7 cách giúp trẻ yêu thích học tập ngay từ nhỏ

7 cách giúp trẻ yêu thích học tập ngay từ nhỏ

2021-02-28 19:00
- Khi còn bé, trẻ em đều có tính tò mò, thích khám phá thế giới xung quanh và tiếp thu kiến thức, kỹ năng mới. Nhưng khi lớn lên, niềm yêu thích học tập này thường bị mất đi, thậm chí nhiều trẻ lớn lên sợ hãi trường học và việc học tập.

May mắn là cha mẹ có thể giúp phát triển và vun đắp niềm yêu thích học tập cho trẻ ngay từ nhỏ với một vài chiến lược đơn giản dưới đây.  

1. Giúp trẻ khám phá sở thích, đam mê  

 

Cách đơn giản để khơi dậy niềm yêu thích học tập là giúp trẻ khám phá và tìm hiểu các chủ đề mà chúng quan tâm.  

Các nghiên cứu cho thấy việc học tập được nâng cao khi trẻ được phép chọn các chủ đề quan tâm để theo đuổi.  

Sally Reis, Tiến sĩ, Phó Giáo sư Tâm lý Giáo dục tại Đại học Connecticut, giải thích rằng chìa khóa để mở ra tiềm năng của trẻ là tìm ra sở thích của trẻ và giúp trẻ phát triển chúng.  

Hãy nói chuyện với con bạn về những gì con đang làm, đọc, xem và học. Cho contiếp xúc với những trải nghiệm khác nhau như bảo tàng, sân khấu biểu diễn, sở thú,... Giúp con mượn sách theo nhiều chủ đề từ thư viện.  

Tất cả những hoạt động này có thể giúp bạn tìm ra và khơi dậy sở thích của con.  

2. Cung cấp trải nghiệm thực hành  

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng học thông qua thực hành là phương pháp hiệu quả nhất đối với trẻ em.  

Khi trẻ được di chuyển, chạm và trải nghiệm, trẻ sẽ học tốt hơn.  

Ví dụ: các nghiên cứu cho thấy rằng những học sinh diễn đạt một vấn đề toán học bằng hành động sẽ có khả năng trả lời đúng nhiều hơn những người không làm.  

Học qua thực hành không chỉ giúp trẻ xử lý thông tin mà còn là một cách học thú vị hơn.  

Đa phần trẻ em không thích đọc sách giáo khoa, ghi vở hay "học" thông qua ghi nhớ thuộc lòng.  

Tuy nhiên, trải nghiệm và các hoạt động thực hành sẽ khơi dậy sự quan tâm và trí tưởng tượng của trẻ.  

Giáo viên trên lớp nên kết hợp các trải nghiệm chuyển động, tương tác và xúc giác càng nhiều càng tốt.  

Cha mẹ có thể cung cấp thêm những trải nghiệm thực hành cho con khi ở nhà. Ví dụ, nếu con bạn đang học về các loài động vật sống dưới nước\, hãy đưa con đi thăm thủy cung.  

Nếu con đang tìm hiểu một nghệ sĩ nào đó, hãy đưa con đến bảo tàng để xem tác phẩm của họ.  

Cố gắng tìm kiếm những trải nghiệm thực tế, hấp dẫn cho con bạn. Hãy biến việc học thành một cuộc phiêu lưu.  

Những trải nghiệm này sẽ giúp con bạn học tập một cách hiệu quả, tích cực, hứng thú.  

3. Làm việc học trở nên thú vị  

Ngay cả những môn học tưởng chừng như khô khan cũng có thể trở nên thú vị hơn thông qua các bài hát, trò chơi trí tuệ, hoạt động sáng tạo.  

Bạn cũng có thể kết hợp thơ ca, sáng tác vào bất kỳ môn học nào.  

Một cách khác để làm cho việc học trở nên thú vị hơn là giải lao bằng các hoạt động ngắn, đơn giản và hài hước sau một thời gian học nhất định để phá vỡ sự đơn điệu, khó khăn của buổi học, hoặc giúp trẻ quay lại việc học với cảm giác tràn đầy năng lượng và tập trung hơn.  

4. Làm gương cho con  

(Ảnh minh họa: wikiHow)    

Cha mẹ hãy là một tấm gương đam mê học hỏi cho con. Hãy nhiệt tình khám phá những sở thích, đam mê của chính bạn. 

Nếu có điều kiện, bạn có thể tham gia một khóa học (trực tuyến hoặc trực tiếp) về những chủ đề bạn quan tâm như: nấu ăn, nhiếp ảnh, văn học,...  

Hãy nói chuyện với con bạn về những gì bạn đang học: những thách thức, sự phấn khích, cách bạn áp dụng những gì học được vào cuộc sống,...  

Nếu không thể tham gia hóa học, bạn có thể đọc sách hoặc xem video để tìm hiểu thêm về chủ đề mà bạn quan tâm. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng việc thể hiện sự nhiệt tình học tập của chính bạn sẽ giúp khơi dậy niềm đam mê này trong con.  

5. Tìm ra phong cách học tập của con  

Mỗi đứa trẻ đều có phong cách học tập độc đáo của riêng mình hoặc cách học hiệu quả nhất với mình.  

Các nhà giáo dục và nhà tâm lý học đã xác định ba phong cách học tập chính ở trẻ: thị giác, thính giác và vận động.  

- Phong cách học tập thị giác: Người học xử lý thông tin hiệu quả nhất khi thông tin được trình bày bằng văn bản hoặc hình ảnh. Họ rất tinh ý, có trí nhớ tuyệt vời và thường thích nghệ thuật.  

- Phong cách học tập thính giác: Người học thích nghe thông tin. Họ là những người biết lắng nghe, biết làm theo chỉ dẫn tốt và thường có thế mạnh về ngôn ngữ hoặc năng khiếu âm nhạc.  

- Phong cách học tập vận động: Người học thiên về thể chất, thường xuất sắc trong các môn thể thao, khiêu vũ. Họ học tốt nhất thông qua chuyển động và xúc giác, dựa vào những ngón tay và cử chỉ tay.  

Xác định được phong cách học tập phù hợp nhất với con bạn sẽ giúp con học hiệu quả hơn.  

6. Thảo luận với con thay vì thuyết giảng  

Hãy biến việc học trở thành một cuộc trò chuyện mà con bạn có thể tham gia một cách tích cực chứ không chỉ là một bài giảng mà trẻ phải tiếp nhận một cách thụ động.  

Khi con bạn thể hiện sự tò mò bằng cách đặt một câu hỏi, hãy cố gắng hết sức để trả lời. Ngay cả khi một câu hỏi của trẻ hơi lạc đề thì nó cũng thể hiện sự quan tâm và tạo cơ hội học tập cho trẻ học hỏi.  

Nếu bạn không biết đáp án, có thể cùng trẻ khám phá ra câu trả lời.  

Bạn cũng có thể mở rộng cuộc trò chuyện bằng cách tự đặt những câu hỏi mở như "Tại sao", "Làm thế nào" hoặc "Điều gì sẽ xảy ra nếu….?" Những câu hỏi này có thể đưa trẻ lên cấp độ cao hơn về tư duy phản biện và giải quyết vấn đề.  

7. Hỗ trợ và khuyến khích con  

(Ảnh minh họa: wikiHow)    

Một lý do khiến nhiều trẻ em đánh mất niềm yêu thích học tập là chúng cảm thấy việc học gắn với lo lắng và áp lực. Trẻ lo bị điểm kém, trả lời sai câu hỏi hoặc thi trượt.  

Khi việc học chỉ chú trọng kết quả, thành tích thì nó sẽ không còn thú vị nữa. Cha mẹ cần quan tâm hơn tới quá trình và nỗ lực mà con bỏ ra.  

Điều quan trọng là phải dạy trẻ em rằng thành công không phải là kết quả của những khả năng bẩm sinh như "trí thông minh". Thay vào đó, thành công đến từ sự bền bỉ, luyện tập, chăm chỉ và không ít lần thất bại.  

Nhà nghiên cứu Carol Dweck của Đại học Stanford phát hiện ra rằng các sinh viên được khen ngợi về nỗ lực thay vì khả năng sẽ đạt điểm cao hơn trong các bài kiểm tra trí thông minh.  

Điều này là bởi những đứa trẻ quan niệm khó khăn, thất bại là do thiếu thông minh sẽ có khả năng trốn tránh hoặc bỏ cuộc khi gặp những nhiệm vụ khó khăn.  

Ngược lại, những đứa trẻ coi thách thức là cơ hội học tập sẽ có khả năng kiên trì, lập chiến lược và tiếp tục cho đến khi tìm ra giải pháp.  

Cha mẹ nên đặt kỳ vọng hợp lý đối với con, đồng thời hỗ trợ và khuyến khích khi con gặp khó khăn hoặc thất bại.  

Hãy giúp con học hỏi từ những kinh nghiệm này và đừng tạo áp lực quá mức, bắt con phải đạt điểm tối đa hoặc trở thành học sinh xuất sắc.  

Khi con hiểu được rằng học tập là để học hỏi chứ không phải chỉ vì thành tích hay sự hoàn hảo, con sẽ có thể thư giãn và tận hưởng quá trình học tập hơn.  

Theo giadinhmoi.vn

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


7 trào lưu làm đẹp 'lỗi mốt' bỗng dưng phát sốt

Đọc nhiều nhất