Dọa con là... bất lực!

Dọa con là... bất lực!

2015-03-28 13:31
- Những lời dọa dẫm của cha mẹ có thể mang lại những ảnh hưởng không tốt đến đời sống tinh thần của trẻ.

Đa phần các ông bố, bà mẹ bây giờ vẫn đang dạy con theo bản năng và theo những gì bản thân cho là “tốt cho con”. Nhiều ông bố, bà mẹ vẫn quan niệm, mình sinh con ra là mình biết dạy con và dạy theo cách nào là quyền của mình. Thông thường, ai cũng tự cho rằng cách dạy con của mình là tốt nhất rồi. Theo đó, các ông bố, bà mẹ thường dùng biện pháp: năn nỉ, dọa nạt, quát mắng, thậm chí là dùng roi vọt.
Người Việt Nam đã quen với hình ảnh "ông ba bị", bởi phàm đã là trẻ con chắc ai cũng từng một lần bị người lớn đem ra hù dọa. Cụm từ này phổ biến đến mức gần như đã trở thành câu thành ngữ, câu cửa miệng của người lớn dùng để dọa trẻ.

Mỗi gia đình có một cách "hù dọa" con khác nhau, người thì lấy những con vật gớm ghiếc như hổ, rắn, chuột, gián… người lại lấy những “nhân vật” không có thật như ma, quỷ, phù thủy, ông ba bị… để trẻ sợ và ngăn cấm bé không thực hiện một hành động sai trái nào đó hoặc nghe theo lời của cha mẹ.

Các câu hù dọa lúc trẻ đang nhỏ thường là: “ông ba bị bắt”, “ông kẹ bắt”, “ma bắt”, “nhốt vào bóng tối”, lớn hơn một chút thì là: “không học thì đi bơm xe”, “không làm sẽ bị một trận đòn”,…

Chẳng hạn, trời tối rồi mà cháu cứ nằng nặc khóc đòi ra ngoài chơi, một số ông bà thường dọa: “Ngoài kia có ông ngáo ộp đấy!”. Con lười ăn, mẹ bế con đi rong, vừa dỗ con ăn vừa dọa: “Có ăn đi không, bác bảo vệ tới bắt bây giờ!”, hay “nếu con không ngoan là mẹ sẽ đưa con đến trường đấy!”. Khi con lớn hơn một chút thì dọa đánh, dọa mách cô giáo, dọa lớn lên đi bơm xe ngoài đường hay làm những công việc mà theo quan niệm xã hội là cực nhọc, vất vả và “không sang”. Không dừng ở đó, trẻ đến lớp mẫu giáo nhiều lúc lại bị cô giáo dọa tiếp, như vậy một số người lớn đã rất “hồn nhiên” trong dọa trẻ, dùng những cụm từ sao cho dọa trẻ một cách “hiệu quả” nhất theo quan niệm của họ.

Kết quả sau những lời dọa dẫm đó là gì? Bố mẹ có thể đạt được mục đích tức thời là ngăn cấm không cho trẻ thực hiện một hành động sai trái nào đó và bắt trẻ phải làm theo ý muốn của người lớn, nhưng họ chưa nghĩ đến những ảnh hưởng không tốt đến đời sống tinh thần của trẻ. Nhiều đứa trẻ hay bị bố mẹ, người lớn dọa sẽ mang theo nỗi sợ hãi, ám ảnh in sâu trong tâm hồn, cùng trí tưởng tượng phong phú của trẻ dẫn đến sự nhút nhát, sợ hãi, thậm chí hoảng loạn cho trẻ.

Các bậc cha mẹ cần thấy rõ nếu dọa con nhiều thì hiệu quả càng thấp, dọa nhiều quá sẽ phản tác dụng, giống như dùng thuốc vậy, dù thuốc tốt mấy mà uống lắm cũng nhờn và dọa con nhiều cũng chứng tỏ sự bất lực ở bố mẹ.

Hãy khơi gợi lòng tự tôn ở trẻ, khích lệ trẻ để có thể điều chỉnh hành vi của trẻ thay vì việc hù dọa con.

Không có một công thức chung, nhưng thay vì việc dọa con thì các bậc bố mẹ cần đầu tư thời gian và trí lực, cần hiểu tâm lí của con mình, “kiên quyết nhưng mềm mỏng”, và luôn “nói lời tích cực” với con. Tôi luôn nghĩ, mình được quyền làm mẹ nhưng phải luôn học hỏi, học ở sách vở, học ở mọi người và học chính từ con mình để mình điều chỉnh lời nói, hành vi cho đúng, được quyền dạy con không có nghĩa muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói. Nên khi nói với con phải luôn nhẹ nhàng, mềm mỏng, kiên quyết nhưng không được làm con lo sợ, không làm tổn thương tâm lí, không làm con buồn.

Khi dạy con, chưa bao giờ tôi dùng một lời dọa con, tôi “kiêng” dùng từ tiêu cực theo kiểu dọa “ma bắt”, “ông ba bị”, “chuột cắn”,… vì tôi luôn nghĩ: một là, dọa con là thể hiện sự bất lực của mình, thể hiện mình kém cỏi, hai là: dọa con sẽ ảnh hưởng đến tâm lí của con, có thể những lời dọa của mình ngấm vào “bộ não non nớt” của con thì khó mà “tẩy” ra được, nỗi sợ hãi ám ảnh theo con mình mãi thì sao. Hơn nữa những nhân vật mà mình đưa ra để dọa con sẽ tạo nên "hình ảnh xấu” của họ vào đầu con mình.

Tôi luôn khích lệ con, phân tích kĩ cho con hiểu, các câu từ đưa ra phù hợp với tâm lý, tính cách của con, nói đến tương lai gần, không nói xa xôi quá làm cho trẻ không hiểu nổi. Chẳng hạn, con 3 tuổi và không chịu đến lớp mẫu giáo, nếu ta bảo con phải chăm đến lớp học để sau này “có công ăn việc làm” hoặc “thành kỹ sư, bác sĩ’ thì thật là khó hiểu với đứa trẻ 3 tuổi. Trường hợp này tôi hay nói, “con biết không, đến lớp vui lắm, có nhiều bạn, cô giáo dạy con múa hát, kể chuyện, rồi con về con múa hát cho bố mẹ, ông bà nghe nhé”; Khi con học tiểu học, nếu con không chịu học bài, làm bài ở nhà, tôi nói “nếu con làm đủ bài tập, con thuộc bài thì đến lớp con sẽ vui hơn, con không phải lo cô giáo gọi lên đọc bài, và khi con học tốt cô giáo sẽ quý con hơn, các bạn yêu con hơn”, chứ tôi không nói theo kiểu, “nếu không học thì mua cho cái bơm xe để đứng đường” hay “nếu không học bố/mẹ sẽ đánh cho một trận” như một số ông bố, bà mẹ vẫn dọa con.  

Đúng thế, nếu chúng ta không dạy bảo được con, không tìm được phương pháp tốt mà lại chờ đợi phép màu ở một lực lượng “siêu thực” như “ông ba bị”, “ma”,… để hù dọa là chúng ta đã bất lực.

Cần khích lệ trẻ và nên dùng lời lẽ giải thích cặn kẽ mỗi khi trẻ phạm lỗi hoặc trẻ chưa nghe lời người lớn. Phân tích cho trẻ cái hay, cái được, của việc trẻ cần làm cũng như cái bất lợi của việc trẻ không làm.

Hãy làm cho con trẻ hiểu dần, ngấm dần những điều hay, điều tốt, rồi trẻ sẽ tự giác thực hiện một cách vui vẻ nhất.

Hãy là một ông bố, bà mẹ thông minh trong nuôi dạy con!

Thành Tâm
(Theo Congluan.vn)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Tiết lộ 4 con giáp không thể yêu xa

Đọc nhiều nhất