Người lớn lười làm việc này, trẻ có thể bị chuột, gián, côn trùng tấn công dù là ngủ ban ngày

Người lớn lười làm việc này, trẻ có thể bị chuột, gián, côn trùng tấn công dù là ngủ ban ngày

Phúc Linh 2017-08-17 19:28
- Không ngủ màn là thói quen nhiều gia đình đang mắc, chưa kể sốt xuất huyết mà còn nhiều nguy cơ khác với sức khỏe.

Sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh với nhiều ca mắc, một trong những nguyên nhân là do nhiều người không ngủ màn nên bị muỗi cắn. Không ngủ màn cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị các loại côn trùng đốt gây ngứa da.

Mới đây, một Facebooker chia sẻ câu chuyện xảy ra ở gia đình mình, khi đi ngủ không nằm màn dẫn đến bé bị chảy máu tay và sốt  do chuột cắn.

Người mẹ này kể: "Đang ngủ, khoảng 1h, con ngồi dậy khóc thét lên, mẹ thì đang ngủ nghe con khóc tưởng con giật mình, mẹ đỡ con xuống cho bú vẫn khóc. Tự nhiên mẹ thấy lạ bật đèn lên thì thấy máu me ở đâu mà đầy giường, người mẹ cũng dính máu. Mẹ bồng con đi cấp cứu, vào sơ cứu thì bác sĩ bảo do chuột".

Cũng từng có con bị dị ứng do côn trùng đốt vào ban đêm với lý do không ngủ màn, chị Nguyễn Thanh (Trung Hòa, cầu Giấy) chia sẻ: “Trước kia gia đình tôi thường ngủ màn. Mới đây khi cả gia đình chuyển sang nhà mới chưa kịp mua màn thì con trai nổi nốt đỏ li ti sau khi ngủ dậy. Tôi nghĩ do ở nhà mới nên con không hợp nước. Sau đó các vết ngứa ngày càng đỏ hơn. Khi cho con đi khám, bác sĩ kết luận các vết đỏ và ngứa của con do côn trùng đốt".

Chị Mai Lan (Hà Đông) cho hay: “Hai đứa con nhà mình thường hay uống sữa trước khi đi ngủ, vì có mùi sữa nên kiến chui vào giường, hôm nào quên không ngủ màn, hôm sau hai đứa con quấy khóc vì vết ngứa do kiến đốt".

 Thói quen chủ quan của các mẹ khiến trẻ bị côn trùng đốt do không ngủ màn

Ngủ màn kể cả ban ngày?

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Phó giám đốc, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, trường hợp trẻ bị chuột cắn rất ít xảy ra. Dù hiếm nhưng các gia đình có con nhỏ cũng cần đề phòng tai nạn thương tích cho trẻ do chuột gây ra.

Nếu trẻ bị chuột cắn cần phải lập tức sơ cứu ngay, bởi chuột là loại động vật động vật gây hại và trung gian lây truyền một số bệnh truyền nhiễm cho người như: bệnh dịch hạch, viêm phổi, vàng da xuất huyết… Các bệnh này nếu không được điều trị kịp thời sẽ rất nguy hiểm.

Mặc dù, các vết cào, cắn do chuột gây ra tuy chỉ ngoài da nhưng là đường vào của nhiều bệnh. Các loại vi khuẩn sống trong nước bọt của chuột nên khi  bị chuột cắn, các vi khuẩn này sẽ theo vết cắn và đi vào máu rồi gây bệnh.

Theo ThS.BS Đinh Doãn Thạch (Bệnh viện da liễu Hà Nội), hiện nay thời tiết mưa ẩm thuận lợi cho các loại côn trùng gây bệnh về da phát triển.

Thông thường các trường hợp bị côn trùng đốt chỉ xảy ra những phản ứng nhẹ tại chỗ như sưng nề đỏ, ngứa và đau. Nhưng có trường hợp, vết đốt của côn trùng có thể gây ra các phản ứng dị ứng mang tính chất toàn thân như nổi mề đay, phù nề môi, mắt, hầu họng, thanh quản, co thắt phế quản, nặng nhất là sốc phản vệ, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Khi con bị côn trùng cắn hoặc đốt, mẹ cần sơ cứu bằng cách nhẹ nhàng lấy ngòi độc ra (nếu có) và làm sạch vết thương bằng xà phòng hoặc chất sát trùng. Mẹ có thể chườm đá cho bé để giảm đau và sưng đỏ, tránh để bé cào gãi mạnh dẫn đến các vết ngứa nặng hơn.

Để phòng tránh cho trẻ khỏi bị các loại côn trùng đốt, bác sĩ Đinh Doãn Thạch lưu ý: “Khi ngủ, kể cả ban ngày, cần mắc màn, cho trẻ nằm trong nôi, cũi có phông màn che chống ruồi, muỗi và các loại côn trùng khác. Sau khi trẻ ăn uống xong cần lau sạch kể cả chỗ chơi và chỗ ngủ, buổi tối các gia đình nên đóng các cửa sổ nhất là vào mùa mưa, tránh các loại côn trùng bay vào nhà".

Phúc Linh.

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Rùng mình với những 'thị trấn ma' không phải ai cũng dám đặt chân tới

Đọc nhiều nhất