Bố mẹ cần tôn trọng cả nỗi sợ của con!
Tin liên quan
Nỗi sợ luôn đồng hành và lớn lên cùng với mọi đứa trẻ. Hầu hết trẻ em đều bộc lộ nỗi sợ hãi của mình ở một giai đoạn nào đó hay mỗi khi đối mặt với những điều nguy hiểm, lạ lẫm, sự thay đổi... Các nhà tâm lý học cho rằng nỗi sợ là một phần quan trọng trong sự phát triển cảm xúc của trẻ. Chính vì thế các bố mẹ chớ nên phớt lờ, bỏ qua.
Vượt qua cảm giác sợ hãi, đứa trẻ sẽ mạnh mẽ, trưởng thành và tự tin hơn. Đôi khi đứng từ góc độ người lớn, chúng ta không cảm nhận hết được nỗi sợ của trẻ. Mặt khác, nhiều phụ huynh muốn con mau khôn lớn, trưởng thành nên chọn cách "khích lệ" con vượt qua nỗi sợ bằng những câu như: "Con nhìn kìa, các bạn ấy đều trèo/nhảy... được qua hết đó".
Mỗi khi Panda và Misa đối mặt nỗi sợ hãi, mẹ Gấu chọn cách lắng nghe và tôn trọng quyết định của con (Ảnh: NVCC).
Tuy nhiên, theo chị Đặng Thị Thùy Dung (hay còn gọi là mẹ Gấu), mẹ của hai bé Misa (sinh năm 2010) và bé Panda (sinh năm 2013), hiện đang sinh sống tại Vũng Tàu, nỗi sợ của con cũng là điều bố mẹ cần tôn trọng. Bởi lẽ, để con thoải mái bộc lộ cảm giác sợ hãi là bố mẹ đang "tôn trọng cảm xúc của con", "tin tưởng vào bản năng sinh tồn và giác quan của bé". Thêm vào đó, đôi khi cảm giác bất an cũng là dấu hiệu của một điều chẳng lành mà bố mẹ cần lắng nghe, chia sẻ và giúp con xua tan nỗi sợ hãi.
"Lắng nghe" những chia sẻ của mẹ Gấu về cảm giác sợ hãi ở con, chắc hẳn các ông bố bà mẹ sẽ thêm hiểu hơn tâm lý con mình và biết cách ứng xử với con tích cực hơn:
Có 1 lần mẹ Gấu đưa Misa đi công viên nước chơi, thông thường thì Misa rất thích cầu trượt, nhưng hôm nay là cầu trượt nước, khá trơn trượt nên Misa sợ.
Mẹ động viên Misa thử thì con gái từ chối và nói "Con sợ!". Một bác đứng bên cạnh nghe vậy bảo:
- Ối dào, có gì mà sợ. Xem anh cu nhà bác này, đang trượt ầm ầm đấy thôi. Con thấy em bé kia không, nhỏ hơn con đó, mà trượt luôn này. Có sao đâu!
Mẹ nắm tay dẫn Misa sang ghế ngồi và hỏi vì sao con sợ? Nếu mẹ trượt cùng thì con còn sợ không? Sau khi không thành công trong việc động viên con gái vượt qua nỗi sợ, mẹ và Misa quyết định sẽ thử lại vào 1 lần khác, khi con cảm thấy an toàn hơn cho mình.
Mỗi bà mẹ có cách hướng dẫn riêng cho con. Có người chọn phương pháp so sánh để con phấn đấu cho giống "em bé kia", hoặc đặt " con nhà người ta " làm mục tiêu để con mình theo đuổi.
Riêng mẹ Gấu chọn phương pháp lắng nghe và tôn trọng quyết định của con. Con có quyền từ chối khi bản thân cảm thấy không an toàn, từ chối tiếp xúc 1 ai đó khi con không thấy thoải mái với người đó. Điều này không chỉ là tôn trọng cảm xúc của con, mà còn là sự tin tưởng vào BẢN NĂNG SINH TỒN và giác quan của bé.
Khi mọi giải pháp đưa ra không làm con cảm thấy an tâm hơn thì mẹ và con nên thử lại vào 1 lần khác (Ảnh minh họa).
Trong cuộc sống, chúng ta thường nhìn thấy hình ảnh 1 người nhắm mắt nhắm mũi uống 1 ly rượu mà họ không thích, nhưng vẫn cố nuốt, chỉ vì bạn bè khích "không uống không phải đàn ông". Sự cả nể, hoặc lo sợ người khác đánh giá mình hèn nhát đôi khi đưa con người ta đến chỗ nguy hiểm.
Một đứa bé cảm thấy bất an với cái vuốt ve của chú bạn bố, nhưng vì bố mẹ cứ bắt phải thân thiện với chú, nên dần dần bé mất đi sự cảnh giác mà giác quan nhắc nhở.
Lắng nghe, chia sẻ và cùng con xử lý vấn đề, đó là cách mẹ Gấu luôn làm cho bé.
Khi Misa nói với mẹ là con không thích trượt cầu trượt nước, vì con sợ hồ có nhiều nước, mẹ trấn an con là hồ này cho em bé, nên nước sẽ không cao. Và mẹ hứa sẽ đỡ con khi con xuống nước, con có thích mẹ mang phao bơi vào bụng cho con an tâm không? Có thích mẹ trượt cùng con không?
Khi mọi giải pháp đưa ra không làm con cảm thấy an tâm hơn thì mẹ và con nên thử lại vào 1 lần khác. Đừng nóng vội.
Vai trò của mẹ chỉ nên chia sẻ, dìu dắt, không nên chỉ đạo và quyết định. Việc đó thuộc về con!
(Theo trí thức trẻ)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất