1001 điều mẹ cần biết về tuần khủng hoảng và cách rèn luyện cho bé từ 4 đến 6 tháng tuổi
Tin liên quan
Chị Tuyết chia sẻ, sau khi trải qua 4 tháng đầu đời, các bé bắt đầu bước vào các cột mốc phát triển mạnh mẽ hơn. Giai đoạn này con sẽ trải qua 2 tuần khủng hoảng, tuần 19, tuần 26 - 2 mốc chuyển giao cực lớn.
Gia đình hạnh phúc của chị Ánh Tuyết (Ảnh: NVCC)
“Vì giai đoạn này bé sẽ tập ngồi, tập trườn, tập ăn, tập đứng, đồng thời nhận thức của bé càng ngày càng rõ ràng. Bé bắt đầu biết phân biệt người lạ và người quen, bé bắt đầu biết bám mẹ,… nên khi rơi vào giai đoạn này, nhiều cha mẹ bắt đầu cảm thấy mệt mỏi khi phải bồng bế con suốt ngày. họ không hiểu được đứa con thiên thần mọi lần của họ đâu rồi.
Mình cho rằng, lúc này thay vì bồng bế bé, các mẹ hãy tận dụng thời gian đó tập nhiều kỹ năng nhất có thể cho bé. Trong phần 2 này, mình sẽ chỉ ra thêm chỉ tiêu phát triển kỹ năng trong từng giai đoạn, để các mẹ có thể hình dung con mình đã làm được những gì và nên rèn luyện thêm cho con những gì”, chị Tuyết nhấn mạnh.
Theo đó, những chỉ tiêu phát triển kỹ năng và cách rèn luyện cho bé theo từng giai đoạn cụ thể được 9X Bình Định chia sẻ chi tiết như sau:
Tháng 4-5:
Chỉ tiêu phát triển kỹ năng:
- Động tác lớn: Khi kéo tay bé ngồi dậy, đầu bé không bị ngã ra sau. Khi nằm sấp có thể nâng đầu và nửa người trước lên khỏi mặt thềm, tạo thành góc 90 độ. Bé lật người thành thục, có thể ngồi dựa, khi nằm ngửa thích đạp 2 chân.
- 2 tay có thể nắm vào nhau như bắt tay, có thể cầm chắc vật, nhổm người lấy đồ chơi.
- Bé có thể phân biệt nhiều màu sắc, có thể chủ động tìm ra nơi phát ra âm thanh, tay và mắt phối hợp nhịp nhàng hơn.
- Khả năng ngôn ngữ của con phát ra được nhiều hơn, có thể phát âm liên tục và phản ứng khi ai gọi tên bé.
- Phản ứng xã hội: con sẽ mỉm cười khi nhìn thấy người quen, thích được bế, thích nhìn mình trong gương và nói chuyện.
Hai bé Rim, Ren vô cùng đáng yêu và kháu khỉnh (Ảnh: NVCC)
Cách rèn luyện kỹ năng:
- Rèn luyện thị giác cho bé: Mẹ nên viết thật nhiều bảng có chiều dài 10cm, dán lên các vật trong nhà. Ví dụ như chữ "cửa" và nói với bé "đây là cửa", tốt nhất là cho tay bé sờ vào cái cửa để bé cảm nhận được. Trò chơi này vừa giúp bé nhận biết được mặt chữ, vừa nhận biết được vật, lại vừa cảm nhận được bằng xúc giác.
- Dạy bé nhận biết đồ vật bằng cách, đưa bé lại gần cái đèn, mở lên và nói cái đèn. Ban đầu bé sẽ chưa để ý nhưng cứ thấy mẹ tắt, mở cái đèn và nói "cái đèn". Sau này khi ai nói đèn bé sẽ quay đầu nhìn về phía đồ vật này.
- Rèn luyện thính giác cho bé bằng cách cho bé lại vòi nước, mở nước lên cho bé nghe tiếng nước chảy. Cho bé nghe tiếng động vật, tiếng còi, tiếng xe, vv..v
- Giúp bé tập bò: giai đoạn này bé đã biết nâng người và nửa thân lên, bố mẹ có thể tóm lấy gót chân bé, bày đồ chơi màu sắc trước mặt. Bé sẽ lấy gót chân làm điểm chống đỡ, đẩy tay và bụng lên phía trước để bò.
- Rèn luyện động tác tay bằng cách cho bé ngồi trước mặt, giở sách với bé. Ngoài ra còn các trò như rút dây, rút khăn giấy.
- Chơi trò "ai gọi đấy"? Mẹ ôm chặt bé, bố ở sau gọi tên bé, bố lại qua phải mẹ để gọi, rồi tiếp tục qua bên trái. Khi bé nhìn thấy bố, bố có thể cười với bé.
- Phối hợp giữa tay và mắt: mẹ có thể cầm đồ chơi phát ra tiếng như xúc xắc, lắc trên, lắc dưới, lắc qua phải, qua trái cho bé nhìn theo và cố để gần cho bé có thể giơ tay ra chụp.
- Dạy bé nhảy: bế bé lên, mở nhạc và lắc lư theo nhạc. Cơ thể bé sẽ chuyển động theo nhịp điệu, mẹ kéo tay bé lên và lắc, bế bé xoay tròn.
- Trò chơi sờ bụng: bế bé lên và dụi đầu vào bụng con, cả bé và ba mẹ đều cười sảng khoái. Bé rất thích được dụi đầu vào bụng.
- Trò chơi nâng bé lên: bố mẹ giữ dưới nách bé, nâng bé lên cao qua đầu. Vừa nâng vừa hét "cao cao này". Khi hạ thấp xuống thì nói "thấp thấp này". Như vậy bé sẽ phân biệt được cao và thấp.
Hai con luôn được chị Tuyết rèn luyện rất khoa học khi rơi vào thời gian tuần khủng hoảng (Ảnh: NVCC)
Tháng 5-6:
Chỉ tiêu phát triển kỹ năng:
- Động tác lớn: Bé có thể ngồi một mình một lúc.
- Động tác chi tiết: có thể xé tờ giấy trong tay, bé có thể thả đồ vật bằng 2 tay, cũng có thể thả đồ chơi xuống thềm.
- Khả năng nhận biết: Biết chỉnh tư thế để nhìn đồ vật mà bé thích, có thể cầm nắm chính xác đồ vật, có thể nhớ những vật mà bé thích.
- Khả năng ngôn ngữ: Hiểu được những từ đơn giản, động tác tay và câu mệnh lệnh, “Mình lấy ví dụ như mỗi lần 2 bé nhà mình la lớn, mình giơ tay lên miệng nói suỵt thì bé hiểu và im lặng một lúc rồi la tiếp”, chị Tuyết chia sẻ.
- Phản ứng xã hội: bé thích gần bố mẹ và người thân trong gia đình. Với người lạ bé sẽ thấy bất an, không muốn người lạ bế.
Rèn luyện kỹ năng:
- Tập ăn: giai đoạn này một số ba mẹ đã cho con tập ăn thức ăn dạng lỏng, theo kiểu Nhật.
- Rèn luyện khả năng tập trung: mẹ để một tấm khăn bông trước mặt bé, phía trên bày 3 miếng gỗ màu sắc khác nhau. Kéo khăn bông từ từ cho các miếng gỗ dịch chuyển, bé sẽ thích thú và dơ tay lên cầm. Lúc này bé sẽ hết sức tập trung để với đồ chơi.
Nhờ đó, những kỹ năng cơ bản của hai con được phát triển toàn diện (Ảnh: NVCC)
- Nghe âm thanh đi tìm đồ vật: bạn ngồi trên ghế và giơ cao một món đồ trước mặt bé, rồi ném xuống đất, như chìa khoá, bé sẽ nghe âm thanh rơi và cúi xuống tìm. Tiếp tục bạn sẽ dùng nhiều loại đồ vật khác, ném xuống để bé nghe được nhiều loại âm thanh.
- Rèn luyện khả năng đọc chữ của bé: mẹ có thể dán các chữ xung quanh tường, chỉ và đọc từng chữ cho bé nghe. Không cần nói ý nghĩa, bé chỉ cần phân biệt được chữ. Sau đó hỏi lại bé chữ bạn muốn tìm.
- Tập cho bé đọc: 2 mẹ con có thể cùng nhau nằm xấp trên giường để đọc truyện, truyện đơn giản ít chữ càng tốt.
- Rèn luyện khoang miệng, bằng cách cho bé tập uống ống hút. Ngày nay, trên thị trường có bán các bình tập uống đa phần có nút trợ lực, bạn chỉ cần ấn 1 cái nước sẽ chảy lên. Bé sẽ có phản xạ nuốt lại, ban đầu nước sẽ chảy ra nhiều, từ từ bé sẽ quen và nuốt được nhiều hơn.
- Cho bé tập ngồi theo giai đoạn: khi được 5 tháng bé sẽ chống tay lên để đỡ thân trên. Khi 7 tháng bé sẽ ngồi ổn định hơn, không cần chống tay. Khi lên 9 tháng bé có thể vừa ngồi vừa với đồ chơi, nhưng xoay người vẫn bị ngã. Khi được 10 tháng thì việc ngồi và xoay người không bị ngã nửa. Tuy nhiên, cần chú ý không nên để bé ngồi quá lâu, do cột sống của bé còn yếu, bên cạnh đó không được để bé ngồi một mình.
- Bé thích mút tay, mút chân: đây là nhu cầu sinh lý bẩm sinh, bố mẹ không cần phải lo lắng. Đây là thói quen của bé ít tháng, khi bé đói, sợ, ngủ hoặc khi bồn chồn. Phần lớn 3-6 tuổi trẻ sẽ tự bỏ thói quen này.
- Bé luyện nhai: khi bé luyện nhai giúp chức năng ruột và dạ dày phát triển, ngoài ra còn giúp tiết nước bọt, tăng hoạt tính enzyme tiêu hoá, giúp tiêu hoá và hấp thụ thức ăn. Giúp xương đầu và cơ phát triển,giúp bé phát triển ngôn ngữ, phát âm tốt hơn. Ngoài ra, con giúp bé mọc răng nhanh hơn, lưu lượng máu của não tăng lên rất tốt cho sự phát triển thần kinh và não bé.
Thông qua những chia sẻ chi tiết của mình, chị Ánh Tuyết cũng đưa ra lưu ý rằng, nhưng kinh nghiệm trên đều mang tính chất chủ quan của chị, các mẹ chỉ nên tham khảo. Bởi mỗi có bé sẽ có những đặc điểm phát triển khác nhau, nên bắt buộc cách áp dụng cũng không thể giống nhau, các mẹ nên xem xét điều gì phù hợp và tốt cho bé nhất thì áp dụng, để con phát triển hoàn thiện và an toàn nhất.
Văn Anh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất