Các bước phát triển não bộ của thai nhi trong bụng mẹ
Tin liên quan
Hệ thần kinh của thai nhi (hình thành nên não bộ và tủy sống) là một trong những cơ quan được hình thành từ rất sớm, trước cả thời điểm mẹ biết mình mang thai.
Cấu trúc não bộ thai nhi
Đại não: Là phần lớn nhất và phát triển cao nhất, điều khiển và chỉ huy các nhiệm vụ như suy nghĩ, ghi nhớ và biểu hiện cảm xúc. Đây cũng là nơi tập trung vỏ não và các thùy (thùy trán, thùy thái dương).
Tiểu não: Khu vực có nhiệm vụ kiểm soát chức năng vận động của cơ thể.
Thân não: Vùng nối liền giữa đại não với tủy sống, có nhiệm vụ kiểm soát nhịp tim, nhịp thở và lưu lượng máu.
Tuyến yên: Còn được gọi là tuyến hạ não hay tuyến dưới não, có kích thước bằng một hạt đậu. Vùng này có trách nhiệm sản xuất các hormone sinh trưởng và hormone phục vụ cho quá trình trao đổi chất.
Vùng dưới đồi: Vùng dưới đổi có trách nhiệm kiểm soát nhiệt độ cơ thể, cảm giác đói và thèm ăn, ngủ và cảm xúc.
Thai kì thứ nhất: Thai nhi bắt đầu vận động
Chỉ 16 ngày sau khi trứng thụ tinh và bắt đầu làm ổ trong tử cung, các tấm thần kinh (nguồn gốc của não bộ và tủy sống) đã được hình thành. Tấm thần kinh này phát triển dài ra, tạo nên các nếp gấp, cuốn dần hai bờ thành máng thần kinh. Vào khoảng tuần thứ 6 - 7 của thai kỳ, máng thần kinh này sẽ khép hai mép lại kín hoàn toàn, tạo thành ống thần kinh (trục của não – tủy sống). Nó nở rộng phát triển thành não trước, não giữa và não sau. Phần đuôi hẹp dài ra và phát triển thành tủy sống của thai nhi. Phần nở rộng trên được chia thành 5 bộ phận chính của não bộ, đã đề cập ở trên: đại não, tiểu não, thân não, tuyến yên, vùng dưới đồi.
Cùng thời điểm đó, các tế bào thần kinh đặc biệt hình thành và di chuyển khắp phôi thai, tạo sự khởi đầu của dây thần kinh. Hệ thần kinh của bé được hình thành từ hàng triệu triệu tế bào thần kinh; mỗi một tế bào thần kinh siêu nhỏ đấy lại chứa nhiều nhánh tí hon, tạo sự liên kết với nhau. Điều này tạo nên khớp thần kinh đầu tiên của bé. Nghĩa là các nơ ron thần kinh của bé sẽ phát đi tín hiệu khiến cơ thể chuyển động, tạo nên những cử động đầu tiên trong bụng mẹ. Mặc dù thời điểm này mẹ vẫn chưa cảm nhận được. Đến tuần thứ 8, thai nhi đã có thể ngọ nguậy tứ chi đang phát triển của mình.
Kết thúc thai kì đầu tiên, bé đã có vô vàn những chuyển động thú vị trong tử cung của mẹ, mà mẹ không hề hay biết. Thời điểm này, bé cũng bắt đầu phát triển xúc giác.
Thai kì thứ hai: Bé biết mút, nuốt, chớp mắt, thậm chí nằm mơ
Trong thai kì thứ hai, ở cơ hoành và cơ ngực bắt đầu xuất hiện các cơn co thắt đều đặn để “tập dượt” cho hoạt động hô hấp. Bé biết mút và nuốt lần đầu tiên vào khoảng 16 tuần. Trước 21 tuần, phản xạ tự nhiên của bé sẽ khiến bé nuốt nhiều nước ối hơn bình thường. Khả năng nuốt này cũng giúp bé hình thành và phát triển vị giác.
Đến tuần thứ 18, mẹ mới dễ dàng cảm nhận sự tồn tại của thai nhi qua các cử động thai máy trong bụng. Đồng thời, các dây thần kinh được phủ lớp mỡ trắng gọi là myelin. Chất này có tác dụng đẩy nhanh tín hiệu truyền đi giữa các tế bào thần kinh. Điểm đặc biệt là myelin vẫn tiếp tục phát triển cho đến khi em bé tròn 1 tuổi. Vào tuần thứ 24 của thai kỳ, bé hình thành phản xạ mới – chớp mắt.
Kết thúc thai kì thứ hai, thân não (có nhiệm vụ kiểm soát nhịp tim, nhịp thở và lưu lượng máu) đã gần như hoàn thiện hoàn toàn, nằm phía trên tủy sống và phía dưới vỏ não (vùng phát triển sau cùng). Thời điểm này, não bộ của bé phát triển đủ để bé biết giật mình trước những tiếng động lớn bên ngoài, có thể quay đầu về hướng có tiếng gọi. Tuyệt vời hơn cả, vào tuần thứ 28, bé đã hình thành nhịp sinh học trong giấc ngủ của riêng mình.
Thai kì thứ ba: Não bộ phát triển nhanh chóng mặt
Thai kì thứ ba chứng kiến sự phát triển với tốc độ rất nhanh của các nơ ron thần kinh và sợi dây liên kết, kích thước của não cũng tăng đáng kể. Kích thước não bộ thai nhi tăng gấp 3 lần so với thời điểm 13 tuần, từ 100g tăng lên gần 300g. Bề mặt não cũng thay đổi hoàn toàn, không còn là bề mặt trơn mà bắt đầu xuất hiện các nếp nhăn.
Vào thời điểm này, tiểu não (kiểm soát khả năng vận động) cũng phát triển nhanh chóng mặt. Đây là vùng phát triển nhanh nhất so với các bộ phận khác.
Tất cả sự tăng trưởng đều mang lại lợi ích rất lớn cho vỏ não (phụ trách suy nghĩ, ghi nhớ, cảm giác). Mặc dù khu vực quan trọng này đang phát triển nhanh chóng trong thời gian mang thai, nhưng nó chỉ thực sự bắt đầu hoạt động sau khoảng 1 tháng em bé chào đời. Và nó dần dần phát triển, hoàn thiện trong năm đời của bé.
Bổ sung dinh dưỡng hợp lý trong thai kỳ
Vì hệ thần kinh của bé hình thành từ giai đoạn rất sớm. Mẹ cần bổ sung đầy đủ axit folic, canxi, sắt trong thời kỳ mang thai. Axit folic là chất cực kỳ quan trọng, cần được bổ sung ngay từ những ngày đầu thai kỳ, để giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh.
Ngoài các chất trên, DHA cũng là thành phần cấu trúc quan trọng cho sự phát triển của não ngay từ trong bụng mẹ và trong suốt những năm đầu đời. DHA còn giúp gia tăng các kết nối của tế bào thần kinh, giúp hệ thần kinh hoạt động thống nhất và hoàn thiện hơn, tăng cường khả năng học hỏi và tư duy cho trẻ sau này.
Khi mang thai, mẹ bầu nên có chế độ ăn đủ dưỡng chất, đặc biệt là axit béo Omega-3 có nhiều trong các loại cá hồi, cá tuyết, rong biển, trứng để tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển não bộ của bé.
Việt Hà – Nguồn: WTE
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất