Sinh ở tuần 28 của thai kỳ, bà mẹ 9X kể hành trình chăm sóc con 1kg trở nên bụ bẫm, đáng yêu
Tin liên quan
Mang thai và sinh con là niềm hạnh phúc của nhiều phụ nữ. Nhưng không phải mẹ nào cũng may mắn có một thai kỳ suôn sẻ. Chị Thu Phương đã có hành trình làm mẹ vất vả vô cùng khi con trai chị bị sinh non ở tuần 28 và nặng 1kg.
“Cả thai kì 2 mẹ con khoẻ mạnh. Đến 26 tuần, chồng đưa mình đi khám, bác sĩ chỉ định nhập viện cấp cứu vì cổ tử cung quá ngắn nguy cơ sinh non. Lần đầu làm mẹ, mình chẳng có chút kinh nghiệm.
Mình rất sợ những điều xấu nhất đến với con. Vào viện nằm giữ con được 2 tuần, mình có cơn chuyển dạ rồi sinh con. Khi đó con được 28 tuần 3 ngày, chưa kịp tiêm trưởng thành phổi. . Nằm trên bàn đẻ đau thấu trời, mình chỉ biết cầu nguyện những điều bình an nhất cho con.
May mắn, sau bao cố gắng mình đã nghe tiếng con khóc rồi được chuyển vào phòng cách ly. Từ đó mình và con mỗi người một nơi. Hàng ngày, mình nhờ mẹ và chồng mang sữa vào cho con. Việc của mình chỉ là ăn, ngủ và vắt sữa đều đặn”, bà mẹ trẻ xúc động tâm sự.
Chị Thu Phương cho biết thêm, câu nói “Con em có khả năng sống đấy” chắc nịch của bác sĩ hộ sinh khiến ai cũng cảm thấy lo lắng, hoảng sợ. Nhưng chị lại không có chút lo sợ gì. Vì bà mẹ trẻ chỉ có niềm tin mạnh mẽ rằng, chắc chắn con sẽ sớm về với mẹ.
Ngày thứ 22, lần đầu tiên chị được gặp mặt con. Ngày nào, chị cũng ngóng đến 10h sáng, để được nghe thông báo tình hình sức khoẻ của bé. Biết lượng sữa của con tăng lên 1-2ml, lòng bà mẹ trẻ hạnh phúc vô cùng. Sau những ngày tháng trực chờ, chị đã được ôm con vào lòng. Lúc gặp mẹ, bé Minh Quân chỉ vỏn vẹn 1200gr. Nhớ lại, chị Phương bảo khi đó nhìn con nhỏ bằng con chuột chít.
Chị cứ ngỡ được ấp con rồi, mọi chuyện sẽ tiến triển tốt hơn. Nhưng tình hình sức khoẻ của Minh Quân có tiến triển xấu. Con cứ tím tái, ngưng thở liên tục. Vậy là chị Phương lại trải qua những ngày tháng khóc hết nước mắt, ám ảnh mất ngủ, suýt trầm cảm.
Nằm lồng kính được 1900gr, con phải trải qua 1 lần phẫu thuật. Con bé xíu, nhưng dường như hiểu tất cả. Chị Phương luôn cảm nhận được sự mạnh mẽ, kiên cường của con nên cố gắng lau nước mắt để mạnh mẽ cùng con.
Nhiều lúc, bà mẹ trẻ như muốn trầm cảm và suy sụp tinh thần, nhưng kìm nén thật nhiều vì con đang cần chị. Trong lúc khó khăn, chị may mắn luôn có chồng, có gia đình hai bên giúp đỡ, chăm sóc 2 mẹ con không rời bỏ.
“Chỉ trong một thời gian ngắn, con đã bình phục nhanh hơn mình nghĩ. Vết sẹo trên người, là những bước ngoặt để con lớn lên biết mình đã từng mạnh mẽ chiến đấu thế nào.
Vậy mà chớp nhoáng đã 4 tháng con đã hiện diện trên đời này. Khác với những em bé đủ ngày đủ tháng, Minh Quân đã phải chịu nhiều thiệt thòi. Con ra sớm 2,5 tháng, không được mẹ ôm ấp, cũng không được bú mớm dòng sữa non ấm nóng đầu tiên. Thay vào đó, con phải “làm bạn” với kim tiêm, ống sonde, dây Sp02, .... chằng chịt khắp người.
Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua hết, con vẫn nằm bên cạnh mẹ. Nhìn lại hành trình đồng hành cùng con, mình thấy con thực sự rất giỏi. Hiện tại, con phát triển chẳng thua các bạn đủ tháng, có khi còn hơn. Mình chỉ mong con lớn lên khoẻ mạnh, là em bé biết yêu thương”, mẹ Minh Quân tâm sự.
Dù mới lần đầu làm mẹ, nhưng nhớ sự hướng dẫn của các nhân viên y tế, chị Thu Phương đã nuôi con khỏe mạnh như một em bé sinh đủ tháng. Theo người mẹ trẻ, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ sinh non cần lưu ý một số điều sau:
Mẹ cần biết cách giữ ấm cho con. Vì những em bé sinh thiếu tháng có nguy cơ nhiễm lạnh và hạ thân nhiệt ngay cả trong những ngày nhiệt độ bình thường. Bố mẹ nhớ luôn mang tất chân tay, đội mũ cho bé trong thời gian đầu và mặc ấm nhưng không nên mặc quá nhiều.
Trẻ cần vệ sinh sạch sẽ để tránh nhiễm khuẩn. Do đó, bố mẹ nên tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm cho con một cách nhanh chóng và lau khô. Bên cạnh đó, gia đình cần giữ không gian sống luôn sạch sẽ, thoáng mát. Khi tiếp xúc với con, người thân cần vệ sinh tay sạch sẽ và hạn chế để người lạ chạm vào trẻ…
Về chế độ dinh dưỡng, chị Thu Phương gợi ý luôn cho con bú sữa mẹ hoặc sữa công thức 8 – 10 lần mỗi ngày. Bố mẹ không nên để trẻ đói quá 4 tiếng vì con sẽ bị mất nước. Trẻ sinh non thường hay bị trớ sữa khi bú. Nếu bé vẫn tăng cân thì điều này hoàn toàn bình thường, nhưng theo dõi cân nặng của con giảm mẹ nên tìm hiểu ý kiến bác sĩ.
Bên cạnh đó, bà mẹ trẻ cũng thường xuyên massage cho con. Bởi điều này có vai trò quan trọng, giúp bé thư giãn tinh thần, bớt khóc, đem đến cảm giác hạnh phúc và phát triển tốt. Hơn thế, massage còn chống nhiễm trùng, nâng cao khả năng đề kháng của cơ thể bé.
Tuy nhiên, mẹ cần rửa tay thật sạch và biết cách massage đúng kỹ thuật như để tránh nhiễm khuẩn cho bé. Khi massage, mẹ nên làm thật nhẹ nhàng, chậm rãi và chỉ dùng lực của phần thịt mềm ở ngón tay, không phải toàn bộ lòng bàn tay.
Sau khi tắm, nếu được massage bé sẽ thấy rất khoan khoái. Do đó, mẹ vừa massage nhẹ nhàng, vừa thủ thỉ để giúp bé được thư giãn hơn. Mẹ tuyệt đối không xoa bóp trên đầu bé và những chỗ có những vết thương hở, viêm nhiễm chưa lành.
Lê Huyền
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất