Đừng để phát điên vì áp lực rèn bé ngủ
Tin liên quan
Kiệt sức vì chuyện ngủ nghê của con
Mong muốn rèn cho bé con của mình biết ngủ vào nếp, nhiều bà mẹ trẻ vô tình đã tự tạo ra áp lực khổng lồ.
Trước khi sinh con, chị Vân Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) đã đọc khá nhiều tài liệu về chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Chị tự nhủ, sẽ áp dụng một số phương pháp rèn ngủ, ăn cho bé để giúp bé phát triển tốt nhất, cũng như giúp bản thân bớt mệt mỏi trong quá trình chăm con. Nhưng đến khi “vào cuộc”, chị mới thực sự thấm thía, “đời không như là sách”.
Bé quấy khóc, khó ngủ khiến nhiều mẹ stress nặng nề (Ảnh: Internet)
“Tháng đầu, bé hầu như ngủ rất ngoan, chỉ khoảng 1 tuần là khóc đêm chút chút còn lại cứ đều đặn ngủ khoảng 2 – 3 tiếng dậy ăn, chơi rồi ngủ. Mình đang hí hửng được làm mẹ “nhàn”, thì bé đổi khác. Ra tháng, bé đầu gắt ngủ khủng khiếp. Cứ sau 7 giờ tối, bé khóc và quấy 3 – 4 tiếng liên tục rồi mới chịu ti và đi vào giấc ngủ. Mình áp dụng nhiều “chiêu” rèn con như để kệ bé khóc, bế lên đặt xuống, không bế rong, không cho bú ngủ… nhưng đều bất thành. Cuối cùng mình phải chịu thua con, lại bế, lại ru, lại nựng, đưa võng… đến rã rời tay chân” – chị Vân Anh chia sẻ.
Chị Vân Anh cho hay, căng thẳng vì mới sinh đã đành, chị còn tủi thân vô cùng khi hai vợ chồng còn khục khặc cãi nhau vì chồng không đồng ý với cách chị luyện ngủ cho con. “Anh đã không giúp được vợ thì chớ, còn liên tục cằn nhằn, mình cho con ngủ mà cứ như “đánh vật”, làm khổ con” – chị nói.
Muốn tập cho bé ngủ ngoan, ngủ đủ, nên chị Thu Hoài (Đống Đa, Hà Nội) theo dõi lịch ăn và nhất là ngủ của con rất kĩ lưỡng. Khổ nỗi, bé con của chị từ khi mới sinh ít khi ngủ đủ thời gian như khuyến cáo. Bé tuy ăn tốt, chơi ngoan, nhưng chị luôn lo sợ con chậm lớn, chậm phát triển vì vấn đề ngủ không tốt.
“Dù trong giai đoạn sơ sinh, nhưng con ngủ ít, chỉ từ 12 – 14 tiếng/ ngày là nhiều. Đặc biệt, bé ngủ ngày không sâu, cứ 20 - 45 phút ngủ đã giật mình tỉnh dậy, mẹ phải bế, ru, dỗ ngủ lại mất rất nhiều thời gian, sức lực” – người mẹ chia sẻ.
Chị Hoài thường cố gắng cho con ngủ nhiều nhất có thể. Chị căn ke, đo đếm từng phút con ngủ, cố gắng dỗ cho con ngủ đêm sớm, thử nhiều cách để con ngủ ngoan như: bật nhạc êm ái, mở tiếng máy sấy, tạo tiếng ồn trắng, giữ môi trường ngủ yên tĩnh. Căn phòng cho bé ngủ lúc nào cũng phải “im lặng tuyệt đối”, người nhà vào phải bước đi rón rén, nói chuyện thì thào khi bé ngủ vì sợ bé giật mình tỉnh giấc.
Không “thân làm tội đời”
Mệt mỏi về thể xác đã đành, các mẹ có con khó ngủ còn chịu áp lực lớn về tinh thần: Không biết con có gặp vấn đề gì về sức khỏe? Hoang mang liệu con có bú đủ lo? Con có đói, có đau bụng? Mẹ có bế con, chăm con đúng cách…
Thực tế, mỗi em bé ra đời đều có những đặc điểm riêng, thói quen riêng, bao gồm cả việc ngủ của bé. Một số bé có thể ngủ rất dễ, một số khác thì ngược lại. Để không quá mệt mỏi hoặc mang áp lực nặng nề chuyện chăm con ngủ, các mẹ nên linh hoạt hơn trong cách chăm sóc con ngủ của mình. Dưới đây là một số lời khuyên giúp mẹ cởi bỏ những áp lực, tránh “thân làm tội đời” xung quanh việc rèn luyện, chăm sóc giấc ngủ cho bé:
Thay vì cứng nhắc trong việc thiết lập thời gian biểu ngủ cho con, áp dụng theo những phương pháp luyện ngủ được giới thiệu, các mẹ nên “nương” theo nhu cầu của bé: Cho bé chơi, tìm cách thu hút sự tập trung của bé đến khi mệt, buồn ngủ hẳn; tạo những thói quen dễ chịu trước khi ngủ như: nghe nhạc, vuốt ve, kể chuyện… Không nên cố gượng ép bé ngủ bằng cách ru, bế rong hoặc cho bú mẹ để ru ngủ. Vì những cách này sẽ tạo ra những thói quen xấu, bé càng lớn, càng khó thay đổi.
Đặc biệt, các bé có thể thay đổi thói quen, nhu cầu ngủ theo lứa tuổi. Vì vậy, các mẹ không nên vội nản chí nếu tại một thời điểm nào đó, bạn rèn ngủ cho bé bất thành. Bạn có thể cho bé thêm thời gian để thích ứng và tập lại cho con sau.
Để giảm bớt áp lực và nỗi vất vả khi khó khăn trong việc dỗ, rèn con ngủ, các mẹ nên chia sẻ điều này với chồng, người thân trong gia đình. Cụ thể, nếu bắt buộc phải bế, rong con hay mất nhiều thời gian chơi, dỗ dành bé trước giờ ngủ, mẹ có thể “san sẻ” với người thân. Hãy để mình “nhẹ gánh” hơn khi chăm sóc bé nếu bạn thực sự cảm thấy mệt mỏi.
Khi muốn áp dụng một cách rèn luyện riêng nào cho con, bạn có thể khéo léo chia sẻ với người nhà, để tránh những xung đột trong quan điểm nuôi dạy trẻ, vô tình ảnh hưởng đến kết quả chăm sóc bé, cũng như mang thêm áp lực cho mẹ.
Cố gắng giữ bình tĩnh và kiềm chế cảm xúc trong khi dỗ bé ngủ. Trẻ em rất nhạy cảm và có thể cảm nhận sự bất an, tức giận của mẹ mà càng bất hợp tác khi mẹ dỗ ngủ. Vì vậy, nếu việc bé quấy khóc khiến bạn quá mệt mỏi, hãy tạm dừng lại xoa dịu chính mình, hoặc nhờ ai đó trông bé giúp để bạn được vài phút giải tỏa căng thẳng, làm dịu tâm trí trước khi quay trở lại với con.
Hãy nhớ, ngủ là một nhu cầu tất yếu của cơ thể, trừ khi con bạn gặp những vấn đề bất thường về sức khỏe, tự bản thân bé sẽ thể hiện ra nhu cầu của mình. Việc của bạn là tập trung quan sát, theo dõi, nắm bắt và đáp ứng lại nhu cầu của con.
Quỳnh Anh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất