc, giật mình cũng không cần nữa".
Chỗ nào mình thích thì mình nằm thôi, gác chân vào đây cho thoải mái nào! (Ảnh NVCC)
Vương quốc của con đây ạ! (Ảnh NVCC)
Thời gian đầu, cu cậu vẫn khóc đòi bế ẵm nhưng chị ấy quyết tâm không đáp ứng ngay đòi hỏi của con mặc dù trong lòng muốn ôm con. "Đêm con khóc, thương lắm nhưng mình cứ im lặng, để con tự nín, khoảng thời gian đó quả thật là rất khó khăn. Nếu mẹ nào không có tinh thần thép thì không làm được đâu. Tít gào khóc mãi, rồi cu cậu lại tự nằm mút tí giả, mãi rồi cũng nín. Lớn thêm chút nữa, con biết rồi nên ăn vạ ghê lắm mỗi khi cho con ngủ một mình. Nhưng mình vẫn lờ đi, dặn mình không được mềm lòng. Mình rèn con được nết ngủ ngoan thì sau này con khỏe, mẹ nhàn còn nếu không thì xác định căng thẳng, stress cực độ. Cứ như thế, mình tự động viên bản thân để vượt qua giai đoạn khó khăn này".
Con thật đáng yêu phải không? (Ảnh NVCC)
6 tháng, con ăn dặm là chị Linh cho con ngủ riêng. "Khi bị cho ngủ một mình, Tít được mẹ cấp cho 3 cái gối ôm để bầu bạn. Thế nên giờ con thích gối lắm, cứ đi ngủ là phải chèn gối vòng quanh người mới chịu", chị Linh kể.
Đến khi Tít 8 tháng, con đã dần hình thành thói quen tự ngủ. Chị Linh chia sẻ: "Đến khi con được 8 tháng, mẹ cứ tắt đèn là con ngủ. Việc của mẹ chỉ là nằm ngắm con ngủ ở cũi bên cạnh, việc của con là sờ sờ vê vê vào cái gối ôm rồi ngủ lúc nào chẳng biết. Giờ con quen ngủ một mình đến nỗi không muốn ngủ cùng ai kể cả mẹ có gạ gẫm thử dụ con ngủ cùng 1 tối cũng khó".
Ngủ mọi chỗ, mọi nơi, mọi tư thế (Ảnh NVCC)
Trong lúc đợi mẹ mang đồ ăn đến, con ngủ tạm chút nhé! (Ảnh NVCC)
Sốt con vẫn cứ phải cười tươi như thế (Ảnh NVCC)
Thành quả sau chuỗi ngày con khóc mà không được bế ẵm là một cậu bé có tính tự giác rất cao. Tự chơi, tự ngủ và trộm vía có nết ăn cũng rất ngoan. Đến giờ, Tít có đi đâu chơi không cần có mẹ cũng không sao, không như một số em bé khác, là đi đâu cũng phải có mẹ đi cùng mới chịu. Chị Linh nói: "Tít giờ sang ông bà ngoại là không muốn về, mẹ đón có khi còn bơ mẹ luôn, mà sang đó con cũng đòi ngủ một mình chứ không chịu ngủ với ông bà đâu".
Ngủ là phải ngủ ngon như thế này! (Ảnh NVCC)
Khi được hỏi về khó khăn trong quá trình rèn con tự ngủ, chị Linh kể: "Khó nhất vẫn là đấu tranh bản thân để không được mềm lòng, phải thi gan với con xem ai là người chiến thắng. Rồi phải lựa lời nói với ông bà để ông bà không tránh cứ 'mẹ gì mà lòng dạ sắt đá, không biết xót con, thương con à?'. Nói chung muốn nhận quả ngọt thì phải dày công chăm sóc, vun trồng".
Mẹ Khoai