Nhiều người thắc mắc: Trẻ bị thiếu sắt nguy hiểm như thế nào?
Tin liên quan
Nếu trẻ bị thiếu sắt điều gì sẽ xảy ra?
Nhu cầu sắt ở trẻ còn bú mẹ tăng gấp 7 lần so với người lớn tính theo trọng lượng cơ thể. Nếu trẻ bị thiếu sắt sẽ xảy ra một số triệu chứng như: thiếu năng lượng, bồn chồn, giảm cảm giác thèm ăn, nặng thì dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt. Những triệu chứng này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển trí não và gây tổn hại đến sự phát triển nhận thức của con.
Khi thiếu máu trẻ có hiện tượng tim đập nhanh, thậm chí trẻ nhỏ có thể bị suy tim do thiếu máu. Ở trẻ lớn còn làm cho trẻ mệt mỏi hay ngủ gật, thiếu tập trung trong giờ học dẫn đến học tập sút kém.
Thiếu sắt còn ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể: ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa: trẻ biếng ăn, viêm teo gai lưỡi, khó nuốt, kém hấp thu, độ toan dạ dày giảm, ảnh hưởng đến hệ thần kinh.
Ngoài ra, sắt tham gia vào việc tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể, nên thiếu sắt trẻ hay bị ốm đau do hệ thống miễn dịch suy giảm.
Làm sao để biết được trẻ đang thiếu sắt?
Đặc điểm rất dễ nhận ra đó chính là màu môi và móng tay của trẻ rất nhạt, da xanh xao, không hồng hào. Biểu hiện của thiếu máu thiếu sắt là da xanh, niêm mạc nhợt, móng tay móng chân nhợt nhạt, móng tay dễ gãy, biến dạng, tóc khô cứng dễ gãy, trẻ thiếu máu thường biếng ăn chậm lớn, còi cọc, táo bón, ăn hay nôn trớ. Vì vậy, các mẹ có thể đến bệnh viện để xét nghiệm máu định kỳ cho con.
Muốn phòng chống thiếu sắt cho trẻ em các bà mẹ cần phải làm gì?
Để chống thiếu sắt cho trẻ thì ngay từ khi mang bầu các bà mẹ cần phải ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, nhất là các thực phẩm có chứa nhiều sắt, có thể uống thêm viên sắt bổ sung nếu ăn uống chưa được đầy đủ.
Sau khi sinh, các mẹ nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho bú đến 24 tháng.
Khi trẻ được 6 tháng cho trẻ ăn bổ sung với đầy đủ các chất dinh dưỡng. Cụ thể, đó là bổ sung đủ 4 nhóm thực phẩm: chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng và các loại thực phẩm giàu sắt và vitamin C.
Ngoài ra, các mẹ cũng cần chú ý giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống để tránh nhiễm giun sán. Đặc biệt cũng cần chú ý không nên đi chân đất để tránh nhiễm giun móc (giun móc kí sinh ở ruột non, gây mất máu), và các mẹ nên chú ý tẩy giun định kì cho trẻ 6 tháng một lần.
Khi trẻ bị suy dinh dưỡng, tiêu chảy, viêm phổi, viêm tai…cần phải điều trị kịp thời. Đồng thời, khi trẻ có các biểu hiện của mệt mỏi, biếng ăn … bố mẹ cần kịp thời cho đi thăm khám.
Nên bổ sung sắt cho trẻ như thế nào?
Từ 0-6 tháng: Trẻ hầu như không cần bổ sung sắt vì đã được bổ sung từ sữa mẹ. Trừ những trường hợp sinh non và thiếu sắt trầm trọng khi mang thai.
Từ 6-12 tháng: Cha mẹ nên chú ý bổ sung các thực phẩm chứa nhiều sắt kết hợp với các món ăn dặm của trẻ ví dụ như gan lợn, thịt bò, thịt lợn,…
Từ 1-3 tuổi: Bố mẹ nên cho trẻ ăn với chế độ ăn đa dạng bao gồm: tinh bột, chất đạm, chất béo, chất xơ, đường, bổ sung các thực phẩm chứa vitamin C để thúc đẩy sự hấp thụ sắt như: giá đỗ, cà chua, kiwi, cam…
Theo Sức Khỏe Cộng Đồng
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất