Tháng đầu sau sinh mẹ cần thuần thục 7 kỹ năng cơ bản để chăm bé một cách chu đáo
Tin liên quan
1. Cắt móng tay cho bé
Móng tay của trẻ tuy mềm nhưng khá sắc bén. Một số người cắt móng tay cho con ngay sau khi tắm, khi đó móng tay mềm hơn. Một số người khác đợi khi con ngủ mới cắt móng tay. Miễn là khi cắt móng tay cho bé có đủ ánh sáng, vị trí ổn định và thoải mái cho hai mẹ con thì cắt móng tay lúc nào cũng được.
Bạn có thể nhờ chồng giúp để cắt móng tay cho con. Một người giữ bàn tay và ngón tay của bé còn người kia bắt đầu cắt móng tay.
Đừng lo lắng nếu nhỡ may bạn cắt phải thịt làm tay con chảy máu. Hãy đắp một miếng gạc vô trùng để cầm máu.
2. Quấn bé
Bạn đã từng thấy y tá hay điều dưỡng quấn trẻ sơ sinh siêu nhanh đúng không? Dưới đây là cách quấn bé chuẩn nhất:
- Trải một tấm chăn mỏng theo hình kim cương. Gấp góc trên xuống một chút và đặt em bé nằm ngửa lên khăn sao cho cổ bé ở trên nếp gấp.
- Kéo góc dưới của tấm chăn lên, để lại khoảng trống để chân bé ngọ nguậy, kéo góc khăn lên gần vai bé và gập lại khi cần thiết.
- Bế em bé vào vị trí, nắm lấy góc khăn bên phải và kéo căng theo người bé, nhét chặt vào bên trái phần lưng dưới.
- Sau đó, kéo phần góc bên trái sang và quấn quanh bên phải của bé, cuối cùng nhét các đầu khăn vào trong như cuốn một chiếc bánh cuộn.
3. Chăm sóc cuống rốn trẻ sơ sinh
Cuống rốn trẻ sơ sinh phải sạch sẽ và khô ráo cho đến khi rụng hẳn.
Một số loại bỉm dành cho trẻ sơ sinh có một đường cắt để tránh kích ứng; nếu không dùng bạn chỉ cần gấp phần bỉm xuống. Khi rốn có dấu hiệu nhiễm trùng (tiết dịch màu vàng, có mùi hôi hoặc mẩn đỏ), hãy đưa bé đến gặp bác sĩ nhi khoa.
4. Thay bỉm
Trước khi vứt bỉm bẩn, bạn hãy mở sẵn một miếng bỉm sạch đặt dưới mông bé, hướng phần dán lên trên. Mở hai bên miếng dán của bỉm bẩn và dùng một tay nâng chân bé lên, dùng tay kia để bỏ miếng bỉm bẩn ra và đặt sang một bên. Nếu là bé trai hãy dùng một miếng khăn sạch che lại để tránh bé tè lên người bạn.
Đối với các bạn gái, hãy nhớ lau sạch những chất bẩn có thể ẩn náu trong các nếp gấp của môi âm hộ. Sau đó, lau vùng kín bé từ trước ra sau để tránh đưa vi khuẩn trong phân vào niệu đạo (lỗ nhỏ dẫn đến bàng quang). Đối với các bé trai, hãy lau phần mông trước, sau đó rửa sạch phần dưới tinh hoàn và lau dương vật nếu cần.
Cho giấy đã sử dụng vào bỉm bẩn. Bôi kem chống hăm và dán tã sạch, đảm bảo phần rìa bỉm không bị gập để tránh tràn.
5. Sau khi tắm cho bé xong
Khi tắm cho bé xong, bạn hãy dùng cả hai tay ôm bé, nâng ở phần dưới cánh tay bé, đỡ phần sau cổ và đầu bằng các ngón tay. Nâng bé lên khỏi mặt nước và nhẹ nhàng đặt trẻ nằm ngửa trên một chiếc khăn rải sẵn trên sàn — vị trí dễ nhất để quấn bé lại.
6. Ngăn ngừa hăm tã
Khi nước tiểu và phân trộn lẫn với nhau sẽ tạo ra axit amoniac gây khó chịu, khiến vùng da đóng bỉm nổi mẩn đỏ. Thay bỉm cho trẻ thường xuyên và thoa kem chứa oxit kẽm để tạo hàng rào bảo vệ da bé.
Để mông em bé khô thoáng, không đóng bỉm trong một khoảng thời gian trong ngày có thể ngăn ngừa và giảm hăm. Hãy tháo bỉm cho bé khi cho bé tập nằm sấp. Nếu bạn thấy có mụn nước, tróc da hay chảy mủ thì hãy đến gặp bác sỹ ngay. Đó có thể là dấu hiệu nhiễm trùng do nấm men hay vi khuẩn.
7. Chuẩn bị đồ cho bé khi ra ngoài
Trước khi cho bé đi ra ngoài đường, mẹ cần chuẩn bị:
- 4 cái bỉm
- 1 bộ quần áo của bé phòng khi bé nôn trớ hay bị tràn bỉm
- 1 cái khăn sợi tre mềm để làm chăn mỏng, khăn che khi cho bé bú, lót thay bỉm hay che cho em bé trên xe đẩy
Ngọc Huyền – Theo Parents
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất