Bí quyết của mẹ có con 1 tuổi đã cầm thìa ăn ngon lành, nghe xong các mẹ trầm trồ xin bí quyết
Tin liên quan
Chị Quỳnh chia sẻ, chị cho con "ăn dặm kiểu mẹ", không áp dụng bất cứ nguyên tắc nào, cũng không đi theo phương pháp nào cố định. Bản thân chị cũng không phải là người nấu ăn ngon hay trình bày các món đẹp.
Chị Ngọc Quỳnh và bé Hải Đăng (Ảnh: NVCC)
“Lúc mới đầu ăn dặm 5-7 tháng, mình cho con ăn theo kiểu Nhật vì tránh được tối đa việc con bị oẹ, bị hóc, dễ theo dõi việc con có bị dị ứng món ăn, con thích ăn gì và không thích ăn gì, Hơn thế, con chưa ngồi vững nên mình cho ăn kiểu Nhật, rồi tăng dần độ thô theo như sách vở. Đến 7 tháng, khi con ngồi vững rồi, cầm nắm tốt mình thi thoảng cho ăn tự chỉ huy, lúc nào bận quá lại ăn cháo truyền thống.
Ngay từ nhỏ, mình đã tập cho con có thói quen ăn uống tự giác. Khi ăn thường ngồi vào bàn ăn nghiêm túc. Mình cũng cho con tự quyết định việc ăn nhiều hay ăn ít, ăn cái gì và ăn như thế nào. Khi nấu nướng, mình cũng thường làm nhiều món để bé có thể chọn được món mà bé thích”, chị Quỳnh cho hay.
Đặc biệt, vào giai đoạn ăn dặm 9 tháng, bé Đăng có dấu hiệu đòi cầm thìa, đũa. Nhận thấy dầu hiệu này, chị Quỳnh ngày nào cũng chuẩn bị cho con 1 thìa, 1 đũa, 1 bát để con tập đưa lên miệng, lúc này chị sử dụng loại thìa vẹo và dĩa vẹo chuyên dùng cho bé tập ăn, không đưa đồ ăn để bé thực hiện luôn vì con cầm chưa vững, sẽ khiến đồ ăn vương vãi.
“Mỗi ngày mình cứ rèn luyện từng chút một cho con dùng thìa, đũa. Đến bữa, con nhìn mẹ bón cũng đưa thìa lên mồm ăn theo. Dần dần mình thấy kỹ năng của con tốt hơn, con cũng đòi giằng thìa của mẹ, đòi xúc vào bát mẹ đang bón. Lúc này mình mới bắt đầu cho bé dùng thìa để trực tiếp xúc thức ăn, thời điểm đó bé đã được 10 tháng.
Mình để đồ ăn lên cho con xúc, mẹ 1 thìa, con 1 thìa, mình vẫn đút cho con bình thường, lúc nào con xúc được đưa lên miệng, mình sẽ cổ vũ con, khen con để con cố gắng hơn khiến con vô cùng thích thú. Ban đầu, bé sẽ rất vụng về và hay cáu vì làm mãi mà không thành công. Bé phản ứng bằng cách vứt thìa đi, vứt đồ ăn, khóc lóc đòi ra khỏi ghế hoặc lơ luôn cái thìa, chỉ ăn bốc.
Tuy nhiên, mình đã kiên trì không thúc ép. Sau thời gian vụng về ban đầu, dần dần mình nhận thấy con hứng thú, biết và chịu dùng thìa xúc đồ ăn dù vẫn còn 8 phần rơi, 2 phần ăn. Khi biết xúc thành thạo rồi, con không thích mẹ xúc hộ, thích tự làm và mẹ chỉ là người hỗ trợ phần nào”, bà mẹ trẻ cho hay.
Sang tháng thứ 11, chị Quỳnh cho biết con tự xúc và xiên được trái cây ăn, chị chuyển sang dạy con tập xúc cơm ăn và đến khi bé 12 tháng tuổi thì đã có thể xúc các loại đồ ăn. 15 tháng tuổi, Hải Đăng tự xúc hết khẩu phần của mình trong mỗi bữa ăn. Tuy nhiên, chị Ngọc Quỳnh lưu ý rằng, ngay từ giai đoạn đầu tập cho con dùng thìa, các mẹ nên mua bát chống đổ đừng nên dùng bát thường, Như vậy, sẽ tránh được tình trạng con ăn được chút lại hất đi khiến mẹ phải ngồi giữ bát.
Bên cạnh đó, mẹ cần xác định tập thìa cho con sẽ rất bừa bộn, đồ ăn rơi vãi khắp nơi, chưa kể toàn thân còn sẽ lấm lem, bụi bẩn. Do đó, thời gian này mẹ nên dùng áo ăn dặm thay vì dùng yếm. Tuy nhiên, mẹ cứ kiên trì, kiên nhẫn, chịu khó rồi sẽ thành công, miễn là đừng áp đặt và đừng hi vọng ở con nhiều quá rồi gây áp lực cho con. Hãy nhớ là con đang tập, thế nên không thể thành thạo ngay được.
Chị Ngọc Quỳnh cũng đưa ra lời khuyên rằng, ngay từ đầu hãy xác định rằng việc tập cho bé dùng thìa, dĩa, đũa không khác là mấy so với việc tập đi cày. Bạn không thể vừa học xong mà cày hết được cả mảnh ruộng. Con cũng vậy, con không thể lập tức xúc hết được khẩu phần ăn của mình. Khi tập cho bé, bạn nên xúc cho bé trước, sau đó khi còn một vài miếng bạn cho bé tự xúc. Bé sẽ rất vui và còn sung sướng hơn khi là người "dọn sạch" chén bát, kết thúc phần ăn của mình. Rồi từng ngày tăng dần lượng thức ăn bé tự xúc tới khi bé tự xúc được trọn vẹn khẩu phần ăn của mình.
Lê Huyền
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất