Bé 21 tháng Hà Nội khóc nấc quặn người, suýt chết vì bà khoắng tay vào miệng móc dị vật
Tin liên quan
Mới đây, bé Đ.H.M.T (21 tháng tuổi) ở Bồ Đề - Long Biên – Hà Nội được người nhà đưa vào cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng khóc nấc, quặn người, mặt mày nhợt nhạt, người vã mồ hôi.
Qua siêu âm các bác sĩ phát hiện bé bị hóc dị vật do nuốt phải viên bi sắt mắc tại cổ họng, gây khó thở, đầy bụng. Mặc dù quãng đường từ nhà đến bệnh viện không xa nhưng do gia đình sơ cứu không đúng cách nên khi đến bệnh viện thì viên bi đã vào hẳn bên trong ổ bụng.
Rất may mắn bé T. được nội soi ống mềm giảm đau đớn, nhanh chóng giải cứu viên bi sắt ra khỏi cơ thể
Theo lời kể của chị Nguyễn My (mẹ của bệnh nhi T.) do bố mẹ bận đi làm nên bé T. được bà nội trông nom. Cũng chính bà nội là người phát hiện cháu bị hóc dị vật. Bình thường ở nhà bé T. cũng hay có tật cho đồ vào mồm, hôm đó bà nội không biết cháu cầm viên bi trên tay, đến lúc thấy miệng đang ngậm thì bà mới hốt hoảng dùng tay để lấy viên bi ra nhưng không kịp.
Bà nội của bé T. thừa nhận, có thể do lúc đó mất bình tĩnh nên đã xử trí không đúng cách, bà nói: “Hai bà cháu đang chơi trong nhà, nhưng cũng không để ý là tay cháu cầm vật dụng gì đến lúc quay sang thấy miệng cháu đang ngậm viên bi thì tôi lập tức dùng tay khoắng vào khoang miệng để lấy bi sắt ra.
Nhưng chắc lúc đó theo phản xạ cháu bị giật mình nên nuốt xuống. Tôi liền cầm hai chân cháu dốc ngược xuống với các động tác vỗ lưng nhưng dị vật không ra được mà trôi xuống dạ dày. Có thể lúc đó tôi bình tĩnh hơn chút nữa thì đã không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng này”.
Viên bi sắt được gắp ra ngoài
Tại bệnh viện, sau khi siêu âm và chụp X-quang các bác sĩ phát hiện vùng bụng của bệnh nhi có dị vật là viên bi sắt có kích thước lớn, nếu để lâu trong bụng bị thức ăn quấn quanh sẽ trở thành lõi, khối bã thức ăn lớn dần gây hẹp môn vị, có thể gây tắc ruột. Nguy hiểm hơn, viên bi sắt có thể có rỉ sét dễ gây viêm nhiễm hoặc áp xe, tổn thương đường ruột, thậm chí gây thủng ruột, hoại tử ruột nguy hiểm đến tính mạng…
Vùng bụng của bệnh nhi có dị vật là viên bi sắt có kích thước lớn
Xác định mức độ nguy hiểm của tình trạng hóc dị vật ở bệnh nhi, các bác sĩ đa chỉ định nội soi qua đường thực quản để gắp dị vật cho bé. Chị My cho biết, chỉ một ngày sau nội soi gắp dị vật bi sắt, bé T. “thoát nạn”, cháu ăn uống tốt, đi vệ sinh bình thường và đã được xuất viện về nhà.
Tiến sĩ Bác sĩ Mai Thị Hội, Trưởng khoa Nội soi Tiêu hóa – Bệnh viện đa khoa Tâm Anh (người trực tiếp xử trí ca hóc dị vật cho bé T.) cho biết: Việc bị hóc dị vật, dẫn đến nghẹn thở là tai nạn không phải hiếm thấy. Đặc biệt là ở trẻ nhỏ, mặc dù kích cỡ dị vật không lớn nhưng nó cũng rất nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong khi làm tắc đường khí quản, không đưa được oxy lên não.
Khi thấy trẻ nhỏ có dấu hiệu hóc dị vật, phụ huynh cần bình tĩnh sơ cứu và kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện để được siêu âm và nội soi đúng thời điểm. Trường hợp bé T. nếu bà nội nhanh trí và bình tĩnh yêu cầu trẻ bỏ viên bi ra khỏi miệng có lẽ sẽ không để bi sắt chui xuống dạ dày như vừa qua.
Bác sĩ đã phải dùng rọ gắp sỏi chuyên biệt và tập trung tinh thần cao độ để gắp viên bi sắt ra ngoài
Bác sĩ Hội cũng cho biết thêm, nội soi gắp dị vật cho trẻ nhỏ nói chung và ở trường hợp bé T. rất phức tạp, các sự cố y khoa xảy ra khi nội soi tai mũi họng đa phần là do tâm lý trẻ lo sợ, không hợp tác, cựa quậy khi nội soi.
Hình dạng dị vật tròn và rất trơn tuột, gắp ra rất khó khăn, bác sĩ đã phải dùng rọ gắp sỏi chuyên biệt và tập trung tinh thần cao độ, thận trọng hết sức. Nếu sơ sấy để viên bi rơi vào khí quản thì chỉ sau 3 phút trẻ có thể bị di chứng não suốt đời và trong vòng 5 phút trẻ có nguy cơ bị tử vong.
Việc bị hóc dị vật, dẫn đến nghẹn thở là tai nạn không phải hiếm thấy. Nhiều chuyên gia đã nhấn mạnh rằng, mặc dù kích cỡ dị vật nhỏ nhưng nó cũng rất nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong khi làm tắc đường khí quản, không đưa được oxy lên não.
Bác sĩ hướng dẫn sơ cứu khi bị hóc dị vật đối với trẻ nhỏ
Đối với trẻ dưới 2 tuổi
- Cho trẻ nằm sấp, một tay giữ bé, một tay dùng lòng bàn tay vỗ thật mạnh 5 – 7 cái vào lưng bé, chỗ giữa hai xương bả vai. Hành động này sẽ khiến áp lực trong lồng ngực trẻ tăng lên để tống đẩy dị vật ra ngoài.
- Sau khi thực hiện xong mà trẻ vẫn khó thở và tím tái, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa, dùng hai ngón trỏ ấn nhanh, mạnh, đột ngột vào xương ức. Làm các động tác này tới khi nào bé thấy đỡ hơn, tỉnh táo hơn. Song song với việc đó là gọi xe cấp cứu.
- Nếu thấy cháo, sữa, canh… chảy từ mũi, miệng ra, cha mẹ cần hút sạch để thông đường thở cho con. Việc này cần làm sớm để tránh sữa không ứ đọng trong mũi, miệng.
Đối với trẻ trên 2 tuổi
- Với những bé còn tỉnh táo, nói được, cha mẹ nên để trẻ đứng thẳng. Một người đứng ra sau lưng, ôm ngang thắt lưng bé, một tay tạo thành nắm đấm ấn mạnh lên vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ.
- Trường hợp trẻ hôn mê, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa. Người sơ cứu quỳ gối, nắm 2 bàn tay thành 2 nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh liên tiếp tới khi nào bé tỉnh. Sau đó đưa bé ngay vào viện.
Lưu ý: Sau các bước sơ cứu, nếu dị vật hóc ra được thì vẫn cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện để kiểm tra, đề phòng dị vật còn sót lại ở đường thở.
Theo Như Loan (Khám phá)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất