'Vạch mặt' nơi sốt xuất huyết 'trú ẩn' tại công sở ít người biết
Tin liên quan
Thời điểm tháng 12 thường đã qua "đỉnh dịch" sốt xuất huyết. Tuy nhiên, vẫn xuất hiện những trường hợp mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội.
Mặc dù, tại nhiều gia đình đã có ý thức mắc màn, phun thuốc diệt muỗi, dọn vệ sinh... Tuy nhiên, ở công sở cũng có những "thủ phạm" tiềm ẩn nguy cơ trú ngụ và sản sinh ra muỗi gây bệnh sốt xuất huyết.
Chị P. (Nhân viên công ty xuất nhập khẩu) ở Hà Nội và đồng nghiệp vẫn thường trồng các cây xanh để bàn. Để tăng thẩm mỹ, chị P. chọn các loại bình thủy tinh trong suốt. Các cây này chủ yếu là cây dây leo có rễ. Tuy nhiên, do bận rộn chị P. và đồng nghiệp thường ít khi thay nước hoặc có thay cũng qua quýt, không vệ sinh bình.
Thậm chí, có những chai, lọ để vài tháng trời với nước đọng đã bốc mùi bên trong ở góc nhà nhưng không mấy ai để ý. Lâu dần những lọ nước này chìm vào quên lãng, chị P. và đồng nghiệp nghĩ không có vấn đề gì xảy ra.
Ảnh minh họa
Thời gian gần đây, khi nhiều đồng nghiệp trong công ty mắc sốt xuất huyết, chị P. mới bắt đầu hoang mang về nguồn muỗi. Lúc dọn dẹp, vệ sinh phòng làm việc tình cờ phát hiện những con loăng quăng ngay bên trong các lọ thủy tinh cắm hoa và trồng cây.
"Khi tôi đổ nước trong lọ ra, nhiều con loăng quăng vẫn còn ngoe nguẩy. Tôi nghĩ là những con sinh vật sống bám theo rễ các cây đã cắm nhưng không ngờ đó chính là nguồn để sản sinh ra muỗi", chị P. kể lại.
Còn công ty của chị V. (Thanh Trì, Hà Nội) có gian bếp ăn chung cho 15 người. Do bếp chung nên không phải ai cũng có ý thức giữ vệ sinh. Bát, đĩa, cốc, chén... ăn uống để vài ba ngày hay cả tuần lễ mới rửa không còn là chuyện lạ.
Có những dụng cụ đựng thức ăn để ở góc khuất càng khó phát hiện trong một thời gian dài. Đặc biệt những bát, tô đặt ở ban công có nước mưa tù đọng kéo dài dẫn đến loăng quăng. "Đợt vừa rồi, cơ quan tôi có mấy người bị sốt xuất huyết. Mọi người dọn dẹp đều không biết, chỉ khi nhân viên y tế đến phun thuốc diệt muỗi mới cảnh báo bọ gậy sống ngay trong những bát, tô ở ban công có nước mưa tù đọng", chị V. cho hay.
Nguy cơ từ chai, lọ ngay trong phòng làm việc
Tiến sĩ Trần Đắc Phu (Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế) cho hay, tất cả những dụng cụ chứa nước kể cả lọ cắm hoa, nước trong chậu để lâu ngày... đều có thể chứa bọ gậy.
Thậm chí, ngay cả những khay nước thải tủ lạnh, nước thải của điều hòa, các bát kê tủ, vỏ dừa đã được sử dụng hết nhưng tù đọng nước bên trong cũng có thể chứa bọ gậy. Do đó, việc cần làm là tích cực diệt bọ gậy nhằm phòng tránh sốt xuất huyết.
Còn bác sĩ Tiến Minh (Chuyên gia y học dự phòng) cảnh báo, với các cơ quan, công sở nằm trong các tòa nhà cao tầng hiện đại thường được dọn dẹp sạch sẽ hơn. Tuy nhiên, không ít người vẫn dùng lọ cắm hoa, bình cắm cây. Nhưng lâu ngày không thay nước, dẫn đến bọ gậy sinh sản và sinh ra muỗi.
"Không ít người vẫn có một suy nghĩ sai lầm là muỗi vằn chỉ sinh trưởng ở nơi bẩn, rác thải, mất vệ sinh. Trên thực tế, bất cứ đâu có nước tù đọng lâu ngày vẫn có thể có muỗi vằn. Muỗi vằn đẻ trứng ngay trong các dụng cụ vẫn thường thấy như lốp xe hỏng, các tiểu cảnh trang trí trong nhà, bể cá, bể nước...", bác sĩ Minh nói.
Việc phun hóa chất diệt muỗi chỉ phát huy hiệu quả thực sự khi dọn dẹp sạch những nơi có nước đọng dù là chai, lọ, bình hoa, hòn non bộ... Ngay tại nơi làm việc, phải thay nước cho bình hoa, lọ cắm hoa... Nếu không dùng nữa phải vệ sinh, lau chùi sạch sẽ rồi để bình khô, không có nước bên trong.
Theo bác sĩ Minh, cách tốt nhất để diệt bọ gậy là ngăn không cho chúng có môi trường sống kể cả những vật dụng nhân tạo như lốp xe, hòn non bộ... gây tù đọng nước. Cách hiệu quả nhất là thả cá để ăn bọ gậy và giữ vệ sinh môi trường.
Phương Hà
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất