Sự thật trí tuệ nhân tạo điều trị ung thư tại Việt Nam

Sự thật trí tuệ nhân tạo điều trị ung thư tại Việt Nam

2018-05-11 17:47
- Hàng loạt thông tin về bác sĩ ảo, bác sĩ nhân tạo điều trị ung thư khiến không ít bệnh nhân lầm tưởng.

Thời gian gần đây, thuật ngữ trí tuệ nhân tạo được nhắc đến trong nhiều lĩnh vực. Riêng trong y khoa, tại VN có 2 cơ sở y tế là BV K và BV đa khoa tỉnh Phú Thọ đang thử nghiệm hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo IBM WFO để hỗ trợ đưa ra phác đồ điều trị ung thư 

Trong đó BV K thử nghiệm từ cuối tháng 1 vừa qua với sự tham gia khảo sát của 200 bệnh nhân, trong đó có 152 bệnh nhân ung thư vú, còn lại là bệnh nhân ung thư phổi, ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày. BV đa khoa Phú Thọ áp dụng thí điểm từ tháng 2. 

Theo giới thiệu của đơn vị cung cấp, IBM là hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ đưa ra phác đồ điều trị ung thư dựa trên bằng chứng với sự phối hợp của công ty phát triển máy tính và các chuyên gia của trung tâm ung thư Memorial Sloan Kettering (Hoa Kỳ). 

Hệ thống này dựa trên việc tổng hợp hàng triệu hồ sơ bệnh án ung thư, hơn 300 tạp chí y khoa, 200 sách giáo khoa và hơn 15 triệu trang tài liệu y văn liên quan tới điều trị ung thư. 

Đến nay, hệ thống này đã triển khai tại hơn 80 bệnh viện và cơ sở y tế tại 13 quốc gia trên toàn thế giới. 

Không thể thay thế bác sĩ 

PGS Lê Văn Quảng, Phó giám đốc BV K cho biết, sau 3 tháng triển khai thử nghiệm, kết quả cho thấy, sự tương đồng giữa phác đồ của hệ thống IBM WFO đưa ra với phác đồ của bác sĩ BV K đạt trên 90%. Đồng nghĩa những phác đồ bác sĩ VN đang áp dụng tương đồng rất cao với phác đồ của các nước phát triển. 

PGS Lê Văn Quảng khẳng định trí tuệ nhân tạo chỉ là phương tiện tham khảo 

7 trường hợp cho kết quả không tương đồng là những trường hợp khó hoặc có nhiều loại thuốc mới chưa được sử dụng tại VN. 

Tuy nhiên, PGS Quảng cho biết, hầu hết các bệnh nhân tham gia khảo sát đều ở giai đoạn sớm của ung thư, ở giai đoạn này thường có rất ít chỉ định. 

Các chuyên gia tại BV K cũng đặt ra hàng loạt câu hỏi quanh ứng dụng này: Nên gọi chính xác là máy hay trí tuệ nhân tạo? Nếu là trí tuệ nhân tạo, phải học được quá trình làm việc của BS và quay trở lại hỗ trợ BS? Bệnh tật luôn có tính cá thể, không thể áp dụng chung cho tất cả bệnh nhân và cần có đơn vị đủ năng lực để kiểm định, không thể vừa công bố, vừa bảo vệ thành quả... 

TS Đào Văn Tú, Phụ trách Trung tâm nghiên cứu lâm sàng của BV đánh giá, đây chỉ là công cụ để BS tham khảo, còn việc có “chốt” phác đồ đó hay không cần có hội đồng y khoa và thông qua hội chẩn kỹ lưỡng. 

“Phần mềm này không thể thay thế được bác sĩ. Thậm chí phải là bác sĩ có chuyên môn tốt, tiếng Anh tốt mới có thể nhập dữ liệu đầu vào chính xác”, TS Tú nói. 

TS Đào Văn Tú 

PGS Quảng cũng thẳng thắn nhìn nhận, phần mềm này giúp các sĩ tìm kiếm tài liệu rất nhanh, dữ liệu được cập nhật liên tục, phục vụ rất tốt cho đào tạo, đặc biệt là các bác sĩ trẻ ở tuyến dưới chưa có cơ hội tiếp cận với các phác đồ mới. 

Với bệnh ung thư tại nói chung, cần điều trị kết hợp nhiều phương pháp, trong đó phẫu thuật vẫn đóng vai trò quan trọng, chiếm 70-80%. 

“Tuy nhiên phần mềm này mới chỉ đưa ra được một số phác đồ hoá chất ở giai đoạn sớm, còn giai đoạn muộn rất hạn chế. Đây chỉ phương tiện giúp bác sĩ có thêm gợi ý, tham khảo trong quá trình điều trị, nếu nói dựa vào đó để điều trị bách bệnh thì rất nguy hiểm”, PGS Quảng chia sẻ. 

Ngoài ra, hệ thống này mới hỗ trợ điều trị 13 loại ung thư phổ biến, không hỗ trợ điều trị với người bệnh mắc nhiều loại ung thư một lúc. 

Đại diện nhà cung cấp cũng cho rằng không nên gọi phần mềm này là “bác sĩ ảo”, “bác sĩ người máy” hay “bác sĩ nhân tạo” vì sẽ khiến bệnh nhân dễ hiểu lầm. 

Theo Thúy Hạnh/Vietnamnet

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Tuân thủ quy tắc 3 phút mỗi ngày sẽ giúp bạn khỏe mạnh suốt đời, tránh xa bệnh tật

Đọc nhiều nhất