Cắt bỏ tử cung như cựu siêu mẫu Thúy Hạnh có phải nỗi đau đớn lớn nhất của người phụ nữ?
Tin liên quan
Mới đây, dòng chia sẻ trên trang cá nhân của cựu siêu mẫu Thúy Hạnh khiến nhiều fan hâm mộ hết sức lo lắng. Ban đầu, nhiều người lầm tưởng cô vào viện vì có em bé, ai ngờ, đó lại là chuyến nhập viện để cắt bỏ cổ tử cung.
"Bà mẹ hai con" cho biết, cách đây hơn 2 tháng, cô phát hiện bệnh u xơ tử cung, u lạc nội mạc tử cung. Bác sĩ khuyên cô nên suy nghĩ kỹ về phương pháp điều trị. Nếu muốn có thêm con thì nên giữ lại tử cung và chữa nội, còn nếu quyết định không sinh con nữa thì nên cắt bỏ tử cung sẽ an toàn hơn cho sức khỏe.
Cựu siêu mẫu chia sẻ hình ảnh sau cuộc phẫu thuật.
"Đối với phụ nữ thì việc cắt tử cung là vấn đề lớn. Nhưng tôi đã sinh hai lần rồi, cũng không còn gì để nuối tiếc. Vợ chồng tôi cũng suy nghĩ kỹ rồi mới quyết định phẫu thuật. Bây giờ tâm lý của tôi hoàn toàn thoải mái", Thúy Hạnh tâm sự. Cựu người mẫu thừa nhận, cô đã phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều khi biết bản thân bị u xơ tử cung, u lạc nội mạc tử cung: "Dù sao cũng là cắt hẳn một bộ phận trong cơ thể nên tôi cũng hơi buồn".
Theo các chuyên gia sản khoa, cắt bỏ tử cung là một kỹ thuật phẫu thuật không được khuyến khích, chỉ thực hiện trong những trường hợp bất khả kháng và không có biện pháp nào để thay thế. Bởi tử cung là cơ quan sinh dục đặc trưng của người phụ nữ, ngoài việc không thể có con được nữa thì sau khi cắt bỏ tử cung, sức khỏe phụ nữ sẽ có ảnh hưởng nhất định.
BS chuyên khoa sản Hoàng Nghĩa Tuấn chia sẻ với độc giả Emđẹp: “Cắt bỏ tử cung là một quyết định luôn cần sự thận trọng. Các bác sỹ sẽ chỉ đưa ra chỉ đinh này khi người phụ nữ gặp phải các vấn đề trong hệ thống sinh sản nữ. Ví dụ, xuất huyết âm đạo quá mức dẫn tới thiếu máu và không thể khắc phục được. Thứ hai, vỡ tử cung trong khi sinh hoặc gặp chấn thương. Những phụ nữ bị u xơ tử cung, sa tử cung, nhiễm trùng tử cung”.
Thông thường có 3 loại cắt bỏ tử cung:
Ảnh minh họa.
– Cắt một phần (gần như toàn phần): Là chỉ cắt và lấy đi thân tử cung, chừa lại cổ tử cung. Cách này hiện nay rất ít dùng.
– Cắt tử cung toàn phần: Cắt bỏ thân tử cung và cổ tử cung. Việc cắt bỏ tử cung là để tránh ung thư về sau.
– Cắt tử cung tận gốc: Phẫu thuật này rất nặng, dành cho một số ung thư đã phát triển lan rộng gồm sự cắt bỏ toàn bộ tử cung, vòi trứng, buồng trứng, phần trên âm đạo và nạo thêm các hạch bạch huyết vùng chậu.
BS Tuấn cho biết: “Nhiều người cho rằng cắt cổ tử cung là rất nguy hiểm, cho nên nằng nặc không chịu. Tất nhiên, cần nhìn thẳng vào sự thật là sau khi cắt bỏ tử cung, phụ nữ không thể có thai và cũng không cần ngừa thai. Nhiều phụ nữ lo ngại rằng đời sống tình dục bị ảnh hưởng và thể chất cũng sẽ thay đổi. Tuy nhiên sự thay đổi này không có gì đáng kể so với những biến chứng có thể xảy ra khi tử cung chưa cắt. Việc phục hồi sau khi phẫu thuật phụ thuộc rất lớn vào phương pháp mổ cắt tử cung: mổ hở hay mổ nội soi. Nếu mổ nội soi, thời gian phục hồi sẽ nhanh hơn. Người mổ nội soi có thể trở về hoạt động bình thường sau 2 tuần. Đối với người mổ hở, cần 6-8 tuần để trở lại bình thường, trong một số trường hợp cần thời gian lâu hơn, và sẽ không được nâng vật nặng trên 5kg trong vòng 5 tuần sau mổ”.
Một trong những vấn đề được các chị em phụ nữ quan tâm nhiều nhất đó là liệu mình còn ham muốn không, có bị già đi nhanh hơn và mất đi chất “phụ nữ” không? Trả lời câu hỏi này, BS Tuấn khẳng định, tử cung chỉ có một chức năng duy nhất là làm tổ cho trứng thụ tinh và à cái nôi chứa bào thai. Việc cắt bỏ tử cung chỉ làm cho phụ nữ hết kinh nguyệt, hết khả năng sinh con chứ không suy giảm chức năng sinh dục.
Cắt bỏ tử cung không làm ảnh hưởng đến chức năng sinh dục của phụ nữ như lầm tưởng.
“Nếu chỉ cắt bỏ tử cung, thì sau 2-4 tuần, bạn có thể quan hệ tình dục bình thường. Nhưng nếu cổ tử cung của bạn cũng bị cắt bỏ, thì thời gian để âm đạo phục hồi phải mất khoảng 6 tuần. Trong trường hợp cắt tử cung nhưng giữ lại 2 buồng trứng thì nội tiết của bạn vẫn bình thường, do đó không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt vợ chồng. Nếu sau thời gian phẫu thuật, các chị em bị bốc hỏa, mệt mỏi, mất ngủ, sụt cân... thì nên đi khám để bác sĩ cân nhắc việc điều trị nội tiết”, BS Tuấn khuyên.
Rõ ràng phẫu thuật cắt bỏ tử cung dễ dẫn đến sang chấn tinh thần do cảm giác mất mát sau phẫu thuật, nỗi ám ảnh về việc không còn có kinh nguyệt hoặc có con đối với phụ nữ. Thế nhưng, các chị em cũng không nên quá đau buồn, suy sụy ảnh hưởng đến sức khỏe.
“Đó là thời điểm khó khăn của bất cứ phụ nữ nào và họ cần được chia sẻ. Vì thế, các ông chồng, và những người thân cần ở bên cạnh, chăm sóc để họ khỏe mạnh về thể chất và dần dần nguôi ngoia qua nỗi đau rất lớn này”, BS Tuấn cho biết.
Châu Anh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất