Cẩm nang cách trữ đông đồ ăn dặm cho con, khiến mẹ 9X không phải lo “chạy” từng bữa, con ăn thun thút, dinh dưỡng đầy đủ
Tin liên quan
Không phải mẹ lười mới trữ đông đồ ăn dặm cho con
Dựa trên kiến thức tổng hợp, tim tòi và kinh nghiệm của mình, chị Hạnh Duyên chia sẻ, cho con ăn dặm thế nào là tốt vẫn luôn là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các mẹ bỉm sữa.
Theo đó, nhiều người cho rằng việc trữ đồ ăn dặm cho con là rất phản khoa học, đồ đông lạnh là có cảm giác không ngon lành, "mất chất"... Nhưng về mặt khoa học thì đồ đông lạnh không đáng bị định kiến đến vậy. Ở chế độ đông lạnh, hoàn toàn không có sự trao đổi chất, thực phẩm gần như ở trạng thái "ngủ" và giữ nguyên dinh dưỡng lúc mới nấu xong.
Con trai chị Hạnh Duyên vô cùng kháu khỉnh và đáng yêu (Ảnh: NVCC)
“Thậm chí, gần đây người Nhật đã thực hiện thành công nhân bản vô tính một con chuột từ tế bào đông lạnh. Tóm lại, theo các chuyên gia dinh dưỡng, trữ đông đồ ăn dặm cho con là phương pháp đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, được nhiều mẹ Nhật áp dụng, để đảm bảo trong tất cả các bữa ăn con đều được cung cấp đủ các nhóm chất cần thiết như tinh bột, đạm, chất xơ, vitamin… kể cả khi mẹ quá bận rộn”, chị Hạnh Duyên nhấn mạnh.
Ưu điểm, nhược điểm riêng của phương pháp trữ đông đồ ăn dặm cho con
Theo quan điểm của 9X Quảng Nam, việc trữ đông đồ ăn dặm có những ưu và nhược điểm riêng như sau:
Ưu điểm
Việc trữ đông giúp các bà mẹ bận rộn công việc, vẫn có thể đảm bảo cho con những bữa ăn phong phú hàng ngày. Việc trữ đông thức ăn, giúp mẹ tiết kiệm được nhiều thời gian hơn. Đặc biệt, phương pháp này còn rất phù hợp khi trong giai đoạn bắt đầu ăn dặm, bé chỉ sử dụng 1 lượng thức ăn rất nhỏ.
Nhược điểm
Thức ăn trữ đông khó giữ được hương vị thơm ngon, nguyên bản như đồ ăn tươi sống. Việc trữ đông cũng cần phải được thực hiện đúng quy trình, chỉ cần không đúng cách, hoặc trữ đông trong thời gian quá dài, sẽ khiến thức ăn bị mất một phần chất dinh dưỡng hoặc biến chất.
Trữ đông đồ ăn dặm thế nào mới đúng cách?
Để con luôn có những bữa ăn ngon, mẹ lại nhàn nhã hơn trong việc chuẩn bị đồ ăn, chị Hạnh Duyên cũng đưa ra một số lưu ý trong việc trữ đông đồ ăn dặm đúng cách như sau:
- Thức ăn muốn trữ đông phải được chế biến ngay khi còn tươi sống.
- Thức ăn sau khi chế biến, cần để riêng ra các khay khác nhau để trữ đông. Sau khi đồ ăn dặm đã đông lạnh, có thể chia ra các túi trữ ziplock và ghi ngày tháng chế biến.
- Tủ trữ đông thức ăn phải đảm bảo vệ sinh, không để thức ăn trữ đông chung với các thực phẩm sống khác.
- Trước khi chế biến, thức ăn phải được rã đông đúng cách và chỉ rã đông phần thức ăn sẽ sử dụng. Các loại thức ăn sau khi đã rã đông, mà bé ăn còn thừa thì không nên tiếp tục cấp đông lần nữa, vì như vậy vi khuẩn dễ xâm nhập vào thức ăn khiến thức ăn bị nhiễm khuẩn.
- Thức ăn dặm cấp đông nên cho bé ăn trong 1 tuần, đối với các loại thịt, cá và 3 – 4 ngày với các loại rau củ, để đảm bảo hương vị và dưỡng chất.
- Bên cạnh đó, mẹ cần chuẩn bị một số dụng cụ cần thiết khi chế biến đồ ăn dặm đông lạnh như: Khay chứa thức, túi ziplock bảo quản thực phẩm, rây tròn lỗ nhỏ, bàn mài, bàn nạo củ quả, dụng cụ dằm hoa quả, máy xay cầm tay để tiện lợi và đỡ tốn sức lực mài, nghiền.
Cách chế biến đồ ăn dặm đông lạnh cho bé
Chị Hạnh Duyên đưa ra quan điểm: “Trữ đông đúng cách, nhưng trước khi trữ đông thì việc chế biến thức ăn đúng cách, cũng là điều hết sức quan trọng để đồ ăn được đảm bảo dinh dưỡng và thơm ngon nhất”.
Cháo nhuyễn
- Các mẹ nấu cháo nhuyễn như bình thường, có thể dùng tay hoặc máy để nghiền cháo. Nấu số lượng nhiều một chút rồi cho vào khay đá để đông lạnh. Các mẹ nấu 45g gạo, 450ml nước theo tỉ lệ phù hợp với nhu cầu ăn với mỗi giai đoạn của bé, dựa theo nhu cầu của con, để ước lượng số cháo cần nấu cho con ăn trong vòng 1 tuần.
- Sau khi đông thành đá thì lấy ra, cho vào túi bảo quản thực phẩm.
Cà rốt/bí đỏ/rau củ quả
- Đối với rau củ quả, như cà rốt, khoai tây, khoai lang... các mẹ hãy luộc chín, sau đó cho vào túi nylon đựng thực phẩm sạch, rồi dùng thìa, hoặc chày nghiền nhuyễn. Hai là dùng máy xay để xay nhuyễn.
Nước rau củ luộc
- Nước rau củ luộc cũng làm tương tự vậy. Thành phần để chế nước rau củ cho bé là một vài loại rau củ, lấy nước như: củ cải, cà rốt, bắp cải, khoai lang, nấm + 600ml nước.
- Sau khi luộc xong các mẹ để riêng nước và cái. Cái đem xay, nước để nguyên rồi cho vào khuôn làm đông đá.
Cá
- Sau khi ăn dặm 3 tuần, các mẹ nên cho con tập ăn đạm và món cá là món đầu tiên. Cách chế biến cá để đông lạnh cũng hết sức đơn giản, cá đem luộc chín bỏ da, dùng tay kiếm tra xem có xương thì bỏ hết xương, rồi cho vào cối nghiền nhuyễn.
Cách nấu ăn dặm cho con từ đồ ăn dặm đông lạnh
“Đến bữa ăn của con, tùy theo lượng con ăn để mẹ quyết định nấu bao nhiêu viên (mỗi viên thường 40-50ml-90ml). Thông thường sẽ là cháo nhuyễn và một trong những thức ăn (rau củ, cá...) đã đông lạnh. Cứ như vậy đổi món liên tục, ví dụ sáng ăn cháo cá thì chiều sẽ ăn cháo khoai tây..”, 9X Quảng Nam đưa ra quan điểm.
Theo đó, chị Hạnh Duyên đưa ra 3 cách để chế biến ăn dặm từ đồ đông lạnh như sau:
Đun cách thủy: Đây là phương pháp “cổ điển” và vô cùng hiệu quả, để giữ được những chất dinh dưỡng có trong thực phẩm để rã đông thức ăn. Các mẹ có thể cho viên cháo, hay thịt vào một cái bát nhỏ rồi đặt cách thủy trong nồi, đun lửa nhỏ và khuấy đều là có thể cho con ăn ngay được.
Nấu trên bếp: Cho vào nồi món định cho con ăn, đun nhỏ lửa (có thể cho thêm 10 - 20ml nước, tùy theo lượng nấu). Đến khi hỗn hợp tan chảy, nóng, các mẹ trộn đều với nhau là có cháo ngon cho con ăn.
Lò vi sóng: Rã đông (có thể rã đông ngăn mát hoặc rã đông theo chế độ lò vi sóng), rồi quay nóng món mà định cho con ăn. Sau đó trộn đều lên là hoàn thành.
“Tuy nhiên vì lò vi sóng thường làm nóng không đều, nên các mẹ hãy nhớ khuấy thật kỹ cho nóng đều, kiểm tra nhiệt độ thật cẩn thận, chỉ cho bé ăn khi thực phẩm đã nguội bớt.
Theo kinh nghiệm bản thân, mình hay chuyển thức ăn dạng đá viên từ ngăn lạnh sang ngăn mát, rồi để qua một đêm. Sáng hôm sau trước khi chuẩn bị đi làm, thức ăn đã hoàn toàn rã đông và mình chỉ cần đun một chút, là có ngay cháo ăn nóng hổi cho con yêu.
Tuy vậy, các mẹ lưu ý đừng để thức ăn rã đông tự nhiên ngoài không khí, nhiệt độ nóng ẩm sẽ là điều kiện thuận lợi, để vi khuẩn sinh sôi và phát triển, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe bé yêu đấy. Với phương pháp trữ đông thức ăn thành dạng viên này, chị em hoàn toàn có thể yên tâm làm việc và không lo phải "chạy" đồ ăn từng bữa cho con”, chị Hạnh Duyên nhấn mạnh.
Với đồ ăn dặm đông lạnh, bé sẽ được đổi món liên tục, còn mẹ sẽ không tốn nhiều thời gian hàng ngày, cho việc nấu ăn dặm, có thêm nhiều thơi gian rảnh rỗi để làm việc nhà, chăm sóc bản thân, và thêm thời gian để chơi với con hơn.
Văn Anh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất